ClockChủ Nhật, 29/06/2014 06:05

Khó vẫn là ở quỹ đất

TTH - Từ 2007, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh ở TP Huế và các vùng phụ cận. Song, từ đó đến nay, việc thực hiện quy hoạch vẫn chưa thể thực thi do quỹ đất thiếu và chưa có địa điểm cụ thể.

Thiếu cả bến lẫn bãi, điểm đỗ xe

Mấy năm trở lại đây, các loại phương tiện ô tô phát triển khá nhanh. Do đó, nhu cầu về việc xây dựng đồng bộ bãi, điểm, bến đỗ xe khá cấp bách. Tuy nhiên, ngoài hai bến xe phía Bắc và phía Nam, TP Huế hiện chưa có một bãi, điểm đỗ xe nào đạt chuẩn. Sau khi tuyến đường Đội Cung hoàn thành, phía cạnh Trường đại học Sư phạm Huế được thiết kế có điểm đỗ xe tạm thời, chủ yếu dành cho xe du lịch. Song, vì quy mô nhỏ cộng với việc có thu phí nên rất nhiều phương tiện, nhất là ô tô loại 4-7 chỗ ngồi, thay vì chọn địa điểm này lại đỗ ở các lề đường và lòng đường lân cận. Đối với các xe loại lớn từ 40-50 chỗ ngồi, hầu như đều phải thuê địa điểm ở Nhà thi đấu trung tâm TP Huế để đậu đỗ.
Bãi đỗ xe Đội Cung chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân
Đối với các loại xe ô tô từ 4-7 chỗ ngồi, kể cả xe của người dân và xe du lịch, hầu như chưa có bãi, điểm đỗ xe nào nên chủ phương tiện thường tiện đâu đỗ đó. Người đi đường dễ dàng nhận thấy, lòng lề đường của rất nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Huế bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe, như Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Trần Thúc Nhẫn...
Khi đường Đống Đa hoàn thành với lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, vỉa hè 6m, có bãi đỗ xe tạm thời được xem là giải pháp hay cho các loại phương tiện ô tô đậu đỗ. Tuy nhiên, theo Phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông Vận tải thì Huế hiện chỉ có mỗi đường Đống Đa là đạt tiêu chuẩn nên có bãi đỗ xe tạm thời, song vẫn không thể giải quyết được tình trạng thiếu bến, bãi, điểm đỗ xe như hiện nay. Việc triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh là vô cùng cấp thiết, trên cơ sở nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân. Không thể xây bến, bãi đỗ xe quá xa trung tâm TP hoặc các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng... Huế là TP du lịch, đa số khách du lịch đến Huế theo đường bộ đều có nhu cầu sử dụng bãi đỗ xe ô tô. Nếu xây dựng bến, bãi quá xa TP Huế hoặc các trung tâm mua sắm, khách sạn, nhà hàng, chắc chắn khách du lịch sẽ không chọn để đậu, đỗ ô tô. Tình trạng đậu đỗ ô tô không đúng quy định như hiện nay khó giải quyết triệt để.
Ưu tiên bố trí quỹ đất
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải trên cơ sở Quyết định 2306/QĐ-UBND ngày 10/7/2007 của UBND tỉnh, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ chỉnh trang và đầu tư xây mới 14 bến xe, gồm cả xe khách và xe tải. Song, ngoài hai bến xe hiện có ở phía Bắc và phía Nam TP Huế, hai bến xe khác chưa có địa điểm cụ thể là Bến xe khách đầu mối phía Bắc và Nam TP Huế. Các bến xe còn lại dù đã có quy mô nhưng cũng chưa có địa điểm, như Bến xe khách Đàn Nam Giao, Bến đỗ xe Chân Mây, Bến xe tải Tây Bắc... Bởi thế, trong cuộc họp gần đây do Sở Giao thông Vận tải chủ trì với các ngành, địa phương liên quan, vấn đề này cũng đã được nêu ra để làm cơ sở báo cáo với UBND tỉnh.
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 22 bãi đỗ xe, trong đó có 13 vị trí đã có đất hiện trạng, chủ yếu là ở các khu vực di tích, như lăng Khải Định, Tự Đức, chùa Thiên Mụ... Song, các bãi đỗ xe này vẫn chưa được xác định ranh giới, trách nhiệm quản lý, khai thác chưa cụ thể, đa phần là do doanh nghiệp đầu tư rồi thu phí hoặc của các đơn vị quản lý di tích thực hiện việc thu phí, quản lý...
Ngoài bến, bãi, điểm đỗ xe, trong hệ thống giao thông tĩnh còn có điểm dừng tạm thời tại các tuyến đường. Nếu giải quyết được vấn đề này, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm bãi đỗ xe như hiện nay sẽ cơ bản được giải quyết. Khó nhất hiện nay là do hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP Huế đều không đạt chuẩn, có lòng đường rộng ít nhất là 10m nên việc triển khai các điểm dừng đỗ tạm thời không thể thực thi. Theo Sở Giao thông Vận tải, giải pháp cho vấn đề này không hẳn là không có. Đó là việc cho cải tạo lại vỉa hè các tuyến đường có vỉa hè rộng, hoặc cho phép đỗ dưới lòng đường ở những tuyến đường có lòng đường rộng, mật độ tham gia giao thông thấp.
“Giải pháp về cả trước mắt lẫn lâu dài là bố trí quỹ đất để thực hiện quy hoạch xây dựng các bến, bãi, điểm đỗ xe. Có như thế, hệ thống giao thông tĩnh mới hoàn thiện, đồng bộ và là giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng thiếu bến, bãi, điểm đỗ xe cũng như tình trạng đậu đỗ ô tô không đúng quy định như hiện nay. Thực tế cho thấy, ở cả hai bờ Nam Bắc, hầu như không còn bất cứ quỹ đất trống nào để xây bến, bãi, điểm đỗ xe. Đây cũng là vòng lẩn quẩn mà nhiều năm nay dù đã có quy hoạch, các đơn vị có trách nhiệm vẫn không triển khai được. Lỗi vẫn là ở những quy hoạch phát triển TP Huế lúc trước không tính đến việc này, nên bây giờ quỹ đất hết, muốn bố trí đất để xây bến, bãi đỗ xe trên nền hiện trạng như hiện nay là điều gần như không thể”. Ông Hoàng Xuân Huy, Phó Phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông Vận tải lo lắng.
Cũng theo ông Huy, nếu có quỹ đất thì việc triển khai xây mới các bến, bãi, điểm đỗ xe nằm trong tầm tay. Đó là nếu có quỹ đất, còn với hiện trạng quỹ đất dành cho việc này gần như bằng 0, thì việc triển khai sẽ khó thực hiện. Vòng lẩn quẩn thiếu đất cho việc thực hiện quy hoạch xây mới các bến bãi, điểm đỗ xe sẽ còn kéo dài đến bao giờ?
Xin nêu ý kiến, giải pháp cho vấn đề này của một người có thâm niên nhiều năm công tác trong ngành quản lý giao thông như một ý kiến tham khảo: Hiệu quả nhất hiện nay là di dời Sân vận động Tự Do về Khu đô thị mới An Vân Dương để lấy quỹ đất đó xây dựng bãi đỗ xe cao tầng. Đây là khu vực đông dân cư, nằm ở trung tâm TP Huế, lại gần nhiều cơ quan, trường học, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi, mua sắm, nên việc xây bãi đỗ xe ở vị trí này rất thuận tiện cho TP du lịch. Hơn nữa, việc di dời Sân vận động Tự Do về Khu đô thị mới An Vân Dương vừa tránh được ùn tắc giao thông mỗi khi có các sự kiện thể thao, bóng đá. Vấn đề thoát nạn, cứu hỏa ở Khu đô thị mới An Vân Dương cũng được đảm bảo, bởi hầu hết các tuyến đường ở đây đều được quy hoạch đạt chuẩn.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top