ClockThứ Tư, 22/03/2017 13:56

Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học: Một địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

TTH - Khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học Huế từ lâu trở thành một địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên miền Trung và cả nước. Nơi đây đã và đang ươm mầm những tài năng về nghiên cứu phê bình, sáng tác và điều hành, quản lý xã hội. Nói về những đóng góp nổi bật của khoa trong 60 năm qua, PGS.TS.Nguyễn Thành, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế khẳng định:

PGS.TS. Nguyễn Thành, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế

Đóng góp lớn nhất của Khoa Ngữ văn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Từ năm 1986 đến nay, trước sự đổi mới toàn diện của đất nước và giáo dục đại học, Khoa Ngữ văn đã thay đổi từ mục tiêu, quy mô đến loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học và của xã hội.

Chất lượng đào tạo gắn liền với tính hiện đại và cập nhật của chương trình đào tạo. Dù hình thức tổ chức đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng đầu vào của sinh viên trong hàng chục năm qua luôn biến động, nhưng khoa luôn đảm bảo được chất lượng đầu ra. Riêng đội ngũ giảng viên, Khoa Ngữ văn vẫn đảm bảo được đội ngũ cơ hữu với 4 PGS-TS, 8 TS, 12 thạc sĩ, trong đó có 7 người đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Để tổ chức tốt việc đào tạo ba bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, khoa đã mời một số chuyên gia đầu ngành từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thỉnh giảng.

Quy mô và loại hình đào tạo tại Khoa Ngữ văn đã có sự phát triển như thế nào để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thưa ông?

Về đào tạo đại học, từ năm 1997, Khoa Ngữ văn bắt đầu đào tạo hình thức chuyên ban (ba năm đầu học chung các khối kiến thức Ngữ văn, năm cuối dành cho kiến thức chuyên ban). Đó là các chuyên ban Báo chí, Hán Nôm. Hình thức chuyên ban này là cơ sở để xây dựng các ngành Báo chí và Hán Nôm sau này. Năm 2002, khoa bắt đầu đào tạo ngành Hán Nôm bên cạnh ngành Ngữ văn. Từ năm 2003, khoa đào tạo khóa đầu tiên ngành Báo chí bên cạnh ngành Ngữ văn và Hán Nôm. Đến năm 2007, khoa đào tạo cùng một lúc 4 ngành cử nhân: Văn học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm và Báo chí. Ngành Ngữ văn tách thành hai là Văn học và Ngôn ngữ học. Để tạo điều kiện cho ngành Báo chí phát triển, từ năm 2010, khoa đề nghị trường cho tách tổ Báo chí thành bộ môn trực thuộc trường và nay đã trở thành Khoa Báo chí - Truyền thông. Vì vậy hiện nay, Khoa Ngữ văn đào tạo ba ngành bậc đại học: Văn học, Ngôn ngữ học và Hán Nôm.

Về đào tạo sau đại học, từ năm 1997, khoa bắt đầu đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ học. Đến năm 2004, khoa chính thức tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành Văn học Việt Nam và Lý luận văn học. Trung bình mỗi khóa đào tạo khoảng 40 học viên. Từ năm 2011, Khoa Ngữ văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo TS với hai chuyên ngành: Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học, trở thành cơ sở đầu tiên ở Trung và Nam Trung Bộ (tính từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) tổ chức đào tạo hai chuyên ngành TS Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học.

Nhìn chung 60 năm qua, nhất là từ năm 1978 đến nay, xét quy mô và các loại hình đào tạo, Khoa Ngữ văn đã có sự phát triển đáng kể. Điều này thật sự có ý nghĩa khi đội ngũ giảng viên cơ hữu của khoa qua các giai đoạn chưa bao giờ đạt đến con số 30.

Sản phẩm đầu ra nói lên chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học. Đối với Khoa Ngữ văn, điều này được thể hiện như thế nào?

Thành tích đào tạo của của khoa trước hết được thể hiện qua những con số. Trong 18 năm trước 1975, Trường đại học Văn khoa Huế đã đào tạo hàng trăm cử nhân văn chương. Trong 40 năm sau 1975 đến nay, Khoa Ngữ văn đã đào tạo được hơn 3.200 cử nhân (tính đến khóa 36), bao gồm cả hai hệ chính quy và vừa làm vừa học. Khoa cũng đã đào tạo được 301 thạc sĩ và  từ 2011 đến nay, đào tạo được 15 TS cả hai chuyên ngành Văn học Việt Nam và Ngôn ngữ học.

Trao bằng tiến sĩ và thạc sĩ năm 2016

Đáng mừng là "sản phẩm đào tạo" của khoa được xã hội thừa nhận. Chỉ tính riêng các thế hệ sinh viên tốt nghiệp Khoa Văn sau 1975, đã có hàng trăm nhà văn, nhà báo, trong đó không ít người đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan thông tin đại chúng, trong các hội văn học - nghệ thuật. Khoa Ngữ văn còn là nơi góp phần đào tạo nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho miền Trung và cả nước. Nhiều cựu sinh viên của khoa có học vị TS, học hàm PGS và hàng trăm thạc sĩ, nhà giáo đang giảng dạy, công tác trong các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Khoa Ngữ văn tự hào có những cựu sinh viên, học viên đã trở thành những người đảm nhiệm các trọng trách trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền của các tỉnh, thành phố, góp phần điều hành và quản lý xã hội ở các địa phương.

Ông có thể cho biết những định hướng lớn của Khoa Ngữ văn thời gian tới?

Với kinh nghiệm đào tạo sau hơn nửa thế kỷ, Khoa Ngữ văn sẽ tiếp tục củng cố những ngành (bậc đại học) được xã hội thừa nhận, mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, quan tâm việc tăng chất lượng tuyển sinh đầu vào. Tiếp tục đầu tư cho đào tạo sau đại học, giữ vững chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, chú trọng việc liên kết đào tạo cao học với một số đại học ở miền Trung. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm việc tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp trường và cấp quốc gia, trong đó ưu tiên những vấn đề có tính cập nhật của lý luận và lịch sử văn học. Hướng đến việc mở rộng trao đổi và hợp tác nghiên cứu, đào tạo với một số đại học trong khu vực.

Để đảm bảo mục tiêu định hướng này, khoa tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đảm bảo đội ngũ cơ hữu luôn có trên 50% tiến sĩ. Bổ sung và hoàn chỉnh chương trình đào tạo tín chỉ cho đào tạo đại học và sau đại học, tăng số học phần tự chọn, chú trọng tính cập nhật. Thúc đẩy việc biên soạn bộ giáo trình của Khoa Ngữ văn. Khoa cũng rất động viên và tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ tu nghiệp hoặc học tập nâng cao trình độ tại các đại học tiên tiến ở nước ngoài.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về số lượng và chất lượng tuyển sinh, về năng lực của đội ngũ, cơ sở vật chất, nhưng với truyền thống và kinh nghiệm cùng sự động viên và ủng hộ của hàng ngàn cựu sinh viên, học viên và của các giảng viên, các nhà khoa học trên khắp mọi miền của đất nước, Khoa Ngữ văn sẽ tiếp tục lớn mạnh, đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và cả nước.   

Xin cảm ơn ông!

Thanh Vân (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Đào tạo phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ cho 65 học viên

Ngày 5/4, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với các chuyên gia là các giáo sư, bác sĩ phẫu thuật tạo hình từ Đại học Stanford, Hoa Kỳ; Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế tổ chức chương trình khóa đào tạo y khoa “Cập nhật về phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ vùng mặt và hàm mặt”.

Đào tạo phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ cho 65 học viên

TIN MỚI

Return to top