ClockThứ Hai, 11/01/2016 08:53

Khi học sinh không còn “mê” giải thưởng học sinh giỏi

TTH - Tiềm năng của học sinh giỏi không thiếu. Một thời Huế là điểm sáng trong phong trào học sinh giỏi (HSG) quốc gia. Vậy tại sao, số lượng đạt giải HSG quốc gia gần đây lại giảm?

Chuyện từ Quốc Học

 

Mỗi mùa tuyển sinh, Trường THPT chuyên Quốc Học nhận vài ngàn đơn xin dự tuyển. Đây không chỉ là những học sinh ưu tú đến từ các trường THCS trong toàn tỉnh mà có rất nhiều em đến từ các tỉnh bạn, gần như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, xa có Nghệ An, Gia Lai… Gần đây, những số liệu từ tuyển sinh đại học khiến sức hút của trường ngày một tăng. Riêng năm học 2014 - 2015 ngoài 22 em được chuyển thẳng đại học còn có nhiều em đậu thủ khoa, như Trần Xuân Thịnh (12 sử) thủ khoa quốc gia với 28,5 điểm. Nhiều thủ khoa, á khoa các trường danh tiếng của quốc gia cũng như Đại học Huế đều là học sinh Quốc Học.

Đội tuyển Địa lý mùa thi HSG Quốc gia năm 2015

Thế nhưng, với nhiệm vụ đầu tàu, đòn bẩy chất lượng giáo dục thì giáo dục đỉnh cao của Trường THPT chuyên Quốc Học những năm gần đây lại khó khăn khi số giải trong các kỳ thi chọn HSG Quốc gia liên tục giảm. Riêng mùa thi 2015 giảm 4 so với mùa giải trước. Khi chúng tôi viết bài này, đội hình dự thi chọn HSG cấp quốc gia năm học 2015-2016 của Quốc Học đang tự tin vào trận với nhiều “đội mạnh”, như sinh, tin, Anh văn… Thầy Bửu Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài những nhà giáo giỏi của ngành, của trường đã theo sát các em từ khi mới vào trường, với sự hỗ trợ của tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo, trường tiếp tục mời thêm các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học Huế, Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để bồi dưỡng cho các đội tuyển. Năm nay, trường mời Giáo sư Tiến Sĩ Lê Bá Khánh Trình tham gia hướng dẫn, chọn lọc tài liệu cho tuyển toán. Thầy Tuấn cho rằng, trước một kỳ thi không nên nói nhiều, nhưng hãy kỳ vọng vì gần đây, tuy số lượng có xuống nhưng chất lượng đã được khẳng định, nhất là các môn tự nhiên. Học sinh Quốc Học nhiều năm liền có tên trong đội dự tuyển quốc tế, đã mang huy chương quốc tế về cho tỉnh sau rất nhiều năm trắng giải quốc tế, như Đinh Anh Minh, Hoài Nam…. Riêng năm 2014-2015, giải nhì và ba cũng nhiều hơn, trong đó lần đầu tiên tỉnh ta có một giải nhất môn Anh văn…là những tín hiệu mừng. Còn tỷ lệ đạt giải xuống cũng có nguyên nhân sâu xa…

Hiện quy trình tuyển sinh vào Quốc Học khá khoa học, từ sơ tuyển đến một kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ là cả một hành trình tìm để phát hiện ra những gương mặt ưu tú cho giáo dục đỉnh cao. Vì thế, đủ tiêu chuẩn để dự xét tuyển đã là vinh dự, với phụ huynh, có con đậu Quốc Học là niềm tự hào. Thế nhưng, Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng nguồn tuyển sinh của Quốc Học đang bị hạn chế. Gần đây, Trường THCS Nguyễn Tri Phương có trách nhiệm tạo nguồn cho Quốc Học lúng túng về cơ chế tuyển sinh cũng như về chất lượng đội ngũ.

“Con đường an toàn”?

Tiến sĩ Phạm Văn Hùng cho rằng, tiềm năng của học sinh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Quốc Học nói chung không thiếu. Vậy tại sao, đỉnh cao mà chúng ta hướng tới vẫn xa, thậm chí số lượng đạt giải  HSG quốc gia giảm? Lý giải vấn đề này phải đi sâu vào tâm lý người học. Các em vào trường vì mục tiêu nào là một câu hỏi có nhiều đáp án. Các nhà quản lý trả lời rất rõ ràng, đó là vì tâm lý xã hội, phụ huynh “mê” Quốc Học đến mức thúc đẩy con em phải đủ điều kiện để vào Quốc Học từ những năm đầu đời đi học. Nhưng mục tiêu vào Quốc Học mâu thuẫn với mục tiêu của trường. Quốc Học là trường chuyên để chọn ra người tài không chỉ cho vùng đất mà lớn hơn cho quốc gia, cho khoa học. Nhưng tư tưởng vào trường hiện nghiêng về cá nhân trong khi đòi hỏi học sinh Quốc Học không chỉ tầm cao trí tuệ mà còn cả tầm cao lý tưởng. Rất nhiều học sinh giỏi âm thầm trốn tránh trách nhiệm vào đội tuyển, nơi “đầu sóng ngọn gió” của trường chuyên. Các em, với sự hỗ trợ của gia đình, luôn muốn chọn cho mình một con đường an toàn với nhiều lý luận khá xác đáng.

Con đường để được cống hiến theo phụ huynh cũng không ít khó khăn. Trách nhiệm của học sinh Quốc Học nghiêng về màu cờ sắc áo, học để giành giải cao trong các kỳ thi đỉnh cao nhưng cơ hội vào đội tuyển không cao. Tỷ lệ chọn học sinh chuyên là 1 đến 1,5%/ học sinh toàn tỉnh, các em là tinh hoa của vùng đất. Nhưng Bộ GD&ĐT ấn định, mỗi một đội tuyển không quá 10 em, như vậy chỉ có 10% học sinh vào Quốc Học có cơ hội được tham gia thi đấu. Vậy 90% còn lại mục tiêu chỉ là đạt điểm cao để học trường tốt, để đi du học là tất yếu. Con số 90% ấy đã làm cho cán cân mục đích vào Quốc Học hiện nay nghiêng về động cơ chọn môi trường tốt làm bệ phóng vào đại học, đi du học chứ không phải tranh một suất vào đội tuyển. Trong khi đó, những học sinh vào đội tuyển lại phải chịu một áp lực lớn về chất lượng kỳ thi.

Để chuyên tâm vào một môn, không chỉ bản thân các em trong đội tuyển mà cả nhà trường cũng tạo thành nếp cho các em học lệch. Nếu đạt giải ba trở lên mới có một suất chuyển thẳng vào đại học, đi du học. Nhưng các môn xã hội, cánh cửa du học gần như đóng kín. Với học sinh tự nhiên, việc chọn một trường đại học tốt cũng không hẳn dễ, vì nhiều trường có quy định riêng trong việc tuyển thẳng. Còn những em không đạt giải, con đường vào đời tưởng thênh thang bỗng chốc gập ghềnh khi các môn còn lại phải ôn luyện trong thời gian quá ngắn. Học sinh tự nhiên, kiếm cho mình một điểm 5 ở môn văn đã khó, thì ở khối C, D kiếm điểm 5 ở toán, Anh văn lại càng khó.

Vậy, “nhường” vinh quang cho bạn khác để học thật tốt thật đều các môn là con đường an toàn, vì thế có phụ huynh  “chạy” cho con em ra khỏi đội tuyển, như một cách bảo toàn tương lai, mà không hề nghĩ mình đã lạm dụng Trường Chuyên Quốc Học. Vậy, muốn thoát được tư tưởng này, nên chăng ngành GD&ĐT tỉnh ta cần cân nhắc từ công tác tuyển sinh và chính sách đãi ngộ. Có như thế, những “hạt giống vàng” của Quốc Học mới tạo nên những thành quả lớn trong giáo dục đỉnh cao, xứng với kỳ vọng của cả tỉnh

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngày 6/4, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế tổ chức hội nghị phân luồng giáo dục lần thứ 4, năm 2024. Chương trình được phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn về một số hoạt động giáo dục, hướng nghiệp gắn với mục tiêu việc làm bền vững cho học sinh, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top