ClockThứ Năm, 30/07/2015 15:45

Khi công trình nước tự chảy không chảy

TTH - Trong khi người dân nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch thì tại các công trình nước tự chảy được đầu tư tiền tỷ lại hư hỏng, không sử dụng được.

Nhiều công trình nước tự chảy xuống cấp

Theo chân cán bộ xã Hồng Tiến (Hương Trà), chúng tôi đến thôn 4, một trong những thôn khan hiếm nước của xã. Đi thẳng xuống khe suối, mực nước ở đây rất cạn, từng đàn trâu đang ngâm mình dưới dòng suối tránh nóng, cách đó không xa một nhóm trẻ đang thoải mái ngụp lặn.
 Không có nước, hệ thống nước lắp đặt tại nhà dân cũng bị hư hỏng
Chị Hồ Thị Hằng, thôn 4, xã Hồng Tiến chỉ tay về phía khe suối: “Không chỉ có chừng đó trâu, bò đâu, phía trên kia còn có rất nhiều trâu, bò được người dân chăn thả bên khe suối, đến nguồn nước. Vậy mà hàng ngày, chúng tôi vẫn phải sử dụng nguồn nước này trong các sinh hoạt”.
“Toàn tỉnh vẫn còn 23 xã chưa được nối mạng nước sạch. Hiện nay, công ty đang triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy nhanh việc cấp nước tại các vùng nông thôn. Cụ thể. những xã nằm trong dự án ADB sẽ triển khai cấp nước theo đúng lộ trình. Trong đó, giai đoạn 1 (2016-2017), công ty sẽ phát triển trên 700 km đường ống ưu tiên đầu tư về nông thôn, những khu vực khan hiếm nguồn nước bị ô nhiễm, đưa nước về những xã chưa tiếp cận với nước sạch, bảo đảm nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước từ 80% đến 85% vào năm 2016 và đạt trên 90% vào năm 2020. Đối với những xã không nằm trong dự án ADB, chúng tôi đã kiến nghị với tỉnh cấp vốn đầu tư đấu nối hệ thống nước sạch cho người dân” - ông Trương Công Hân, Phó Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế thông tin.
Anh Vương Quốc Điệp, tiếp lời: Công trình nước tự chảy được đầu tư từ năm 2011 với nguồn vốn gần 1 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 1 tháng sử dụng hệ thống nước đã bị hư hỏng. Từ đó đến nay, chúng tôi phải sử dụng nguồn nước từ hệ thống tưới tiêu để phục vụ sinh hoạt. Những hộ ở xa nguồn nước phải hàng ngày xách thùng vào đây lấy nước rất vất vả. Đó là chưa nói, nước lấy từ suối lên nên nhiều khi có mùi rất khó chịu. Hiện toàn xã Hồng Tiến có khoảng 1.500 hộ với 5 thôn nhưng chỉ có 2 thôn có nước sử dụng, 3 thôn còn lại phải sử dụng nguồn nước thủy lợi, nước từ khe suối trong sinh hoạt.
Cùng chung cảnh ngộ với người dân Hồng Tiến, các hộ dân xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) cũng đang hàng ngày sử dụng nguồn nước không đảm bảo trong sinh hoạt. Một người dân địa phương cho hay: Trước đây, người dân trong xã sử dụng nguồn nước tự chảy từ khe Điêng về. Từ năm 2011, hệ thống nước tự chảy trên địa bàn xã bị hư hỏng nặng dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ trên tất cả các thôn. Thiếu nước, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước suối để sử dụng. Nhưng chất lượng nguồn nước này không đảm bảo, chỉ cần nhìn bằng mắt hoặc ngửi mùi là có thể biết độ không an toàn của nguồn nước.
Không riêng gì ở Hương Trà mà nhiều huyện, thị xã khác, các công trình nước tự chảy cũng đang trong tình trạng hư hỏng, trong khi đó, người dân lại không có nước sử dụng. Đơn cử như tại huyện Nam Đông, năm 2004 huyện nhận được hỗ trợ từ dự án ADB và NAP đầu tư xây dựng 5 công trình nước tự chảy ở 5 xã là: Thượng Lộ, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, các công trình đều bị xuống cấp, hư hỏng, chỉ dùng được 30% công suất.
Nói về nguyên nhân khiến hệ thống nước tự chảy tại các xã vùng sâu, vùng xa nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp, ông Phan Văn Thanh, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh lý giải: “Các công trình nước tự chảy nhanh xuống cấp hư hỏng một phần là do ý thức bảo vệ của người dân chưa cao. Trong khi vai trò quản lý của chính quyền địa phương chưa được thực hiện. Cụ thể, lúc bàn giao công trình cho chính quyền địa phương quản lý đều có cam kết thu tiền nước của dân phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng nhưng do không có năng lực quản lý, hầu hết các xã đều không thực hiện việc thu tiền, nên khi xảy ra hư hỏng không có kinh phí sửa chữa. Các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã được xây dựng ở các khu vực nông thôn, miền núi mưa lũ thường xuyên xảy ra nên các kết cấu công trình dễ bị hư hỏng xuống cấp. Ngoài ra, việc chặt phá rừng, khai thác khoáng sản được xem là tác nhân khiến nguồn nước từ các khe, suối cung cấp cho công trình nước bị cạn kiệt”.
Khó về vốn
Chính phủ đã có những quy định khá cụ thể trong việc bố trí đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn. Cụ thể, ngân sách trung ương và địa phương sẽ hỗ trợ 90% vốn đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới; 75 % đối với các vùng nông thôn khác; 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; 45% đối với vùng thị trấn, thị tứ. Tuy nhiên, hiện nay để xây dựng các công trình nước sạch nông thôn nguồn vốn chính vẫn do Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước bỏ ra.
Theo ông Trương Công Hân, Phó Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế: Vốn vẫn là cái khó lớn nhất trong quá trình triển khai cấp nước ở các vùng nông thôn. Điển hình như công trình nhà máy nước Phong Sơn (Phong Điền) vốn đầu tư là 27,7 tỷ đồng. Nếu theo như Quyết định 131 khi xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho xã vùng núi này, chúng tôi được hỗ trợ từ vốn trung ương, địa phương là 90%. Tuy nhiên đến nay, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ 4,1 tỷ đồng, vốn Nhân dân đóng góp bằng ngày công đào lấp là 5 tỷ đồng, số tiền còn lại đều do công ty đối ứng. Trong khi, chỉ tính chi phí lắp đặt hệ thống nước đã là 14 triệu đồng/hộ.
Đặc thù của việc cấp nước cho các xã nông thôn vùng xa, miền núi rất khó khăn như: suất đầu tư cao, sản lượng và giá bán nước đều thấp. Tại các xã vùng núi, mật độ dân cư thưa thớt, địa hình cao, gấp khúc vì thế chi phí đầu tư đường ống rất tốn kém. Do vậy, giá thành nước sạch khu vực nông thôn bình quân cao gấp 2 lần so với đô thị; vùng núi có nơi cao gấp 20 lần. Nhưng giá bán bình quân vùng nông thôn chỉ ở mức 6.017 đồng/m3 bằng 56,6% giá thành. Chính lý do này mà hàng năm Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế phải bỏ ra số tiền không nhỏ bù chéo giá nước cho khu vực nông thôn, cụ thể năm 2014 gần 55 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nên nhu cầu đặt vé tàu lửa, máy bay để đi du lịch hay về quê hiện nay khá chộn rộn. Dịp lễ năm nay được nghỉ liên tục 5 ngày nên nhiều người có kế hoạch đặt mua vé sớm với hy vọng để “săn” vé giá rẻ.

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường

TIN MỚI

Return to top