ClockThứ Năm, 27/09/2012 05:41

Khi vỉa hè thành quán nhậu

TTH - Vỉa hè đang thực sự trở thành quán nhậu, hay nói một cách văn vẻ hơn, thành những nhà hàng ăn uống đang là một thực tế. Chỉ cần một vòng dạo quanh Huế thôi, như ở phía Nam trên các tuyến đường Đống Đa, Lê Quý Đôn, Trương Định hay Hồ Đắc Di chẳng hạn, cũng đã thấy cả thành phố nhộn nhịp và sôi động hẳn lên bởi chuyện ăn nhậu, đặc biệt vào buổi chiều tà. Nhậu trong khuôn viên khách sạn, ở các nhà hàng đủ cấp loại chưa đủ, còn tràn luôn xuống phố, đầy rẫy trên những vỉa hè, vốn có chức năng dành cho những người đi bộ.

Nhớ vài mươi năm trước, đâu có chuyện hàng quán lạ lùng đến thế. Tôi ở Thuỷ Phương (Hương Thuỷ), một vùng ven đô Huế, muốn ăn tô cháo lòng hay uống ly bia “khổ” phải lên tận quán cháo mụ Mừng ở gần Ngoẹo Giàng Xay, cách nhà đến 4-5 cây số. Ngay ở Huế hay Phú Bài, muốn ăn uống hay nhậu nhẹt phải đi vào hàng quán hẳn hoi, kín đáo và lịch sự. Bây giờ, chỉ cần ra ngõ đã gặp ngay hàng quán. Có cảm giác rằng, hình như hàng quán ăn nhậu đang phát triển rầm rộ và ồ ạt để như bù lại một thời xa vắng khó khăn, thiếu thốn và thèm ăn, khát uống kia.

 

Cách nay không lâu, một tờ báo phía Nam đã đưa ý kiến của ông ALex, một người Australia nêu nhận xét về đàn ông Việt “lười, ham nhậu” quá. Theo ông Alex, đến TP Hồ Chí Minh bất kể giờ tan sở hay trước khi tan sở cũng thấy trong những quán cà phê, quán nhậu, quán cóc nhà hàng đều đầy ắp đàn ông ngồi túm năm tụm ba uống bia. Là một doanh nhân và thường xuyên sang Việt Nam, Alex cho biết, đây không phải lần đầu mà hầu như lần nào đến TP HCM ông cũng thấy cảnh những người đàn ông bù khú nhậu nhẹt với nhau, bất kể là giờ nào. Rõ ràng, chính cái sở thích ăn nhậu kia đã là nguyên nhân làm bùng phát các loại hình quán nhậu đủ kiểu, trong đó có việc tận dụng mặt bằng cái vỉa hè.

 

Thành ngữ có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đây có thể xem là bài học đầu tiên mà các bậc cha mẹ răn dạy con cháu như một cách ứng xử tối thiểu. Trong các thứ cần phải phải học “học ăn, học nói, học gói, học mở” thì học ăn được đặt lên hàng đầu. Người Việt mình cũng có câu “ăn có nơi, chơi có chốn”. Huế là đất kinh kỳ một thuở, chuyện ăn uống lại càng kín đáo và ý tứ. Vậy mà trên nhiều vỉa hè ở Huế hiện nay, chuyện ăn uống, nhậu nhẹt cứ diễn ra nhơn nhơn, kéo dài từ ngày qua đêm trong cảnh người xe tấp nập, bụi bay mịt mù, khó chịu vô cùng.

 

Kinh doanh quán nhậu là một trong những loại hình mang lại lợi nhuận cao, vậy nên không bất ngờ khi dịch vụ này mọc lên như nấm gặp dịp mưa thu. Tôi quan sát ở đường Hồ Đắc Di mới được nâng cấp mở rộng thấy hàng quán mọc lên tại đây xoay việc phục vụ ăn nhậu là chủ yếu. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khác, kinh doanh hàng nhậu đang đứng trước nhiều sức ép lớn, trong đó cộm lên là vấn đề về mặt bằng có giá cả đang rất đắt đỏ. Trong bối cảnh đó, cái vỉa hè dành cho người đi bộ được tận dụng không tốn tiền lại chẳng cần đầu tư gì cả là một lợi thế cho nhiều đối tượng kinh doanh trong cuộc chiến giành giựt khách hàng. Vô hình dung, kinh doanh ăn nhậu trên vỉa hè không chỉ là sự phản cảm trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến trật tự an toàn đường phố, mà còn là sự bất bình đẳng không đáng có trong hoạt động kinh doanh ăn uống, cùng quá nhiều hệ luỵ nữa đi kèm.

 

Đình Nam

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top