ClockThứ Hai, 09/02/2015 17:59

Khi sinh viên góp tiền đi nhậu

TTH - Hơn một năm trước, người bạn học cùng lớp kể, chỉ cần vài cuộc nhậu, cuối tháng nhiều lúc nó phải ăn mì gói. Thoạt đầu tôi không tin, nhưng những hình ảnh sinh viên mà tôi bắt gặp trong một vài quán nhậu thời gian gần đây đã chứng minh điều đó.

An toàn giao thông là chuyện đáng lo nhất sau các cuộc nhậu

 

Tình thân trên…“bàn nhậu”
Theo chân một người bạn (là sinh viên mới ra trường) đến quán nhậu bình dân ở đường Lê Hồng Phong (TP Huế). Trong không gian khoảng chừng hơn 10 bàn, có đến 8 bàn là các bạn trẻ đang ăn nhậu. Lắng nghe họ trò chuyện, mới phát hiện nhiều người trong đó là sinh viên. Đa số các nhóm đều đi chung từ 4-5 người, chủ yếu uống bia Huda lon, gọi những món ăn nhiều nhưng giá rẻ.
Trước đây, bạn tôi cũng là một sinh viên “mê nhậu”. Khi ra trường, nó vẫn theo đuổi “đam mê” ấy. Nó cười bảo: “Sinh viên không nhậu, còn chi là sinh viên”. Trò chuyện với nhiều bạn trẻ, được biết, thông thường có 5 lý do khiến sinh viên đi nhậu: ăn mừng vì thi xong, tổ chức sinh nhật một ai đó, khao đồ mới sắm, tổ chức hội họp và rảnh rỗi gặp nhau đi nhậu để nói chuyện sau các buổi chiều học về. Các địa điểm nhậu không cố định, chủ yếu là các quán nhậu bình dân, ở đường Tố Hữu, khu Kiểm Huệ, đường Bà Triệu, Lê Hồng Phong, Trần Huy Liệu, phố núi (khu vực cầu Vượt Thủy Dương đi lên)… Hình thức nhậu khá đơn giản, theo kiểu góp chung, mỗi người khoảng 100.000 đồng/buổi nhậu.
Phan Đ.R., một sinh viên vừa tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế - ĐH Huế bộc bạch: “Khó so sánh sinh viên trường nào nhậu nhiều hơn. Nhưng mình thấy sinh viên trường mình rất hay nhậu. Thường thì tỷ lệ sinh viên các năm cuối khóa nhậu nhiều hơn các năm đầu, do mối quan hệ bạn bè, giao lưu rộng hơn”.
Ở Huế, sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Trước đây, muốn tâm sự, giải trí, các bạn hay tìm đến những quán cà phê. Giờ đây, thói quen đó dần được chuyển hướng sang các quán nhậu. Một nữ sinh viên đang theo học ở Trường đại học Khoa học bảo: “Anh lạc hậu quá, sinh viên phải nhậu để giao lưu, mở rộng quan hệ. Anh không nhậu là chơi một mình luôn”. Một lý do nữa được nhắc đến do điều kiện kinh tế khá hơn, cha mẹ gửi tiền thoải mái nên có cơ hội để một số bạn “rủng rỉnh” túi tiền tìm đến các quán nhậu.
Điểm thường thấy ở nhiều sinh viên sau cuộc nhậu là đến các quán karaoke để chơi “tăng 2”. Lý do là “có chút men” hát mới vui, thường thì những quán karaoke, bar (quán bar dành cho những sinh viên khá giả) là điểm vui chơi, nhảy múa, hát hò nhưng được đánh giá uống ít hơn quán nhậu. Văn Phú, một bạn trẻ hay nhậu kể: “Mỗi tháng sinh viên nhậu ít nhất cũng 3-4 lần. Địa điểm chủ yếu là quán nhậu và phòng trọ. Karaoke cũng có nhưng ít hơn”.
Các hoạt động hội họp, giao lưu, gặp mặt thường hay được tổ chức tại quán nhậu. Đa số sinh viên còn cho rằng, bàn nhậu chính là nơi thể hiện tình cảm bạn bè (!).
Tàn cuộc nhậu…
Nhiều phụ huynh cho rằng, các bậc cha mẹ nên nhắc nhở con cái nhiều hơn trong vấn đề ăn nhậu, bởi những rủi ro sau cuộc nhậu rất lớn. “Mỗi lần con về muộn là bụng dạ o nóng như lửa đốt, cứ sợ nó theo bạn đi nhậu nhậu rồi xảy ra chuyện”, cô Nguyễn Thị Phương, một phụ huynh tâm sự.
Lật lại những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua như vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng làm 4 thanh niên chết tại chỗ, 2 người bị thương nặng ở thị trấn Lăng Cô (ngày 18-9-2014), mới thấy được mức độ nguy hiểm khi có nồng độ cồn trong máu lúc tham gia giao thông. Khá nhiều trường hợp do uống say rồi tự gây tai nạn giao thông. Một số sinh viên lại chạy xe rất ẩu sau khi kết thúc cuộc nhậu.
Trao đổi với một số giảng viên đại học, được biết, mặc dù các trường đều nhắc nhở sinh viên hạn chế tiếp xúc bia rượu, nhưng để quản lý vấn đề này lại rất khó. Cũng vì một số sinh viên thoải mái ăn nhậu nên cuối tháng thiếu hụt tiền trọ, ăn uống phải mượn bạn hoặc chấp nhận ăn mì gói thay cơm. Số ít sinh viên ăn nhậu ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm kết quả chất lượng giảm sút.
Nhiều người bảo: “Ngày xưa miếng trầu là đầu câu chuyện, giờ đây ly bia là đầu câu chuyện”. Đây đã và đang là vấn nạn trong một bộ phận sinh viên hiện nay!
Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top