ClockChủ Nhật, 28/07/2019 08:41

Khát vọng

Bông sen đáLàng lính

Ông Nam đang lúi húi xới cỏ ngoài vườn thì có người gọi ời ời ngoài cổng. Biết là người đến xin cây giống, ông vội vàng chạy ra mở cửa. Ông ngồi tựa lưng vào gốc cây chỉ tay ra ngoài bãi cây giống bảo:

- Cháu cứ chọn lấy mấy cây to khỏe. Giống mít Thái này dễ trồng lại nhanh có quả lắm. Chăm sóc tốt cho trái quanh năm, quả lại to, giòn ngọt. Chẳng phải thuốc thang gì.

- Vâng ạ. May có bác cho cây giống lại tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng. Cháu biết ơn bác lắm.

- Ơn huệ gì.

Sau khi dặn dò kỹ lưỡng, ông mới yên tâm để cô Lượng ra về. Nhìn theo bóng dáng người đàn bà cơ cực ấy ông khẽ thở dài. Chồng chết, một mình nuôi ba đứa con, tưởng cứ tảo tần sớm hôm rồi cuộc sống sẽ khá hơn. Ai ngờ bệnh tật ập đến. Ngoài suất quà khuyến học trích từ lương hưu tặng cho các cháu, ông còn đến xem vườn nhà cô Lượng thế nào để còn giúp đỡ. Ông luôn quan niệm cho con cá không bằng cho họ cái cần câu. Nhiều năm nay vườn ươm hơn ngàn mét vuông của người thương binh già đã cung cấp miễn phí rất nhiều giống cây trồng cho các hộ nghèo trong xã. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn người dân trồng nấm, nuôi ong. Dân làng vẫn gọi ông là “thầy Nam”. Đó là cách họ tôn trọng một người thương binh đã vượt qua những đau đớn và mất mát của bản thân để làm giàu cho quê hương làng xóm.

Ông được sinh ra ở một vùng quê nghèo giữa khói lửa chiến tranh. Năm mười tám tuổi ông lên đường nhập ngũ. Trong một trận chiến ác liệt ông bị thương nặng, tổn hại hơn bốn mươi phần trăm sức khỏe nên được cho về tuyến sau điều trị và an dưỡng.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại ông trở về miền quê nghèo ôm những cuốn sách vào lồng ngực nuôi ước mơ trở thành thầy giáo. Vượt qua biết bao nhiêu gian khổ ở trường đại học, cuối cùng ông cũng được trở về quê hương đứng trên bục giảng. Nhớ lại những năm tháng ấy ông không khỏi ngậm ngùi. Ngôi trường tường đất, mái lợp bằng lá cọ cứ mùa mưa là thầy trò phải cùng nhau sửa sang che đậy từng vết dột. Điều khiến ông trăn trở nhất ấy là thỉnh thoảng nhìn xuống lớp học lại có thêm một chỗ trống. Có biết bao nhiêu đứa trẻ đành bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí. Nhớ lại những ngày tháng sinh viên xa nhà, có hôm tiền hết ông phải nhịn đói ngồi học bài thâu đêm. Ông không đành lòng nhìn học trò phải từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường. 

Bà Hạnh nhắc chồng nhớ đi ngủ sớm. Thấy sức khỏe của chồng ngày một yếu đi bà đâu thể không lo. Ba mảnh đạn M79 còn nằm trong cơ thể của ông cứ trái gió trở trời lại nhức nhối ngày đêm không dứt. Còn nhớ ông từng nói “anh chẳng có gì ngoài những vết thương của chiến tranh để lại. Em về làm vợ hẳn sẽ thiệt thòi”. Nhưng bà chưa bao giờ thấy thiệt thòi, vì tấm lòng ông luôn ấm áp yêu thương.

Nhớ những ngày đầu mới lấy nhau, thiếu đến từng cái xoong, cái bát. Ấy vậy mà tháng nào tiền lương của ông đưa về cho vợ cũng chỉ còn tí tẹo. Có hôm nhìn ông lẳng lặng dắt chiếc xe đạp cũ dựng ngoài hiên rồi ngồi một mình đăm chiêu là bà biết trong tháng lương ấy không còn đồng nào cả. Xoay xở khó khăn đủ loại chi tiêu nhưng bà không dám trách ông dù chỉ một lời. Một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu ông là làm sao có thể vừa lo cho gia đình lại vừa giúp được những hoàn cảnh khó khăn? Muốn có tiền không có cách nào khác ngoài chăm chỉ làm việc. Nghĩ mãi cũng ra cách, ông quyết định đào ao thả cá và vay tiền đầu tư mấy chục đõ ong nuôi lấy mật. Khi những lứa cá đầu tiên được bán đi cũng là lúc ông nghĩ đến những suất quà khuyến học. Tuy mỗi suất chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng đó là tấm lòng mà ông chắt chiu từ mồ hôi công sức của mình. Để động viên những tấm gương học trò nghèo hiếu học ông còn mua xe đạp, sách vở, quần áo bù đắp cho những thiếu thốn vật chất của các em.

- Mai bà đi mua giúp tôi mấy thùng ong để tách đàn. Mùa hoa nhãn năm nay có mấy đàn ong lạ bay đến nhập vào đàn nhà mình. Đông quá.

- Chắc là ong rừng đấy ông ạ. Lộc trời cho.

- Tôi tính tách ra mang cho cô Lượng. Mùa này hết hoa phải cho ăn, nhưng vài tháng nữa là đến mùa hoa tràm sẽ có mật thu hoạch. Mẹ con cô ấy khéo chăm cũng sẽ có mật bán kiếm đồng ra đồng vào. Hôm qua tôi mới đi thăm đàn ong nhà chú Huấn. Từ mấy đõ ban đầu mà bây giờ trong vườn nhìn đâu cũng thấy ong. Đợt mật vừa rồi chú ấy thu hơn chục triệu tiền bán mật, gom góp mua được cái xe máy để đi phụ xây. Mùa ong trước cũng lợp lại được cái mái nhà.

- Mừng cho chú ấy không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Mấy đứa nhỏ dạo này thế nào rồi ông?

- Thằng đầu xin học trung cấp cơ điện rồi. Sau mấy năm nữa ra trường đi làm, phụ bố nuôi hai đứa nhỏ là vừa. Mẹ của chúng dưới suối vàng chắc cũng yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay bà ạ.

Những buổi tối sau khi đã ăn cơm xong, câu chuyện của ông bà thường xoay quanh những phận người nghèo khổ. Thỉnh thoảng những cuộc điện thoại kéo dài của con cháu ở xa cũng đủ khiến hai thân già vui lẫn vào giấc mơ lúc gà gáy sáng. Vợ chồng thằng cả đã nhiều lần tính đón ông bà xuống thành phố ở cùng để tuổi già có giây phút thảnh thơi. Nhưng ông nhất định không đi, còn sức là còn phải lao động.

Ngồi một chỗ có khi yếu đi, cứ làm lụng tay chân ông lại thấy khỏe hơn. Hàng ngày trông coi ao cá, cả vườn cây giống kể cũng mệt thật. Nhưng đêm đặt lưng xuống giường thấy lòng thanh thản khi nghĩ cái cây mình ươm giờ xanh vườn người khác, con cá giống mình nuôi giờ bơi lội tung tăng trong ao kẻ khó. Ông làm sao có thể nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già khi xung quanh còn rất nhiều mảnh đời cần giúp đỡ. Trong đó có cả những người từng vào ra sinh tử ở chiến trường. Họ tuy tránh được hòn tên mũi đạn để về với quê hương, nhưng trong máu đã ngấm chất độc màu da cam vốn không thể nào gột rửa. Những đứa con của họ sinh ra quằn quại trong đau đớn thể xác lẫn tinh thần. Nhìn đồng đội mình hàng ngày phải vất vả bươn trải, giày vò tâm can ông không thể nào đứng khoanh tay. Ông nhất định phải đỡ đần họ để giảm bớt nỗi đau mà chiến tranh để lại.

Trời đã bắt đầu hửng sáng. Ông vục dậy vác cuốc lên rừng làm cỏ để còn kịp bón phân cho lứa tràm mới trồng. Chẳng mấy chốc cánh rừng này sẽ được phủ xanh. Ông đã bàn với bà kỹ rồi, chừng nào thu hoạch cây sẽ dành toàn bộ số tiền mua xe lăn cho trẻ em khuyết tật. Nhìn rừng cây lớn lên mỗi ngày lòng ông cũng xanh non như lá…

Bùi Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Return to top