ClockThứ Bảy, 02/07/2016 14:07

Khó “bó” khôn

TTH - Thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản, nhiều hiện vật, tư liệu quý ở các bảo tàng, thư viện đang bị hư hỏng. Việc bảo quản chủ yếu bằng phương pháp thủ công, từ tâm huyết của những người làm công tác bảo tàng.

Thiếu thốn

Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế có gần 30 nghìn hiện vật, trong đó nhiều hiện vật quý có niên đại cách nay cả nghìn năm. Lẽ ra, những cổ vật này phải được bảo quản nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của những trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, thế nhưng, điều đó chỉ là… mơ ước. Máy điều hòa được trang bị từ năm 1995 đến nay đã hỏng, không được sửa chữa; hệ thống thông gió, máy hút ẩm chưa có, cán bộ bảo tàng phải tự xoay xở bảo quản theo phương pháp thủ công.

Cuốn BAVH bị hư hỏng nặng

Chưa nói đến hệ thống bảo quản hiện đại, kho lưu trữ hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng luôn trong tình trạng phải… chống dột. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng cho hay: “Nguyên tắc thiết kế kho ở bảo tàng phải vừa đảm bảo an toàn, vừa thông thoáng, giữ độ ẩm ở mức cho phép. Không những không đáp ứng yêu cầu này, kho của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng còn bị dột. Mỗi khi trời mưa, bảo tàng luôn trong tình trạng báo động, anh em phải huy động nhau phủ nilon che mưa cho hiện vật, kể cả hiện vật đang trưng bày vì nhà Di Luân đường cũng bị dột nhiều năm nay. Song, số hiện vật bị ẩm và hư hỏng cũng không ít”.  

Chưa được xây dựng địa điểm mới, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tạm sử dụng Quốc Tử Giám - di tích cấp quốc gia đặc biệt cần bảo tồn nguyên trạng nên việc tu sửa, nâng cấp hệ thống kho gần như không thể. Kinh phí để đầu tư cho công tác bảo quản cũng không có. Những yêu cầu tối thiểu nhất, như: giá kệ, tủ cũng chưa đầy đủ. Hệ thống kho của bảo tàng này rộng khoảng 300m2, trong khi kho hiện vật thì đồ sộ, phải chồng chất lên nhau.

Ở Thư viện Tổng hợp, tình hình cũng không khá hơn. Kho sách của thư viện có gần 230 nghìn đầu sách. Trong đó có khoảng 3 nghìn bản sách, tư liệu quý hiếm. Dẫu quý hiếm nhưng điều kiện bảo quản không có gì khác biệt so với những loại sách báo thông thường: Không điều hòa, không máy hút ẩm, không lưới chống côn trùng. Kho sách miền Nam, kho địa chí có nhiều sách quý nhưng lại để ở tầng 4, rất nóng lại bị dột. Điều ưu tiên là kho sách này có trang bị tủ kính nhưng vì nước mưa, cửa kính cũng bị hỏng, không đóng được. Bà Hoàng Thị Hải Vân, Phó Giám đốc Thư viện Tổng hợp cho rằng: “Lẽ ra, tất cả các kho của thư viện phải có điều hòa đảm bảo nhiệt độ trên dưới 200C, trang bị máy hút ẩm chống nấm mốc. Tuy nhiên, vì thiếu trang thiết bị, nhân lực, thư viện chưa có điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, chưa thể xử lý nấm mốc mà chỉ làm một cách thô sơ là dùng chổi quét trên từng trang sách”.                    

Công tác phục chế ở thư viện cũng làm bằng thủ công và chỉ có một cán bộ làm kiêm nhiệm bán thời gian. Nửa ngày phục vụ bạn đọc, nửa ngày phục chế trong khi số sách hư hỏng nhiều nên làm không xuể. Không có phương tiện như máy cắt xén, máy ép, máy scan hay hóa chất xử lý, cũng không được đào tạo nghiệp vụ, công tác phục chế mới chỉ dừng lại ở việc đóng gáy, bìa bị hư hỏng, khâu từng trang sách bằng tay. Bà Nguyễn Thị Thanh Thu, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc cho hay: “Chất liệu bằng giấy rất dễ hư hỏng. Trong điều kiện thiếu thốn như vậy, tuổi thọ của sách càng giảm. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất trong mức có thể”.

Hệ thống kho của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được xem là quy củ để bảo quản tư liệu, hiện vật khi được trang bị máy điều hòa, máy hút ẩm. Tuy nhiên, do diện tích kho hẹp, nên tất cả hiện vật gồm nhiều chất liệu khác nhau đều được bảo quản chung trong kho cơ sở với nền nhiệt chung, trong khi mỗi chất liệu có những yêu cầu bảo quản riêng.

Với những hiện vật đang trưng bày ở bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự xuống cấp diễn ra nhanh hơn so với hiện vật trong kho cơ sở do điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi quá khô nóng, lúc lại ẩm ướt. Bà Đặng Thị Tư Hiền, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Hồ Chí Minh lo lắng: “Chúng tôi không thể can thiệp được nhiều với hiện vật trưng bày nên không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Việc trưng bày là thường xuyên, lâu dài nên qua thời gian, quá trình hiện vật xuống cấp sẽ diễn ra nhanh hơn”.

“Cái khó bó cái khôn”

Ông Cao Huy Hùng cho rằng, bảo quản hiện vật là công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, có chuyên môn về khoa học công nghệ. Thế nhưng, việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong công tác bảo quản gần như là con số không. Với điều kiện hiện nay, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng chỉ có thể tập trung bảo quản các hiện vật có nguy cơ bị hủy hoại cao, như các hiện vật sắt khai quật được ở di chỉ khảo cổ học Cồn Ràng, một số hiện vật có giá trị lịch sử có nguy cơ bị phân hủy lớn. Việc bảo quản chỉ mới dừng lại ở yêu cầu cấp thiết, còn bảo quản đồng bộ theo nguyên tắc của bảo tàng học thì chưa thể do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện không có. “Để gìn giữ hiện vật, điều mơ ước giản dị nhất của chúng tôi là kho không bị dột, thông thoáng, đảm bảo điều kiện tối thiểu về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...”, ông Hùng bộc bạch.

Nhiều cuốn sách quý ở Thư viện Tổng hợp tỉnh bị hư hỏng nằm chờ phục chế

Theo ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp, thư viện cần những trang thiết bị hiện đại, nhân lực để bảo quản và phục chế tài liệu. Bảo quản không đúng cách, sách sẽ bị hư hại, mục nát. “Ngoài việc số hóa, chúng tôi muốn lưu trữ sách như một tài liệu cổ. Công tác phục chế đòi hỏi phải có chuyên môn, phương tiện, hóa chất nhưng thư viện không có. Về lâu dài, cái khó của chúng tôi là phải có kinh phí để xây dựng kho đạt yêu cầu, đào tạo nguồn nhân lực đảm nhiệm được công tác phục chế sách một cách bài bản. Chúng tôi sẽ từng bước để khắc phục nhưng cần có kinh phí hỗ trợ”.

Kho của các bảo tàng phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về sự thông thoáng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo những yêu cầu bảo quản, phục chế, kéo dài tuổi thọ của hiện vật mà không làm biến dạng chúng. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, tất cả cán bộ của các đơn vị đều được huy động cùng xắn tay vào việc bảo quản, vệ sinh hiện vật, tư liệu. Đồng thời, thường xuyên theo dõi để phát hiện hiện vật, tư liệu nào có dấu hiệu hư hỏng thì tiến hành bảo vệ ngay.

Theo ông Cao Huy Hùng, việc bảo quản hiện vật theo nguyên tắc bảo tàng học ai cũng biết nhưng đành… bó tay: “Cán bộ bảo tàng ai cũng biết cần phải làm gì nhưng điều kiện không cho phép, kinh phí không có. Điều này vượt quá tầm tay của bảo tàng, chúng tôi chỉ có thể làm hết sức có thể và đề xuất, kiến nghị lên cấp trên. Nhà trưng bày, kho bị dột, chúng tôi đều chua xót, nóng ruột khi nhìn nhiều hiện vật – linh hồn của lịch sử bị hủy hoại theo thời gian”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa:

“Cấp thiết!”

Khí hậu, thời tiết Huế rất khắc nghiệt. Tuy có điều hòa nhưng không có máy hút ẩm cũng sẽ gây hại cho hiện vật, vì vậy, phải trang bị các phương tiện đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của từng loại chất liệu. Theo tôi, không thể lắp đặt thiết bị bảo quản trong điều kiện của các kho bình thường mà phải xây dựng kho lưu trữ đảm bảo các điều kiện về bảo tàng học; trong đó, chú trọng bố trí kho lưu trữ riêng để cất giữ những tư liệu, hiện vật quý.

Ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng có mỏ neo được trục vớt ở biển Thuận An hoặc những di chỉ khảo cổ học rất quý, chúng ta phải có phương thức bảo quản phù hợp, cần mời các chuyên gia am hiểu tư vấn những biện pháp kỹ thuật chứ không đơn giản chỉ bảo quản thông thường. Quý nhất ở Huế hiện nay là cổ vật cung đình. Việc tổ chức trưng bày, bảo quản ngay tại Điện Long An không thể đáp ứng yêu cầu bảo quản. Theo tôi, nên khôi phục Phủ Nội vụ, nơi từng lưu giữ bảo vật, từ đó tổ chức lại hệ thống các kho và lắp đặt phương tiện bảo quản đủ điều kiện lưu trữ về bảo tàng học.

Ông Trần Đình Luyện, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế:

Cần phân loại hiện vật trong bảo quản

Công tác kho bảo tàng cực kỳ quan trọng để bảo quản hiện vật qua thời gian. Mỗi chất liệu hiện vật có những đặc trưng riêng. Sắt không thể bỏ chung với vải, vải không thể bỏ chung với gốm để tránh ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi chất liệu cần có kho riêng để đảm bảo những yêu cầu bảo quản phù hợp. Do diện tích kho chật hẹp trong khi Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có đến 15 nghìn hiện vật nên yêu cầu này chưa đảm bảo, nhiều chất liệu vẫn phải bảo quản chung với nhau. Cũng vì diện tích hạn hẹp nên nhiều hiện vật phải nằm san sát, thậm chí phải xếp chồng lên nhau. Chúng tôi hy vọng thời gian tới có thể mở rộng diện tích kho để phân tách các loại tư liệu, hiện vật.

Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phối hợp với Khoa Hóa, Trường đại học Sư phạm Huế tiến hành bảo quản hiện vật bằng cách tẩm hóa chất đối với hiện vật đồ giấy, dệt; đồng thời bôi hóa chất lên bề mặt của hiện vật kim loại và đồ mộc.

NGUYỆT TÚ (Ghi)

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Tiếp nhận thiết bị 3 thư viện thân thiện và trao 165 tủ sách lớp học tại TP. Huế

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 8/4, tại Trường THCS Duy Tân, Tổ chức Zhi Shan Foundation phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức lễ tiếp nhận đưa vào sử dụng 3 thư viện thân thiện và bàn giao 165 tủ sách lớp học cho 10 trường học tại TP. Huế.

Tiếp nhận thiết bị 3 thư viện thân thiện và trao 165 tủ sách lớp học tại TP Huế
Khánh thành 2 thư viện thân thiện và trao 71 tủ sách lớp học

Ngày 5/4, tại Trường THCS Phú Hải, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang tổ chức khánh thành 2 thư viện thân thiện và trao 71 tủ sách lớp học do tổ chức Zhi Shan Foundation và Quỹ Chí thiện vì trẻ em tài trợ. Dự lễ khánh thành, có lãnh đạo Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh; đại diện tổ chức Zhi Shan Foundation và Quỹ Chí thiện vì trẻ em.

Khánh thành 2 thư viện thân thiện và trao 71 tủ sách lớp học
Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Return to top