ClockThứ Bảy, 30/12/2017 14:24

Khó đổi mới bưu điện văn hóa xã

TTH - Sau 3 năm triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động nhằm duy trì và phát triển hệ thống bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), dù ngành bưu điện hết sức cố gắng, nhưng, hầu hết điểm BĐVHX chỉ hoạt động cầm chừng, chưa phát huy hiệu quả.

 Điểm BĐVHX Phú Dương là một trong những điểm đạt doanh thu cao của hệ thống BĐVHX

“Nốt" trầm

Gần 9h sáng, điểm BĐVHX đa dịch vụ ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà cửa vẫn đóng im ỉm. Hỏi người dân sống gần điểm bưu điện, được biết, thường ngày có rất ít khách lui tới nên có thể nhân viên đóng cửa đi đâu đó. Theo bảng thông báo ngay phía trước bưu điện, thời gian mở cửa trong ngày, sáng từ 7h30-9h30 và chiều từ 13h30 đến 16h.

Chị Lê Như Quỳnh, nhân viên BĐVHX Hương Xuân bày tỏ: “Dù nằm cạnh trường học và trong khu dân cư nhưng mỗi tháng, BĐVHX Hương Xuân cũng chỉ có hai ngày phát lương là đông vui nhộn nhịp, còn đa phần vắng vẻ. Do gần bưu điện trung tâm Hương Trà nên người dân đều tập trung đến đó giao dịch”.

Nằm khuất sau cổng làng văn hóa Ngọc Anh, điểm BĐVHX Phú Thượng (Phú Vang) cũng trong tình trạng tương tự. Bên trong kệ tủ, ngoài ba chồng báo được xếp ngay ngắn là hàng trăm đầu sách về pháp luật, sách hướng dẫn nông lâm ngư nghiệp đã bạc màu; trên kệ hàng tiêu dùng cũng chỉ có lèo tèo vài sản phẩm.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Phương, nhân viên điểm BĐVHX Phú Thượng cho hay, hằng ngày 3 tờ báo được đưa về phục vụ người dân, nhưng nhận về rồi xếp vào tủ chứ chẳng mấy ai tới để đọc. Sách thì đã quá cũ nhưng không được bổ sung.

“Ít khách, nên dù rất cố gắng, doanh thu bình quân của điểm BĐVHX Phú Thượng chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng (có điểm 3 triệu đồng/tháng). Riêng sản phẩm hàng tiêu dùng (như xà phòng, nước rửa chén...), thi thoảng mới bán được cho cán bộ hưu trí, người đến nhận lương và nhờ người thân mua hộ để... đạt doanh số. Dù kiêm rất nhiều dịch vụ nhưng thu nhập của nhân viên điểm BĐVHX vẫn chẳng đáng là bao”, chị Phương kể.

Tiếp tục hướng đi mới

Toàn tỉnh hiện có 108/111 điểm BĐVHX đang hoạt động. Doanh thu năm 2017 của các điểm BĐVHX là 19,1 tỷ đồng, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 300% so với năm 2014.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động các điểm BĐVHX giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 78/108 điểm BĐVHX (ở vùng nông thôn, đang có đề án xây dựng nông thôn mới) được cấp kinh phí chi trả chế độ cho người phục vụ với mức hỗ trợ thù lao 120 ngàn đồng/người/tháng.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Chuyên quản BĐVHX, Phòng Kinh doanh khách hàng Bưu điện tỉnh, để góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời, thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh đã triển khai đổi mới hoạt động của các BĐVHX, nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ công ích, dịch vụ hành chính công, cung cấp các dịch vụ viễn thông, bán lẻ hàng tiêu dùng, chi trả lương hưu, trợ cấp, đóng tiền bảo hiểm.

Từ năm 2015 đến nay, các điểm BĐVHX đa dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ tiện ích của người dân khu vực nông thôn, từ chổ nặng phục vụ dịch vụ công sang hướng chủ động bán hàng, giúp sản phẩm, dịch vụ của bưu điện đến gần người dân hơn.Ngoài ra, bản thân nhân viên điểm BĐVHX cũng có cơ hội tăng thu nhập. Trước đây, “lương” của nhân viên BĐVHX chỉ là khoản thu nhập “cứng” hàng tháng, còn bây giờ, với cơ chế bán hàng nhiều hưởng nhiều, bình quân mức thu nhập của nhân viên BĐVHX khoảng 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Có điểm 7-9 triệu đồng/người/tháng (như Thủy Phương, Hương Thủy; Phú Dương, Phú Vang). Tuy nhiên, vẫn có nơi thu nhập của nhân viên ở mức thấp (1,1-1,5 triệu đồng/người/tháng).“Chúng tôi tạo điều kiện cho nhân viên kiêm thêm nhiệm vụ bưu tá hoặc kinh doanh dịch vụ (có nơi bán nước mía, bán cà phê) để tăng thu nhập và gắn bó với bưu điện lâu dài hơn”, anh Tuấn cho hay.

Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phạm Hồng Hải cho biết: “Sau khi có sự thay đổi một cách cơ bản, trong 2 năm 2016- 2017, hoạt động của các điểm BĐVHX đã có sự khởi sắc. Dù bưu điện đa phần bù lỗ cho các điểm BĐVHX nhưng 70-80% nhân viên ở đây yên tâm với công việc, đảm bảo thu nhập và đời sống. Ngoài ra, nhân viên còn được hưởng thêm nhiều chế độ như đóng BHYT, BHXH...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm BĐVHX, Bưu điện tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên về quy trình, nghiệp vụ, kỹ năng bán hàng... và hoàn thành 100% các BĐVHX chuyển đổi sang mô hình đa dịch vụ trong năm nay.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện

Với những chủ trương, giải pháp cụ thể và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ huấn luyện năm 2024 được lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thực hiện thắng lợi với nhiều thành tích nổi bật.

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Tuần lễ Phật đản 2024 sẽ diễn ra ngày 15-22/5

Đó là thông tin đáng chú ý tại buổi làm việc của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh.

Tuần lễ Phật đản 2024 sẽ diễn ra ngày 15-22 5
Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách

Sự nhập cuộc của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể đã góp phần quan trọng tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top