ClockChủ Nhật, 17/06/2018 09:56

Khó như đòi nợ bảo hiểm xã hội

TTH - Doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động (NLĐ) không được giải quyết chế độ. Lao động đành phải tìm việc khác để làm, không được hưởng chế độ. Phải chăng, lao động đang thiếu phương pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Sẽ hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động trước 30/9/2018Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng BHXH 2018

 

Chây ỳ

Mới đây, một giáo viên Trường phổ thông Huế Star khiếu kiện khi cô không được hưởng chế độ thai sản vì trường không đóng BHXH. Câu chuyện vỡ lỡ mới phát hiện ra, trong số 17 giáo viên, cán bộ nhân viên ở trường, có người đã sinh hai con nhưng đến nay vẫn chưa nhận được chế độ thai sản (?). Không ít người chuyển việc, về hưu, thậm chí thất nghiệp… đều không được giải quyết chế độ. Lao động thắc mắc, nhà trường hứa hẹn cho qua chuyện, chẳng biết bấu víu vào đâu, họ buông tay đi tìm việc khác.

 Trong  61 hồ sơ BHXH tỉnh chuyển qua cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đề nghị khởi kiện, có hồ sơ chỉ có 3 đến 4 lao động, nhưng số tiền nợ rất lớn. Những DN này trước đây đông lao động, nhưng khi làm ăn thua lỗ nên cắt giảm dần. Nhiều lao động mất việc ở nơi này thì đi tìm khác, trong lúc họ đã đóng đủ BHXH cả chục năm. Mới đây, BHXH tỉnh và  LĐLĐ tỉnh tìm mọi cách để liên lạc, vận động lao động ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện DN. Tuy nhiên, lao động đi làm việc tứ phương, tìm họ chẳng khác “mò kim đáy bể”.

DN nợ BHXH do nhiều yếu tố: Cố tình chây ỳ, làm ăn khó khăn và chuẩn bị phá sản. Thế nên, gần 200 đoàn thanh tra liên ngành làm việc ở DN, những nơi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nợ đọng BHXH. Trên 17 tỷ đồng nợ BHXH được thu về từ những cuộc làm việc, cho thấy, DN đã có động thái tích cực khi sợ ảnh hưởng đến công việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều công ty không hợp tác với đoàn, có DN năm lần bảy lượt từ chối hợp tác. Ngay cả khi thanh tra BHXH ra 8 quyết định xử phạt hành chính lên đến trên 210 triệu đồng, các đơn vị chỉ đóng trên 90 triệu đồng.

Thủ tục rối rắm

Khởi kiện là hình thức cuối cùng để đòi nợ BHXH. Khó khăn nhất vẫn là phải chọn được DN có “tiềm lực” để khởi kiện, thu hồi số nợ. Còn những DN chỉ còn trên giấy tờ, DN “chết lâm sàng” khởi kiện cũng khó. Bởi lẽ, nhiều DN không muốn vướng vào luật pháp vì sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh nên khi phía LĐLĐ tỉnh có động thái khởi kiện, họ đã tìm cách để trả nợ. Hết quý 1/2018, các đơn vị đã nộp gần 35 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 65%) nên các ngành chức năng đã rút hồ sơ  khởi kiện.

Trong Bộ luật Tố tụng dân sự, giao trách nhiệm cho công đoàn cơ sở để khởi kiện nợ BHXH. Trong khi, họ lại là những lao động hợp đồng, ăn lương của chủ nên không ai muốn đứng ra khởi kiện vì sợ mất việc. Ngay vụ ở Công ty TNHH TM&DV Hoàng Đức (TP. Huế), chỉ có 31 lao động ủy quyền cho đại diện công đoàn, nhưng lại kéo dài, tốn khá nhiều công sức. Trở ngại đầu tiên là phải liên hệ với từng người lao động, nhất là khi họ đã đi kiếm việc nơi khác. Án phí cũng là một vấn đề, nếu công đoàn đứng ra khởi kiện thành công thì DN phải trả tiền án phí, không thành công thì công đoàn phải trả. Trong khi, nguồn quỹ quy định chi tiêu về án phí, khởi kiện trong lĩnh vực nợ BHXH không có trong kế hoạch chi tiêu của ngành.

Theo Bộ luật Lao động, có hai loại tranh chấp dẫn đến “gặp nhau ở tòa”. Tranh chấp lao động cá nhân, nghĩa là một người cũng có thể khởi kiện được DN nợ BHXH ra tòa. Còn tranh chấp lao động tập thể trình tự thủ tục rườm rà. Trước hết, công đoàn cơ sở phải đưa vấn đề tranh chấp ra với chủ sử dụng lao động, nếu không có động thái tích cực sẽ phải đưa qua hoà giải viên, nếu hoà giải không thành, chuyển lên chủ tịch UBND huyện, thị xã xử lý. Ở cấp này, nếu tập thể người lao động không đồng tình với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã thì mới khởi kiện ra tòa.

Thanh tra hay khởi kiện đều khó khăn nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động. Người lao động cũng cần được trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng, phương pháp bảo vệ quyền lợi của mình trong khởi kiện nợ BHXH.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Tăng thông tin, minh bạch về đóng BHXH để  lao động tự bảo vệ mình

Tôi cho rằng công tác tuyên truyền hết sức quan trọng; cần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành để tạo sự đồng thuận trong khởi kiện BHXH. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, cần  thực hiện rốt ráo, gồm  các chế tài về kinh tế, hành chính, hình sự đối với các hành vi vi phạm và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong tổ chức, thực hiện pháp Luật BHXH. Hiện nay, sổ BHXH NLĐ đã được giữ, biết được mức đóng và tính được mức hưởng sau khi về hưu, thế nên, cần tăng thông tin, minh bạch về đóng BHXH để lao động tự bảo vệ mình trước khi nhờ công đoàn và pháp luật can thiệp.

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Hướng dẫn lao động hiểu rõ pháp luật để biết lợi ích của mình

Tôi đề nghị cần có sự  phối hợp để đưa vào thỏa ước lao động tập thể, chấp hành đúng quy định của pháp luật. Trong đó, định kỳ 3 tháng đối thoại một lần, người sử dụng lao động cần phải công khai tiến trình nộp BHXH cho lao động biết. Các tổ chức công đoàn cần hướng dẫn NLĐ hiểu rõ pháp luật để biết lợi ích của mình.

Hai ngành cần kiến nghị với UBND tỉnh có giải pháp rốt ráo hơn trong việc yêu cầu các DN nghiêm túc thực hiện pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho lao động.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Tuyên truyền BHXH tự nguyện: Từ thấu hiểu đến hành động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để người dân hiểu và tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, linh hoạt các phương thức truyền thông với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia để thụ hưởng quyền lợi khi về già.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện Từ thấu hiểu đến hành động
Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa
“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm

Truyền thông được xem là “chìa khóa” trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nên BHXH tỉnh không ngừng thay đổi, đa dạng hóa cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền nhằm lan tỏa chính sách BH đến với người dân để người dân hiểu và chủ động tham gia.

“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm
Return to top