ClockThứ Tư, 01/03/2017 07:10

Khi nào thực phẩm mới thật sự an toàn?

TTH - Các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, sự giám sát chặt chẽ của báo chí, người dân cũng đã tố giác tình trạng thực phẩm bẩn, song an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn đó những lo lắng.

Một thực tế tồn tại dai dẳng là thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp trong và ngoài tỉnh, rồi thực phẩm nhập khẩu bày bán khắp nơi từ chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm bợ… đến các cửa hàng, siêu thị. Chính sự đa dạng của thực phẩm, cùng rất nhiều nguồn cung cấp khác nhau, đã và đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sự lựa chọn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.

Lo lắng nhất của người tiêu dùng là không biết đâu là thực phẩm an toàn. Chị Hoàng Thị Hồng, ở đường Phan Chu Trinh (TP. Huế) cho biết: “Đi chợ nhắm mắt mà mua, chỉ dựa vào niềm tin của người bán hàng, chứ biết đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm bẩn vì tất cả đều giống nhau”. Bà Huỳnh Thị Lài, ở phường Vỹ Dạ (TP.Huế), cho hay: “Ông cha mình thường dạy rằng, “trâu teo, heo nở”. Có nghĩa rằng, nếu xào thịt trâu thì thịt trâu sẽ teo lại, nhưng nếu kho thịt heo thì heo nở ra rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, nếu mua thịt heo ở chợ về mà kho thì ngược lại quy luật khi thịt cũng teo lại. Điều này rất dễ hiểu, bởi thịt heo khi bày bán ở chợ đa phần đều  bị bơm nước trước khi bán hoặc trong quá trình nuôi người nuôi đã sử dụng chất cấm, trong đó có chất tạo nạc Salbutanol khiến miếng thịt heo khi nấu chín sẽ teo lại ngay lập tức. Biết là biết vậy, song cứ mãi lo sợ thì lấy thực phẩm gì để ăn , đành nhắm mắt ăn liều”.

Nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn khiến người dân mất niềm tin, nhìn thấy thực phẩm gì cùng dè chừng, đến nỗi, bây giờ, kinh doanh buôn bán thức ăn, thức uống ở phố hay có từ “sạch” để làm yên tâm người tiêu dùng, như “cà phê sạch, 100% nguyên chất” hay bán “rau sạch, gà sạch, lợn sạch”… Nhìn thấy các bảng hiệu ấy, nhiều người lại hoài nghi, “liệu có sạch như quảng cáo không?”. Nhiều người lại nói ngược lại, “ở đó bán toàn thực phẩm sạch, còn nơi khác không sạch à”?...

Một số nước trên thế giới, như Nhật Bản, Singapore… người ta kiểm soát hàng hóa khi mới đưa vào chợ, nếu phát hiện bắp cải, hay loại rau gì có vấn đề là hủy toàn bộ, đồng thời phạt rất nặng người bán, lẫn người trồng trọt. Khó thể so sánh được, bởi ở họ có hệ thống giám sát chất lượng, có đầy đủ các máy móc thiết bị kiểm tra, có chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng nên rất chặt chẽ. Còn ở ta, vấn đề chăn nuôi, trồng trọt còn nhỏ lẻ, manh mún, phần lớn nhiều gia đình ở nông thôn trồng vài luống rau, nuôi vài con lợn, con gà để bán và để ăn; các điểm giết mổ nhỏ lẻ hình thành khắp nơi ở vùng nông thôn; việc kiểm soát thực phẩm các tỉnh khác về cũng đầy gian nan, vất vả vì hàng hóa đó đi theo nhiều con đường khác nhau. Đặc biệt hơn nữa là nhân lực làm nhiệm vụ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất mỏng, phương tiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, nhiều mẫu phải gửi đi ngoài tỉnh sau mấy hôm mới có kết quả… Chính điều này làm cho vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vô cùng khó khăn và vất vả.

Để đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm một cách có hiệu quả, trước mắt cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về độc hại của thực phẩm bẩn, mạnh dạn nêu tên những cơ sở trồng trọt, chăn nuôi hay các điểm giết mổ mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe; cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ làm công tác thanh tra để công tác này được đảm bảo thực hiện minh bạch, tạo niềm tin cho người dân về thực phẩm.

KHÔI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top