ClockThứ Hai, 06/06/2016 08:22
TUYỂN SINH NGÀNH DU LỊCH:

Khó cho cao đẳng và trung cấp

TTH - Trong khi hệ đại học hứa hẹn tiếp tục “hút” thí sinh, thì hệ cao đẳng và trung cấp ngành du lịch dự đoán sẽ gặp khó trong mùa tuyển sinh 2016.

Hệ đại học hút thí sinh

Theo thống kê của Khoa Du lịch Đại học Huế, nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên của khoa ra trường tìm được việc làm rất cao và đúng với chuyên ngành đào tạo. Thầy Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, Khoa Du lịch cho hay: “Năm nay, Khoa Du lịch sẽ tiếp tục được nhiều thí sinh chọn để nộp hồ sơ vào học. Du lịch là ngành kinh tế đang phát triển và có xu hướng phát triển hơn nữa trong tương lai, kéo theo nguồn việc từ du lịch khá phong phú, các em dễ dàng chọn một công việc phù hợp chính là yếu tố giúp khoa “hút” được thí sinh”.

Sinh viên Khoa Du lịch thực hành hướng dẫn khách

Tại Trường THPT Nguyễn Huệ, khá nhiều em dự định sẽ chọn Khoa Du lịch. Em Lê Cẩm Tú chia sẻ: “Du lịch là nghề em đã xác định chọn từ khi bước vào năm đầu tiên của cấp 3. Dù là con gái, nhưng em thích làm những việc có tính chất “bay nhảy”, được đi nhiều. Du lịch chính là nghề vừa được làm việc, vừa có thể thỏa mong ước được khám phá nhiều vùng đất của bản thân. Tới đây, sau khi có kết quả thi xong, nếu điểm cao em sẽ nộp vào ngành hướng dẫn viên du lịch”.

Trong khi nhiều em chọn du lịch vì sở thích, nhiều em khác chọn vì ngành du lịch dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Em Nguyễn Ngọc Châu Giang, Trường THPT Hai Bà Trưng, cho biết: “Bố mẹ và thầy cô khuyên em nên chọn một ngành nào đó dễ xin việc làm sau này. Hiện nay, em còn phân vân giữa du lịch và kinh tế. Em muốn có kết quả thi xong rồi quyết định. Hiện em nghiêng về du lịch vì du lịch là thế mạnh của Huế”.

Phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, Khoa Du lịch cho biết, năm nay khoa tuyển 550 sinh viên ở ba ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (300 chỉ tiêu); quản trị kinh doanh (200 chỉ tiêu) và kinh tế (50 chỉ tiêu). Dù nhu cầu tăng cao, nhưng so với năm ngoái thì năm nay khoa không tăng chỉ tiêu tuyển. Nguyên nhân được đưa ra là nhằm tạo nguồn lao động ổn định, nếu tăng lượng lao động cạnh tranh thì các em khó khăn hơn trong xin việc.

Cao đẳng và trung cấp dự đoán gặp khó

Trong khi hệ đại học dự đoán nhiều thuận lợi trong đợt tuyển sinh năm nay, công tác tuyển sinh ở hệ cao đẳng và trung cấp dự đoán gặp khó hơn rất nhiều. Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế nhận định: “Nhìn chung, tuyển sinh năm nay sẽ khó so với nhiều năm trước. Nhiều học sinh và phụ huynh có xu hướng thích học đại học hơn cao đẳng và trung cấp. Trong khi đó, nhiều trường có thời gian tuyển sinh kéo dài (có trường đến hết tháng 11), nên nhiều em vẫn muốn tìm cơ hội vào trường đại học”.

Ngoài những khó khăn trên, còn nhiều lý do khác được Phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế chỉ ra. Số lượng trường đào tạo du lịch cao đẳng và trung cấp không ngừng tăng lên, đặc biệt ở các tỉnh lân cận nên sự canh tranh rất lớn. Vì vậy, dù có địa bàn tuyển sinh ở 14 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, nhưng chủ yếu trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh ở ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Ông Vũ Hoài Phương cho biết thêm, trước tình hình tuyển sinh khó như hiện nay nên công tác tuyển sinh của trường phải chủ động hơn. Thời gian tuyển sinh kéo dài cả năm chứ không phải vài tháng như trước đây, xây dựng chất lượng đào tạo, từ đó tạo ra thương hiệu cho nhà trường được chú trọng thực hiện. Tạo nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên cũng là cách để trường thu hút thí sinh tốt hơn.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top