ClockThứ Hai, 25/01/2016 14:40

Khó khi mua bảo hiểm xã hội cho người giúp việc

TTH - Theo quy định mới đây của Chính phủ, người giúp việc phải được chủ nhà ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, chưa có người giúp việc (NGV) nào tham gia hai loại bảo hiểm trên.

Người giúp việc và chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng theo luật định

Hai bên đều thờ ơ

 

Theo quy định, khi có nhu cầu sử dụng NGV, chủ nhà và NGV phải ký kết hợp đồng lao động. Tổng tiền lương bao gồm cả chi phí ăn ở của NGV do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. NGV được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết. Đặc biệt, họ được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT để tự mua bảo hiểm theo hình thức tự nguyện.

Thực tế, mặt bằng tiền lương trả cho NGV trên địa bàn khoảng 3 triệu đồng/tháng, thế nên, chủ nhà phải đóng 21% BHXH, BHYT theo mức thu nhập hàng tháng (khoảng trên 600.000 đồng/ tháng) là quá cao. Chị Đinh Ngọc Anh đang thuê NGV cho biết:” Mỗi tháng trừ tiền phí sinh hoạt, ăn uống, tôi trả lương cho NGV 3 triệu đồng. Chưa kể, các khoản chi khác như tiền tàu xe, quà cáp mỗi lần về quê mà họ còn chê ít, hay dọa nghỉ làm. Thế nên, nếu phải đóng BHXH cho họ, tôi không kham nổi, còn nếu bớt lương lại chắc chắn họ không đồng ý”.

Tâm lý chung của nhiều người, giúp việc gia đình chỉ là một nghề thời vụ, không bền nên hầu hết họ không có nhu cầu đóng bảo hiểm. Ngay chính NGV cũng không muốn bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động và xác định không thể gắn bó lâu dài với nghề cho đến khi được nhận chế độ hưu trí của BHXH. Họ cho rằng, có mấy ai ở cố định với một gia đình nhà chủ mãi được đâu mà tham gia bảo hiểm? Thế nên, khi chuyển việc qua làm nhà khác thì sẽ thế nào ? Giả sử ký hợp đồng xong, trong quá trình làm việc không hợp với nếp sống của chủ nhà, chẳng lẽ phải cố gắng làm tiếp cho hết hợp đồng? Chị Hoàng Tố Quyên, một NGV ở TP Huế cho biết: “Tôi làm nghề giúp việc được 5 năm, gia chủ tốt bụng, tôi làm việc chăm nên họ thường thưởng thêm tiền vào các dịp lễ, tết hay khi tôi về quê. Tôi chỉ cần có vậy. Nếu có thêm một khoản tiền để đóng BHXH, tôi sẽ sửa chữa cái nhà bếp hơn là mua bảo hiểm cho bản thân”.

Không khả thi

Theo quy định mới, khi ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người giúp việc, chủ nhà phải thông báo cho UBND phường, xã. Tuy nhiên, xuất phát từ nhận thức, thói quen nên hầu hết các gia đình có thuê mướn lao động giúp việc không thực hiện ký kết hợp đồng lao động, không gửi thông báo bằng văn bản tới UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động giúp việc gia đình. Thế nên, chính quyền địa phương vẫn chưa lập sổ theo dõi, quản lý lao động là NGV; chưa kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động của NGV và hộ gia đình có sử dụng lao động giúp việc.

Quy định mới đem lại nhiều lợi ích chính đáng cho NGV, tạo sự bình đẳng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này vào thực tế vẫn còn nhiều trở ngại. Bởi lẽ, người giúp việc thường là những người ngoài độ tuổi lao động. Đồng thời, việc quy định người sử dụng lao động phải trả một phần cùng với lương để người lao động tự mua BHXH, BHYT cũng khó áp dụng trong thực tiễn. NGV thường có hoàn cảnh khó khăn nên sẽ rất khó để thuyết phục họ sử dụng số tiền mà gia chủ trả để đóng BHXH, BHYT. Không những thế, bản thân những người sử dụng lao động còn không trình báo việc thuê người giúp việc, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý. Để quy định đi vào thực tế, cần thêm những hướng dẫn cụ thể hơn và các chế tài xử lý phù hợp, bên cạnh đó cũng cần tích cực tuyên truyền để người dân nắm rõ.

Việc ban hành các quy định chi tiết về lao động giúp việc gia đình là điều cần thiết. Đây là những bước tiến đáng mừng trong chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đặc biệt, pháp luật thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề cụ thể bắt buộc chủ nhà phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc. Đây sẽ là cơ sở để bảo vệ người giúp việc trước pháp luật nếu có tranh chấp xảy ra, cũng như tạo điều kiện cho NGV gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ lao động giúp việc ở Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp. Từ trước đến nay, thuê NGV luôn là thoả thuận miệng từ mức lương đến mô tả công việc. Trong quá trình làm việc, nếu hai bên không vừa ý nhau có thể nghỉ hoặc cho nghỉ bất cứ lúc nào, thế nên, việc thực hiện Nghị định số 27 phải có hợp đồng lao động là khó khả thi.

Bài, ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tặng mẹ “sổ hưu”

Cho mẹ hơn 100 triệu đồng để chốt sổ hưu là món quà ý nghĩa mà cô gái trẻ Hoàng Hương Giang (phường Phú Bài, TX. Hương Thủy) tặng mẹ ngay đầu năm 2024 này.

Tặng mẹ “sổ hưu”
Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Tuyên truyền BHXH tự nguyện: Từ thấu hiểu đến hành động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để người dân hiểu và tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, linh hoạt các phương thức truyền thông với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia để thụ hưởng quyền lợi khi về già.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện Từ thấu hiểu đến hành động

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top