ClockThứ Ba, 11/03/2014 05:49

Khát vọng, lý tưởng không chỉ là quá khứ

TTH - (Đọc tập hồi ký Những chân trời khát vọng, của nhiều tác giả, Nxb Hội Nhà văn 2013)

Những chân trời khát vọng là tập hồi ký dày hơn 470 trang của 30 tác giả, viết về phong trào đấu tranh đô thị chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ đầu những năm sáu mươi đến ngày đất nước thống nhất 1975.

Gọi là hồi ký, nhưng ngoài lời tựa của PGS.TS Trần Hữu Tá và lời bạt của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, sách có hai phần rõ rệt: Phần 1, Hồi ký (340 tr.), có 26 hồi ký của 23 tác giả kể lại những gì mà chính họ đã nếm trải, đã vượt qua với tư cách là người trong cuộc, những người có tham gia vào cuộc đấu tranh như Trịnh Túc, Dương Đình Na, Nguyễn Văn Quang, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Châu Long, Chu Sơn, Trần Đại Vinh, Lê Văn Lân, Đoàn Nhuận, Nguyễn Nhiên, Lê Thị Nhân, Bửu Nam, ngay cả những tác giả sinh ra ở Quảng Nam, nhưng hoạt động của họ cũng ít nhiều gắn liền với phong trào ở Huế như Phan Văn Hoàng, Nguyễn Thị Thuận, Hồ Duy Lệ, Huỳnh Phước, Nguyễn Văn Bổn, Trần Quang Tuấn, Vũ Kỳ Nam... thể hiện sự gắn bó của một phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ Huế, Đà Nẵng, bao quát cả miền Trung và cả miền Nam.

Hồi ký là thể văn nhớ lại, hồi ức về những sự kiện có thực đã diễn ra trong quá khứ, đã nằm sâu trong ký ức, bằng cái nhìn của hiện tại, thể hiện những khát vọng về một lý tưởng cao đẹp mà cả một thế hệ tuổi trẻ đã không ngại gian khổ, hy sinh, tù tội để phấn đấu noi theo, đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua, hầu hết đã sáu, bảy mươi tuổi, nhìn lại những gì họ mang theo suốt một thời tuổi trẻ, vẫn cao đẹp trong sáng, không có gì có thể thay thế được, đó là hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho Nhân dân. Đồng thời, trong những tác giả trên đây, có người hanh thông, thành đạt, nhưng cũng không ít người thất cơ lỡ vận, số phận không may, đều nhìn lại tuổi trẻ một thời sôi nổi, đầy nhiệt huyết của mình bằng cảm quan lịch sử mang tính tất yếu. Họ viết không phải để kể công mà viết vì phong trào, vì sự hy sinh của đồng đội, nhất là những người không trở về sau cuộc chiến tranh, hoặc viết vì niềm tin mãnh liệt vào tương lai, như Nguyễn Văn Bổn đã thổ lộ: “Cá nhân tôi có một niềm tin khác, tôi tin chắc rằng những người trẻ hôm nay (những người mà nói theo ngôn ngữ thời thượng là thế hệ 8X, 9X) cũng sẽ chọn lựa như chúng tôi đã từng chọn lựa, nếu đất nước bị xâm lăng, dù kẻ thù xâm lược đến từ nơi đâu, ở vùng trời hay vùng biển nào. Đó là truyền thống yêu nước của người Việt Nam / Cho phép tôi gửi niềm tin và tình yêu không đổi dời ấy đến thế hệ trẻ hôm nay” (tr.314).

Bắt đầu bằng việc thành lập Hội liên hiệp thanh niên - sinh viên học sinh (TN-SVHS) Giải phóng Thừa Thiên ngày 9/1/1962 tại làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; rồi đến Đại hội thành lập Hội liên hiệp TN-SVHS Giải phóng trung Trung bộ vào ngày 28-11-1962 tại bãi biển Thuận An với sự tham dự các đoàn đại biểu các tỉnh, thành Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; đến các hoạt động bí mật gây dựng phong trào, như Treo cờ Mặt trận giải phóng trên cửa Thượng Tứ vào ngày Quốc tế lao động 1/5/1963 (Trịnh Túc), Đại náo tòa án Huế (Dương Đình Na), những cuộc đấu tranh sinh tử và hứng chịu những thủ đoạn khảo tra man rợ trong tù với tấm lòng kiên trung khó hình dung trong Từ cõi chết trở về (Hoàng Lâm), Tuổi thanh xuân lao tù (Trần Quang Tuấn), hoặc các hoạt động công khai như hoạt động của Chi bộ giáo chức thành phố Huế và tập san Văn Sử (Nguyễn Văn Bổn), hoặc nhìn lại Phong trào đấu tranh chính trị ở Huế sau ngày ký kết Hiệp định Paris 1973 (Đoàn Nhuận)... Mỗi người nhớ lại một sự kiện, một vấn đề, một gương mặt, nhưng đặt cạnh nhau như một bức tranh liên hoàn sinh động về diện mạo có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc đấu tranh của cả phong trào đô thị, với các hình thái như hoạt động bí mật, hoạt động bán công khai và hoạt động công khai, thông qua các hình thức tuyên truyền, gây dựng cơ sở, tổ chức in sách báo, tập san, bãi khóa xuống đường, văn hóa văn nghệ, kể cả việc trang bị vũ trang. Có khi tác giả chỉ hướng người đọc nhìn vào một địa điểm, một sự kiện, một thời điểm nhưng có thể hình dung ra cả một phong trào.

Chu Sơn kể về Cuộc trò chuyện trên núi Truồi nhưng có thể nhìn thấy cả lịch sử văn hóa của vùng đất, đồng thời tạo điều kiện cho người đọc có thể tri nhận được quyết tâm chiến lược của cả cuộc cách mạng xuyên suốt cuộc chiến tranh cho đến thời hòa bình. Nguyễn Nhiên Nhớ về cây đa trường Luật nhưng thực ra anh phác thảo chân dung của cả một phong trào, một thế hệ, điểm mặt không thiếu một ai. Nguyễn Phúc nêu lại nhận thức của mình về Lòng dân, một vấn đề tưởng như đã cũ, nhưng nhằm khẳng định cương lĩnh và bản chất của cuộc cách mạng: “Những người cách mạng không được phép quên - nhất là những người cách mạng đã cầm quyền thì lại càng không được phép quên - một yếu tố cốt tử quyết định sự tồn vong của phong trào cách mạng, là lòng dân / Những năm chiến đấu gian khó và đầy nguy hiểm trong lòng địch dạy chúng tôi điều ấy. Ngay giữa lòng địch, giữa lòng thành phố, nếu không được những người dân hiền lành, giàu lòng nhân ái và đầy tinh thần yêu nước che dấu, đùm bọc, thương yêu thì làm sao có thể tồn tại, chứ chưa nói tới chuyện hoạt động hiệu quả” (tr.141-142).

Tất nhiên, ở đây không thể thiếu vắng những con người. Gắn liền với các sự kiện là con người, là những chấm phá sinh động và chân thực về chân dung những con người. Từ cụ già đã tám mươi tuổi như cụ Ngô Võ Anh, cùng con cháu đào hầm bí mật trong nhà để nuôi giấu cán bộ, đến những người còn ở tuổi thiếu niên như Võ Bình Nam, Trần Quang Tuấn phải vào tù ra tội, hứng chịu những đòn tra tấn chết đi sống lại. Có người, quyết sống mái với kẻ thù, trong phút đối đầu đã mở chốt lựu đạn, sẵn sàng đổi mạng với kẻ thù như nhà giáo Nguyễn Thúc Lư. Có trí thức, văn nhân, giáo viên, sinh viên học sinh, công nhân, nông dân, tiểu thương, xích lô, và cả các bậc chân tu vào hàng chức sắc của các tôn giáo... Họ là Nhân dân, là nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân, họ đông đảo đến mức văn chương chữ nghĩa dường như bất lực, không thể nào thể hiện hết hình tượng cao đẹp của họ trong cuộc chiến tranh nhân dân.

Hằn nổi lên giữa những trang hồi ký, có một nhân vật trung tâm là anh Lê Công Cơ, nguyên Thành ủy viên Huế, Chủ tịch Hội liên hiệp TN-SVHS Giải phóng Trung Trung bộ, người “thuộc lòng các ngóc ngách, ngõ xóm, phố xá Huế và nhiều làng xã thuộc Thừa Thiên. Tình cảm Ngọc (bí danh của Lê Công Cơ - PPP) dành cho vùng đất này sâu nặng đến kỳ lạ. Có thể nói Ngọc là kẻ mê Huế” (Chu Sơn, tr.214), hoặc như anh Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy Huế đã khẳng định, đó là người “hoạt động trong nội thành rất tuyệt, sự năng động sáng tạo, dũng cảm táo bạo đầy bất ngờ, sự nhạy bén và nổi trội về lòng yêu nước, khát vọng độc lập và thống nhất tổ quốc đã thu hút được các tầng lớp nhân dân ở trong vùng địch kiểm soát rất khủng khiếp, vẫn đứng lên làm cách mạng. Cũng từ đó, anh xây dựng được nhiều cốt cán cách mạng trong thành phố Huế ở những thời điểm khó khăn nhất, góp phần tạo dựng phong trào đấu tranh ở đô thị phát triển liên tục cho đến ngày toàn thắng xuân 1975” (tr.127), “bốn mươi năm đã trôi qua, anh vẫn xứng đáng là người anh cả của nhiều người trong chúng tôi, đã chỉ đường và dẫn dắt chúng tôi chung lưng gánh vác ít nhiều gánh nặng của người hoạt động giữa lòng địch, đã đứng thẳng kiên cường, và hôm nay vẫn giữ vững khí phách, ngẩng cao đầu giữa cái tầm thường nhạt nhẽo của cuộc sống thực dụng đương đại, vẫn đau đáu một lòng mong ước làm tốt công việc của mình để góp phần cho sự tiến bộ xã hội” (Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh, tr.234).

Có thể nhận ra chân dung của nhân vật trung tâm này là sau những truân chuyên, bầm dập, eo sèo của đời sống, nhiều lần bị tổ chức nghi ngờ, bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, nhưng khát vọng và lý tưởng trong anh không hề nguội lạnh, bằng một sức mạnh lý tưởng cường tráng, anh vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng yêu nước, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đứng ra thành lập trường Đại học Duy Tân và hoạt động có hiệu quả vào loại hàng đầu trong gần một trăm trường đại học ngoài công lâp. Phần 2, Bài báo và phát biểu (69 tr.), gồm có 3 bài phát biểu của các giáo sư, các nhà khoa học và quản lý giáo dục đại học như Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Đại Hưng và 4 bài viết của Văn Đình Ưng, Trần Tuấn, Nguyễn Lương Định, Đỗ Đình Thọ, chủ yếu là nhằm tập trung khẳng định sự thành công của Đại học Duy Tân, mà người đứng đầu là nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ.

Khát vọng, lý tưởng không già đi, mà vẫn còn đó. Hòa bình, thống nhất để xây dựng đời sống ấm no, công bằng, dân chủ, là mục tiêu lý tưởng của bao thế hệ. Nhưng “hòa bình thì qua nhanh, lại xuất hiện giàu, nghèo, mạnh được yếu thua, nịnh nọt, bon chen, xuất hiện bao nỗi buồn, bao nỗi lo, bao nỗi đau (...). Cùng với anh Lê Công Cơ, anh chị em, ai còn sống, ai còn sót lại đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Mỗi người mỗi cảnh, hầu hết phải lận đận vượt qua một thời với đời sống khó khăn, một số sống lặng lẽ, giấu mình, đến mức, người đồng thời thì quên mất, người đi sau thì không biết họ là ai, đã từng sống chết ra sao” (Hồ Duy Lệ, tr. 96).

Vì vậy, thật đáng mừng và đáng ghi nhận thành ý của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, đã tổ chức bản thảo và biên tập để tập sách này đến tay bạn đọc. Xin được dẫn một câu trong lời tựa Một vài cảm nghĩ của PGS.TS Trần Hữu Tá làm câu kết của bài viết nhỏ này: “Đọc xong, vẫn có một mong muốn: giá mà sớm có nhiều tập sách như thế - những tập sách rất cần cho thế hệ trẻ để khỏi lạt lòng với quá khứ oanh liệt của cha ông, để những ham muốn vật chất quá đà khỏi ám ảnh tư tưởng, lũng đoạn hành động. Nói gọn lại, để tuổi trẻ hôm nay và ngày mai không trở thành những người vị kỷ và phản bội truyền thống. Nếu chậm nữa sẽ quá muộn, vì lớp người trong cuộc ấy đang lần lượt ra đi” (tr.6).

Phạm Phú Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top