ClockThứ Bảy, 30/12/2017 05:56

Khẳng định thương hiệu đại học Huế

TTH - Không bó hẹp ở Huế hay miền Trung, những cử nhân, bác sĩ, giáo viên… xuất thân từ lò đào tạo Huế đã và đang tỏa đi khắp mọi miền đất nước.

Đại học Huế thực hiện tốt Luật Phòng, chống ma túyĐại học Huế xếp hạng thứ 8/49 trường đại học ở Việt NamĐại học Huế xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại họcĐại học Huế chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2017Phát động cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” tại Đại học Huế

Sinh viên Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế tham gia nghiên cứu khoa học

Bác sĩ Cao Thiên Tượng xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc). Tốt nghiệp đại học (ĐH) Y khoa Huế vào những năm đầu thập niên 90 , bác sĩ Tượng vào Nam tìm kiếm việc làm và được nhận vào công tác tại bệnh viện ở một tỉnh ven Sài Gòn. Vừa học, vừa làm, ông đã lấy thêm bằng bác sĩ chuyên khoa II, được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy nổi tiếng.

Tại môi trường làm việc mới, bác sĩ Tượng nhanh chóng khẳng định năng lực và trở thành một trong những bác sĩ đầu ngành về chẩn đoán hình ảnh, chuyên sâu về hình ảnh học thần kinh của cả nước, được đồng nghiệp kính nể. Còn với bệnh nhân, ông được gọi bằng những cái tên hết sức thân thiết, “bác sĩ Tượng MRI” (đọc MRI giỏi hàng đầu), “ông bác sĩ Huế”. Đáng nói, dẫu bận rộn với bao công việc, bác sĩ Cao Thiên Tượng vẫn giữ liên lạc và luôn hướng về quê hương. Gặp ông, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về sự giản dị và gần gũi. 

Trường ĐH Y dược  mà bác sĩ Tượng theo học - nay là  thuộc ĐH Huế  - vẫn tiếp tục khẳng định là thương hiệu đào tạo giáo dục ĐH hàng đầu cả nước. Thế nhưng, kết quả về những kỳ tuyển sinh ĐH gần đây và hiện có không ít những học sinh phổ thông đã không chọn các trường thành viên của ĐH Huế mà bỏ vào Sài Gòn, ra Hà Nội hay vượt đèo vào Đà Nẵng khiến không ít người chạnh lòng. “Đầu vào” thấp, làm sao có thể đảm chất lượng tốt cho “đầu ra”?

Gặp nhiều em trong số đó, câu trả lời chung nhất mà chúng tôi nghe được là Huế đang thiếu “môi trường học tập”. Môi trường ở đây được hiểu là sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất. Và cũng với câu hỏi đó, nhiều vị lãnh đạo ở các trường ĐH thành viên và cả ĐH Huế cùng bày tỏ quyết tâm vượt khó bằng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế là, bằng nhiều cách làm khác nhau, các trường ĐH thành viên của ĐH Huế đang tự làm mới mình, bằng việc đầu tư cho những ngành học mũi nhọn, liên kết trong đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học để giúp sinh viên nắm bắt kiến thức tốt nhất và năng động trong công việc sau này.

Cán bộ Trường ĐH Nông lâm trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Nhật Bản

Điển hình như từ năm 2017, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế triển khai chương trình sinh viên đi thực tập nước ngoài với 2 điểm đến là Nhật Bản và Israel. TS. Nguyễn Văn Huế, Phó Trưởng khoa Cơ khí – Công nghệ, Trường ĐH Nông lâm cho rằng, cái lợi rõ nhất là sinh viên được trải nghiệm tốt môi trường làm việc và công nghệ hiện đại ở nước ngoài, phát triển được chuyên môn ngành học. Mặt khác, dù thực tập nhưng có thu nhập tương đối tốt, với khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm. Điều này cũng chứng tỏ, đây là cách đào tạo hay, mở ra nhiều triển vọng về đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và cơ hội việc làm sinh viên sau khi ra trường.

Qua quá trình phấn đầu âm thầm và bền bỉ, ĐH Huế đã có những trái ngọt đầu mùa. Năm 2017, đã có 6/8 trường thành viên hoàn thành đánh giá ngoài do Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. Trong số đó, có 3 trường đã được cấp chứng nhận (Nông lâm, Y dược và Khoa học); 3 trường còn lại là Sư phạm, Kinh tế và Ngoại ngữ đang chờ hồ sơ xem xét công nhận, song bước đầu được các chuyên gia đánh giá cao. Những kết quả bước đầu khả quan đó cho thấy, các cơ sở giáo dục ĐH Huế đang có đủ minh chứng để khẳng định thương hiệu với người học và xã hội.

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, các trường thành viên ĐH Huế được kiểm định đạt từ 82 – 89% các tiêu chí đánh giá, với hàng loạt những điểm mạnh được công nhận, gồm: chất lượng đội ngũ cán bộ với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư lớn; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, nhất là đào tạo trình độ cao… Xét mặt bằng chung của cả nước, con số này là khá cao khi hiện tại, rất ít đơn vị vượt qua mốc 90% như ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Mới đây, tại buổi làm việc với Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế, ông Hồ Sĩ Lượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Green Feed Việt Nam cũng cho rằng, sinh viên Huế có ưu điểm cần cù, chịu khó, có trách nhiệm, gắn bó với công việc và đây là những tố chất mà các doanh nghiệp rất cần. Đó là những thừa nhận đáng mừng từ phía doanh nghiệp.

Cho đến mùa xuân này, ĐH Huế có hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đã và đang cung cấp cho xã hội những bác sĩ Huế, thầy giáo Huế, họa sĩ Huế… và cả những cử nhân, kỹ sư, nhà báo Huế. Dù ở đâu hay làm gì, họ cũng đều để lại những dấu ấn đặc trưng về nơi một thời họ đã học tập và rèn luyện.

MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẳng định vai trò mặt trận và các đoàn thể

Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (MTTQVN & CĐTCT – XH) là mục tiêu xuyên suốt, thường xuyên liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Khẳng định vai trò mặt trận và các đoàn thể

TIN MỚI

Return to top