Thể thao

Khó quản lý các câu lạc bộ thể thao cơ sở

ClockChủ Nhật, 12/11/2017 14:31
TTH - Nhân rộng câu lạc bộ (CLB) thể thao ở cơ sở là chiến lược phát triển thể thao phong trào của tỉnh. Song, việc quản lý các CLB này đang gặp khó.

Khó quản lý

Anh Đặng Nhĩ Hà, Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông tỉnh cho biết, ngoài 6 CLB chính thống (có quyết định thành lập) và khoảng 40 CLB khác thường xuyên tham gia các giải của tỉnh thì rất khó nắm hết số lượng CLB cầu lông còn lại do phần lớn hoạt động tự phát. Vấn đề này cũng phổ biến ở nhiều môn thể thao khác, như bóng đá, bóng bàn, bóng rổ… Người chơi tập trung lại thành một CLB hoặc nhóm tập rồi góp quỹ thuê sân tập luyện. Khi có giải, họ liên hệ với ban tổ chức đăng ký tham gia.

Điểm chung của các CLB là không muốn bị ràng buộc. Anh Nguyễn Phước Bảo Huy, phụ trách CLB Bóng đá Chim cảnh Ku Sáo chia sẻ, ra đời từ năm 2012, đến nay CLB thấy không gặp khó khăn nên chưa làm các thủ tục thành lập CLB. Thẳng thắn hơn, anh Nguyễn Đức Giàu, Chủ nhiệm CLB Cầu lông Rain Bow bộc bạch: “Thành viên CLB làm nhiều nghề khác nhau, tranh thủ giờ rảnh chơi cầu lông nhằm xả stress và rèn luyện sức khỏe. Việc làm thủ tục thành lập CLB không khó, nhưng tâm lý thành viên không muốn bị ràng buộc. Người phụ trách CLB cũng ngại vào khuôn khổ sẽ phải tham gia các cuộc họp, hoạt động chung mất thời gian”.

Việc nhiều CLB thể thao ra đời là tín hiệu đáng mừng, nhưng ở góc độ quản lý, cách hình thành và hoạt động tự phát của các CLB để lại không ít nỗi lo. Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao (TDTT), Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, ngành thể thao dựa vào mô hình hoạt động CLB cơ sở để thống kê số liệu người tập thể thao thường xuyên, đánh giá kết quả phong trào thể thao cơ sở để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng hệ thống tổ chức, thi đấu giải; đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất tập luyện hoặc hỗ trợ chuyên môn… nhưng hiện phần lớn các CLB hoạt động tự do, ít có mối liên hệ với các ban, ngành chức năng, vì thế khó làm tốt những mục tiêu đã nói.

Việc các CLB hoạt động tự phát cũng nảy sinh vấn đề nhân sự biến động, gây khó khăn trong quá trình tổ chức và điều hành giải. “Lo lắng nhất là trường hợp chuyển nhượng ngầm, vận động viên của CLB này thi đấu cho CLB khác rồi xảy ra kiện cáo khi tổ chức giải. Do họ hoạt động tự phát, liên đoàn không nắm được thành viên các CLB nên rất khó phân xử”, anh Hà nói.

Giải quyết vấn đề không đơn giản. Theo ông Tư, ngành thể thao khuyến khích mọi người tập luyện TDTT và hình thành các mô hình tập luyện TDTT (CLB, nhóm, đội). Các CLB TDTT hình thành tự phát hoạt động phi lợi nhuận, vì mục đích sức khỏe và đam mê thể thao là chính nên không thể có chế tài đối với họ và cũng không có cơ sở để đưa ra chế tài khi chưa phát sinh các vấn đề vi phạm.

Hiện, Nhà nước cũng có quy định hoạt động của các CLB thể thao ở cơ sở, điển hình như Thông tư 18 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cập vấn đề CLB TDTT cơ sở chịu sự quản lý nhà nước về TDTT của UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, đó là văn bản hướng dẫn, còn quy định về chế tài ràng buộc chưa có, hơn nữa nếu có chế tài thì nguy cơ ảnh hưởng đến phong trào tập luyện TDTT. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh nêu ví dụ: “Ở xã có các đội bóng của thanh thiếu niên và CLB dưỡng sinh của người già quy mô nhỏ. Việc yêu cầu họ thành lập CLB nhằm tiện lợi trong công tác quản lý đôi khi phản tác dụng vì nếu làm căng quá thì họ nghỉ tập, nên cách làm chủ yếu là nắm tình hình, động viên họ duy trì”.

Phối hợp nhiều giải pháp

Theo số liệu phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa và Thể thao, hiện toàn tỉnh có hơn 600 CLB thể thao cơ sở, song vẫn còn nhiều CLB, đội, nhóm tập chưa thể thống kê do hoạt động tự phát, quy mô nhỏ và nhiều lý do chủ quan từ phía người tập luyện.

Lâu nay, việc tuyên truyền, kêu gọi các CLB thành lập chính thức được ngành thể thao quan tâm, song hiệu quả chưa cao do tâm lý người tham gia tập luyện thể thao không thích bị ràng buộc và chưa thấy được mặt lợi khi có vai trò của cơ quan quản lý. Điều cần làm là phân tích rõ lợi ích thiết thực cho người tập luyện TDTT ở các CLB khi CLB hoạt động có quyết định thành lập chính thức. “Những mặt lợi đó là được bảo trợ, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh xảy ra trong tập luyện, thi đấu; đơn giản thủ tục hơn khi tham gia các giải; được tạo điều kiện để thi đấu giải trong và ngoại tỉnh…”, anh Hà nói.

Lợi thế nhiều môn thể thao tại tỉnh như cầu lông, bóng đá, quần vợt… đã có mô hình liên đoàn. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các liên đoàn cũng nên phát huy vai trò trong việc động viên, kêu gọi các CLB tiến đến thành lập chính thức, hoạt động dưới sự quản lý của liên đoàn.

Ngoài giải pháp tuyên truyền, ngành thể thao, các liên đoàn cũng cần có định hướng cụ thể trong việc phát triển mô hình CLB TDTT cơ sở. Với xu hướng tổ chức ngày càng nhiều các giải thể thao CLB, nên hình thành những giải đấu dành riêng cho các CLB có quyết định thành lập chính thức. Ngành thể thao và các liên đoàn cũng nên đề ra quy chế giải quyết thủ tục cho các CLB đi tham dự giải ngoại tỉnh, ưu tiên những đơn vị có quyết định thành lập chính thức.

Bên cạnh ngành thể thao, các địa phương có thể dựa vào đại hội TDTT và các ngày hội thể thao cơ sở để nắm bắt tình hình hoạt động các CLB thể thao, đồng thời thực hiện chính sách khen thưởng các CLB hoạt động hiệu quả, khuyến khích họ phát huy, qua đó quản lý tốt hơn phong trào TDTT cơ sở.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Nắm chắc tình hình, siết chặt quản lý

Siết chặt quản lý, tăng kiểm tra, giám sát (KTGS); chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên (TCĐ, ĐV)… là những mục tiêu đặt ra của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và Thành ủy Huế năm 2024.

Nắm chắc tình hình, siết chặt quản lý
Xây dựng hệ thống quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Chiều 28/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế" do Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh chủ trì thực hiện.

Xây dựng hệ thống quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Return to top