ClockThứ Ba, 04/04/2017 20:08

Khó khăn trong đánh giá giá trị, tình trạng kỹ thuật các công trình kiến trúc kiểu Pháp

TTH.VN - Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau khi rà soát và khảo sát thực tế, Sở Xây dựng đã thống kê sơ bộ trên địa bàn thành phố có 44 công trình kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, việc đánh giá về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, kiến trúc cảnh quan, khảo sát, đánh giá tình trạng kỹ thuật… gặp nhiều khó khăn.

Biệt thự số 5 Lý Thường Kiệt đã xuống cấp nghiêm trọng

Lý giải việc phá bỏ tòa nhà kiến trúc Pháp tại số 5 Lý Thường Kiệt, ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện chính sách kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch thương mại, các biệt thự kiến trúc Pháp nằm trên tuyến đường Lý Thường Kiệt dần được thay thế bằng các công trình dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, theo đồ án quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, phát triển du lịch là chiến lược hàng đầu. Trong đó, du lịch kiến trúc Pháp là một nội dung chính trong chiến lược phát triển này. Tuy nhiên, trong danh sách công trình  kiến trúc tiêu biểu có thể phát triển thành tài nguyên du lịch không bao gồm biệt thự tọa lạc ở số 5 Lý Thường Kiệt.

Ngày 24/5/2016, Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) có văn bản kiến nghị UBND thành phố cho phép phá dỡ công trình số 5 Lý Thường Kiệt vì công trình đã quá niên hạn sử dụng, hiện xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, ngày 8/7/2016, UBND thành phố có văn bản xác định “nhà đang có dấu hiệu xuống cấp, trần nhà bị thấm dột, mái hư hỏng nhiều nơi, tường nhà thấm, kết cấu gỗ bị mối mọt"... Tại cuộc họp ngày 11/8/2016 do Sở Xây dựng tổ chức, các cơ quan liên quan đã thống nhất việc giữ lại công trình biệt thự tại khu đất nói trên, tuy nhiên cần bổ sung đánh giá khảo sát chất lượng hiện trạng công trình theo đúng quy định để có cơ sở xem xét.

Sau khi có văn bản của UBND tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm định công trình, Công ty Thành Đạt đã thuê Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh đánh giá khảo sát chất lượng hiện trạng công trình. Kết quả thẩm định nêu rõ: "Công trình hết niên hạn sử dụng, mức độ nguy hiểm cấp C, khả năng chịu lực của bộ phận kết cấu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ, không đảm bảo an toàn sử dụng. Công trình không đảm bảo khi cải tạo, gia cường kết cấu so với phương án xây mới".

Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng công trình, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng và UBND thành phố hướng dẫn Công ty Thành Đạt thực hiện các thủ tục liên quan đến việc tháo dỡ công trình theo quy định. Phía công ty đã đưa ra phương án cải tạo, mở rộng khách sạn Heritage tại khu đất 05-07-09 xây dựng tầng hầm để xe và xây mới khối 9 tầng nhằm mở rộng quy mô và chất lượng dịch vụ. Vào ngày 13/3/2017, Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp góp ý về tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình. Tại cuộc họp này, đại diện các cơ quan liên quan thống nhất việc Công ty Thành Đạt nghiên cứu đầu tư, mở rộng kinh doanh tại khu đất này. Trên cơ sở đó, việc tháo dỡ công trình biệt thự tại khu đất 05 Lý Thường Kiệt là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần chỉnh trang kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị.

Nhiều người lo lắng việc đập bỏ biệt thự 05 Lý Thường Kiệt sẽ tạo tiền lệ xấu trong  công tác quy hoạch về sau

Cần lập đề án bảo tồn nhà kiến trúc Pháp

Xét theo luật, khi các công trình kiến trúc hết niên hạn thì người ta cấm sử dụng bởi không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại việc phá bỏ biệt thự số 5 Lý Thường Kiệt như hiện nay sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và để lại hậu quả về công tác quy hoạch đô thị về sau.

Ông Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Tư vấn thiết kế tổng hợp từng chia sẻ, bảo tồn và tôn tạo nhà kiến trúc Pháp mới mang lại giá trị văn hóa đích thực. Để làm được điều này, người làm quy hoạch kiến trúc, chính quyền và cộng đồng cần thống kê, đánh giá, phân tích và hệ thống lại có bao nhiêu công trình kiến trúc Pháp đang tồn tại. Từ đó, đưa ra một kế hoạch và hành động để bảo tồn. Ngoài ra, cần xây dựng một cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích giữ lại dài lâu những công trình kiến trúc Pháp cổ như giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Đồng quan điểm trên, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể Thao cho rằng, cần tiến hành kiểm đếm, kiểm định và có phương án quy hoạch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa kiến trúc như kiến trúc Pháp, tránh trường hợp không thể bảo tồn như hiện nay.

Vấn đề thống kê, đánh giá và hệ thống lại các công trình kiến trúc Pháp đã được nhắc đến khá nhiều sau vụ việc sập nhà kiến trúc Pháp 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Lúc bấy giờ, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tiến hành rà soát các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn. Theo rà soát và thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng trên địa bàn thành phố có 44 công trình kiến trúc Pháp và có danh sách cụ thể về quy mô, hiện trạng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc đánh giá về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, kiến trúc cảnh quan, khảo sát, đánh giá tình trạng kỹ thuật của các công trình kiến trúc Pháp theo danh sách thống kê gặp nhiều khó khăn. Nhất là vấn đề xác định thời gian xây dựng công trình, quy mô, chất lượng, hiện trạng sử dụng công trình. Vì thế, Sở đã đề nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP. Huế, Hội Kiến trúc sư… lập đề án điều tra, khảo sát, đánh giá tổng thể theo cơ sở danh mục đã thống kê nhằm định hướng trong công tác phân loại, đánh giá, xây dựng hồ sơ giai đoạn tiếp theo.

 Hiện Sở đã có văn bản gửi các đơn vị chủ quản các công trình trên địa bàn yêu cầu các đơn vị báo cáo hiện trạng và sẽ tổng hợp các phản hồi vào 10/4/2017. Trên cơ sở này sẽ tiến hành họp rà soát, phân loại đánh giá các công trình và triển khai kiểm định theo đúng thời gian như chỉ đạo của UBND tỉnh và lộ trình thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về lập danh sách các công trình đưa vào diện cần kiểm định chất lượng.

Trước những biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, giá trị di sản kiến trúc Pháp đang dần bị mai một. Điều này đặt ra vấn đề phát huy và bảo tồn giá trị di sản kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, để làm được điều đó nhất thiết phải có sự tham gia của người dân, tổ chức có quyền lợi gắn với những công trình này. Việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng cũng như chuyên gia, nhà nghiên cứu trong quá trình bảo tồn sẽ tạo nên sự minh bạch về thông tin và lòng tin trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách bảo tồn các giá trị kiến trúc Pháp nói riêng và các giá trị văn hóa nói chung.

 

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những người “gác cửa”

Nếu ví chúng tôi - những phóng viên là chiến sĩ trên mặt trận truyền thông thì bộ phận tòa soạn như lực lượng hậu cần thầm lặng sau những tác phẩm...

Những người “gác cửa”
Mua bán vàng online “rộng cửa” trong ngày Thần Tài

Chuẩn bị cho ngày Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) năm Tân Sửu, các doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng đều tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm độc đáo. Hình thức kinh doanh online cũng bắt đầu có bước đột phá trong lĩnh vực này.

Mua bán vàng online “rộng cửa” trong ngày Thần Tài
Xuống đồng đầu năm

Sau những ngày thảnh thơi nghỉ tết, nông dân các địa phương trong tỉnh đã xuống đồng, bắt tay vào sản xuất với mong muốn năm mới sản xuất thắng lợi mới, mùa màng bội thu.

Xuống đồng đầu năm
Quen lắm một nụ cười

Ngày tôi xa nhà lên Huế nhập học cũng là thời gian đầy khó khăn của gia đình khi ba tôi, trụ cột chính của gia đình nhiều lần nhập viện. Nhớ hôm ba lên bàn mổ, mọi người trong nhà tập trung đông lắm, nhưng ba nhất quyết không cho tôi lên viện.

Quen lắm một nụ cười

TIN MỚI

Return to top