ClockThứ Ba, 31/01/2017 14:27

Khắp nơi đón Tết vui tươi, an toàn

TTH.VN - Từ các đường phố cho đến các phường xã, xóm làng trên toàn tỉnh nhiều hoạt động vui xuân đón Tết với ước vọng cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Thời tiết tạnh ráo, nắng đẹp đã giúp người dân có một cái Tết vui tươi, các hoạt động vui chơi diễn ra trong an toàn. 

Dưới đây là ghi nhận của Thừa Thiên Huế Online ở các địa phương:

TP. Huế là nơi diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội quan trọng trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Tại các điểm vui chơi, lễ hội bắt đầu từ 28 Tết Âm lịch như Hội Xuân 2017, chợ hoa, không gian văn hóa, nghệ thuật, chương trình ca múa nhạc, chào đón giao thừa… đều tấp nập người dân và du khách. Từ mùng 1-4 Tết Đinh Dậu, các điểm vui chơi cũng luôn trong tình trạng đông đúc, tuy thế, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, chưa xảy ra tình trạng cướp giật, trộm cắp, các tệ nạn xã hội được bài trừ, giao thông thông suốt, gần như không xảy ra tình trạng kẹt xe quá lâu ở các điểm tham quan, tảo mộ nhờ trước đó TP. Huế đã tổ chức phân luồng giao thông, bố trí cảnh sát điều tiết giao thông ở các trục đường trọng điểm… Người dân TP. Huế đón Tết Đinh Dậu trong không khí hân hoan, vui vẻ, phấn khởi.

Tại Phú Lộc, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mà Tết Đinh Dậu ở Phú Lộc diễn ra trong vui vẻ và an toàn. Chợ phiên đầu năm ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ được duy trì. Theo ông Tô Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, năm nay, thời tiết  thuận lợi càng làm cho chợ phiên truyền thống càng thêm đông đúc, vui vẻ. Qua 3 ngày diễn ra chợ phiên, ước tính có hơn 10 ngàn lượt người đến tham quan, mua lộc đầu năm.

Chợ phiên ở xã Vinh Mỹ thu hút đông đúc người dân. Ảnh: Đức Quang

Cũng là hoạt động vui xuân, Hội bài chòi tại thị trấn Phú Lộc diễn ra liên tục trong 3 ngày Tết. Đây là không gian không chỉ thu hút đông đúc người dân ở thị trấn mà nhiều người dân tại các xã lân cận cũng đến vui chơi. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lộc, huyện đang nghiên cứu và phát huy hơn nữa trò chơi truyền thống này trong những năm tiếp theo, để có thể đáp ứng được như cầu của người dân, du khách. Vào ngày mùng 6 Tết, trên địa bàn huyện sẽ diễn ra một số lễ hội truyền thống như đua thuyền kết hợp với cầu  ngư ở thị trấn Lăng Cô...

Thông tin từ Văn phòng UBND huyện Phú Lộc, tính đến cuối ngày mùng 3 Tết, chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thức ăn, không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng nào.

Trong khi đó, tại thị xã Hương Thủy, đến hết ngày mùng 3 Tết Đinh Dậu, trên địa bàn không xảy ra trường hợp ngộ độc; không có pháo nổ, an ninh trật tự được giữ vững. Người dân thị xã Hương Thủy từ đô thị đến các vùng quê đều có một kỳ nghỉ lễ tết truyền thống Đinh Dậu đầm ấm, an vui.

Xuân này, toàn thị xã Hương Thủy có 9.500 đối tượng nhận quà của Chủ tịch nước và các cấp chính quyền. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đã tiếp nhận và trao 1.689 suất quà cho các đối tượng với tổng kinh phí 471.200.000 đồng. Tại các xã, phường đã trích ngân sách địa phương và các nguồn huy động được 169.600.000 đồng, tặng cho 953 đối tượng chính sách trên địa bàn. Đây là những phần quà không lớn về vật chất nhưng đã rất ý nghĩa về mặt tinh thần để động viên những đối tượng yếu thế, đảm bảo mọi nhà mọi người để có Tết. 

Người dân chơi bài chòi ở chợ quê. Ảnh: Đồng Văn

Tuyến đường Nguyễn Tất Thành là cửa ngõ phía Nam quan trọng trước khi vào trung tâm TP. Huế cũng được thị xã quan tâm đầu tư tranh, hệ thống pano, áp phích, khẩu hiệu... đón xuân mới. Các xã, phường dọc theo tuyến đường cũng tổ chức nhiều hoạt động tổng vệ sinh, làm sạch đẹp cơ quan, đường phố, đường làng, ngõ xóm... Ngoài khu vực Hội chợ Xuân tại Nhà văn hóa trung tâm thị xã, các xã phường đều chủ động tổ chức nhiều hoạt động vui xuân cho người dân, nhiều vùng quê còn dựng chòi để phục vụ thú chơi bào chòi tao nhã, thu hút đông đảo người chơi, người xem.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có đến 670 ha lúa bị ngập úng do ảnh hưởng từ đợt mưa lớn ngày 25/1; trong đó, có 24 ha phải gieo cấy lại. Để đảm bảo lịch nông vụ, các địa phương đã tiêu úng và tổ chức gieo sạ lại 5,5 ha, phần còn lại sẽ được khẩn trương gieo sạ ngay sau thời gian nghỉ Tết.

Nhiều hoạt động văn nghệ được tổ chức

Từ đêm 30 đến ngày mùng 4 Tết, huyện Quảng Điền đã tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Đinh Dậu; giải cờ tướng diễn ra vào ngày mùng 4 tết. Các xã, thị trấn cũng triển khai nhiều hoạt động lễ hội trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc như: hội thi Đu tiên tại thôn Phước Yên, bài chòi xã Quảng Thọ; Đu tiên ở Đông Lâm, xã Quảng Phú; Chợ phiên truyền thống ngày tết ở xã Quảng Ngạn và Quảng Công. Giải đua ghe truyền thống trên sông Sịa, giải bóng chuyền bãi biển ở xã Quảng Công, vật làng Thủ Lễ... diễn ra từ mùng 4 đến ngày mùng 8 Tết.

Còn với người dân huyện Phú Vang, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, người dân hòa mình với nhiều lễ hội truyền thống. Hầu hết các địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động vui xuân. Từ đêm Giao thừa đến mùng 5 Tết, thị trấn Thuận An đã thu hút người dân đến tham gia hội chợ Xuân nhờ lồng ghép các trò chơi dân gian, tổ chức xổ số trúng thưởng... Trò chơi bài chòi tại tổ dân phố Trường Lưu ở thị trấn Phú Đa được tổ chức thường niên thu hút  người dân mọi lứa tuổi tham gia. Tương tự, cứ đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, xã Phú Diên có tục lệ dựng nêu chính giữa trung tâm bãi biển để cầu cho việc khai thác, đánh bánh trong năm được suôn sẻ...

Người dân Phú Diên tham gia hoạt động vui chơi ngày Tết. Ảnh: Hương Lan

Bên cạnh đó, để đảm bảo đời sống cho Nhân dân, từ trước Tết UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn cấp phát xong quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh và huyện cho các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Nhân dịp đón Tết Đinh Dậu – 2017, từ đầu tháng 1/2017 lãnh đạo huyện Phú Vang đã chỉ đạo các địa phương tập trung tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân cho Nhân dân chu đáo, bảo đảm đầm ấm, an toàn, tiết kiệm dưới nhiều hình thức, như: thăm hỏi các gia đình chính sách, lão thành cách mạng; gặp mặt cán bộ chủ chốt toàn huyện, các cụ bô lão...

Cùng chung không khí đó, tại huyện Phong Điền, với sụ chuẩn bị chu đáo, Tết Đinh Dậu trên địa bàn huyện diễn ra vui vẻ, đầm ấm và an toàn. Tính đến ngày 31/1 (mồng 4 Tết) tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Nhiều lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, mở đầu cho năm Đinh Dậu tràn đầy sức sống.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, thời gian trước, trong và sau tết, UBND huyện đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt nhằm kiểm tra an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm, không để vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng xảy ra, không có hiện tượng người dân đốt pháo…

Bô lão làng Gia Viên (Phong Hiền) đánh trống khai mạc Hội đu Gia Viên vào ngày 4 Tết. Ảnh: Hải Huế

Để cho mọi người, mọi nhà có một cái tết đầm ấm, trước tết UBND huyện đã tiếp nhận, chỉ đạo cấp phát kịp thời và đúng đối tượng số lượng quà, kinh phí hỗ trợ Tết của Trung ương, tỉnh, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho các đối tượng chính sách có công, chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các cụ tròn 90 tuổi, 100 tuổi… với tổng giá trị khoảng 5,5 tỷ đồng. Đồng thời UBND huyện đã trích từ nguồn ngân sách huyện để mua 31.650 kg gạo hỗ trợ cho 2.110 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện trong dịp Tết với mức hỗ trợ 15 kg gạo/hộ.

Nhiều lễ hội đầu xuân thu hút đông đảo người dân tham gia. Mở màn cho các lễ hội đầu xuân là hội đu tiên Điền Hòa (mồng 2 tết), tiếp đó mồng 4 tết đã diễn ra các lễ hội như: hội đua ghe trên sông Ô Lâu (mồng 4 tết) của các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Lộc, hội  đu Gia Viên xã Phong Hiền, Hội thi nhảy bao bố xã Điền Hải, hội thi kéo co xã Phong An, giải bóng chuyền xã Điền Lộc… Những lễ hội này được các xã tổ chức nhằm giữ nét đẹp truyền thống của quê hương, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội còn giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết, là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ, tạo không khí vui tươi những ngày đầu xuân mới Đinh Dậu.

Hội đu Gia Viên thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Hải Huế

Tại thị xã Hương Trà, tính đến trưa mồng 4 Tết, trên địa bàn không xảy ra tệ nạn xã hội, không có pháo nổ, chưa xảy ra trường hợp ngộ độc và không có tai nạn giao thông nghiêm ttrọng.

Ngoài khu vực chợ hoa Xuân tại công viên trung tâm thị xã, các xã, phường cũng đều chủ động tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, đón tết cổ truyền cho người dân. Từ nay đến rằm tháng Giêng, tại Hương Trà, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục diễn ra: Ngày mồng 6 Tết, thị xã tổ chức liên hoan văn nghệ mừng ngày 3/2 và đêm thơ Nguyên tiêu vào ngày rằm tháng Giêng (nhằm ngày 10/2); lễ hội Cầu Ngư (xã Hải Dương) sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11/1 âm lịch; liên hoan văn nghệ tiễn đưa con em địa phương lên đường nhập ngũ và đón thanh niên nhập ngũ trở về vào ngày 10/1 âm lịch...

Nhóm Phóng viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Return to top