ClockThứ Tư, 04/04/2018 13:15

Khoai mài Mỹ Lợi, loại củ “tiến vua”

TTH - Cặm cụi cả buổi, lão nông Đoàn Thừa, 78 tuổi, mới đào được non ba cân khoai mài. Những củ khoai mài Mỹ Lợi da ánh cát ấy sáng bừng lên trong nắng. Ông Thừa xuýt xoa với thành quả của mình mà đâu biết khoai mài Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) từng là loại “củ tiến vua”.

Sóng sánh dầu lạc Mỹ LợiNghĩa Trũng xứ ở Mỹ LợiLàng cổ Mỹ Lợi, nét đẹp một vùng quêCổ tích làng Mỹ Lợi

Ông Thừa vui sướng bên những củ mài

Quà tặng từ rú cát

Ngược TP. Huế về phía đông chừng 30km, Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) là một ngôi làng nhiều rú cát. Năm thôn trên địa phận làng thì đã có bốn thôn giáp biển, rú cát. Rú cát Mỹ Lợi chằng chịt dây leo, um tùm bụi rậm nhưng giấu mình trong nó là cả một kho sản vật quý giá: Khoai mài!

Thuở trước, rú cát của làng Mỹ Lợi có rất nhiều khoai mài. Mỗi năm cứ dịp sau tết đến tháng ba âm lịch, người dân làng Mỹ Lợi lại đến mùa đào loại củ này. Khoai mài Mỹ Lợi từng là loại "củ tiến vua". Ông Nguyễn Hải, cựu trưởng làng Mỹ Lợi, tự hào: “Mỹ Lợi còn lưu giữ 5 tờ thị từ năm 1688 đến năm 1766 về việc tiến vua đặc sản của làng. Nội dung tờ thị ghi rõ chuẩn cho cả phường Mỹ Toàn (tức Mỹ Lợi ngày nay) từ nay về sau theo Nội phủ làm các việc, hàng năm đem nộp củ mài, còn những thứ thuế má tạp dịch đều miễn hết”.

Lặn lội tìm cho ra củ mài ở làng Mỹ Lợi hiện khó vô cùng. Tốc độ đô thị hóa cộng với việc dân số gia tăng khiến rú cát của làng thu hẹp lại đáng kể. Đó là chưa nhắc đến vị ngon hiếm có của loại củ này khiến đội quân săn lùng đặc sản tiến vua ngày càng đông đảo. Tính trên địa bàn năm thôn của xã Vinh Mỹ, hiện chỉ còn rú cát thôn một, thôn hai là có củ mài mà theo lời ông Nguyễn Cà, sinh năm 1948, người đào khoai mài lão luyện tại làng Mỹ Lợi cho rằng “tạm được”.

Loại củ tiến vua này có dáng vẻ và vị ngon rất độc đáo. “Khoai mài Mỹ Lợi mọc nơi rú cát nên củ thường mảnh, thon dài. Củ màu trắng hoặc hơi ngà vàng, vỏ rất mỏng. Chất đất đặc trưng khiến khoai mài Mỹ Lợi nhìn rất khác, “đài các”, "khó chiều hơn”, ông Cà nhận xét. Do nguồn khoai mài của làng Mỹ Lợi đã cạn kiệt từ lâu nên ông Cà phải chuyển địa điểm mưu sinh sang các làng khác. Chiếc xe đạp “cà tàng”, dụng cụ chuyên dùng, gồm thuổng, thùng xốp đựng khoai, bao tải và nước uống, vào mùa cao điểm mỗi ngày ông Cà đào được xấp xỉ 10kg khoai. Ông rong ruổi từ  khu vực gần Thuận An (Phú Vang) xuống tận Vinh Hiền, qua Rẫm (Phú Lộc). Thấy chúng tôi chăm chú, bà Lòn, vợ của ông Cà, khoe: “Chồng tôi đi đào khoai mài từ năm 12 tuổi, gần 60 năm lăn lộn với đất cát, với khoai mài khắp nơi. Nhờ củ mài mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập”.

Ai từng ăn hẳn sẽ không bao giờ quên được vị ngon của khoai mài Mỹ Lợi. Chất đất trắng bong, chắt chiu từng chút từng chút nguồn dinh dưỡng, khoai mài Mỹ Lợi hội tụ tinh túy rú cát. Khoai mang vị dẻo quánh, bùi bùi đặc trưng. Thớ thịt khoai trắng ngà, đậm đà, thơm nồng mùi đất. Những tưởng với vị ngon như thế, hẳn ai cũng khó có thể cưỡng lại, ấy vậy mà chúng tôi phải ngậm ngùi trước sự thật thà của bà Lòn: “Thú thật khoai mài củ 1-2 kg nhà tôi cũng gặp nhiều nhưng nào dám ăn. Khoai mài vùng khác đã khó, khoai mài Mỹ Lợi còn hiếm hơn nữa. Cứ mỗi củ mài chồng mang về, tôi đều bẻ đụt khoai cho đều củ để bán. Số đụt khoai ấy được dồn lại, lúc nào nhiều cả nhà mới mang ra nấu”.

Trăn trở

Khoai mài dùng để ninh xương, nấu cháo hay nấu chè đều là món ngon, bổ dưỡng, đặc biệt và phổ biến nhất là chè khoai mài. Từng thớ thịt khoai được cắt lát cỡ lóng tay, nấu nhừ với đường. Vị ngọt bùi và mùi thơm hiếm có giúp người ăn xua tan mệt nhọc, hương đồng gió nội thấm vào từng ngõ ngách trong tâm hồn.

Ông Đoàn Thừa là một trong những người “chăm chỉ” đào khoai nhất ở làng Mỹ Lợi. Sức khỏe vốn yếu nên ông không thể rong ruổi khắp nơi như ông Cà. Ngày này qua ngày khác của mùa khoai mài, ông có mặt khắp các rú cát trong làng, đào bới từng củ mài, kiếm thêm nguồn thu nhập. “Khoai mài người ta đào nơi khác về củ to, bán được giá. Khoai mài Mỹ Lợi củ nhỏ, bán chỉ bằng hai phần ba giá của họ thôi”, ông Thừa tiếc rẻ.

Có lần chúng tôi gặp ông Lê Sanh, cán bộ văn hóa lâu năm của xã Vinh Mỹ, ông Sanh than thở nhiều nét đẹp văn hóa và đời sống của người làng Mỹ Lợi đang dần mai một. Ngẫm lời ông nói, chúng tôi lại thấy xót xa cho khoai mài Mỹ Lợi, loại củ đặc sản tiếng tăm một thuở. Để duy trì giống khoai này, cần có giải pháp để bảo tồn, hoặc tươi sáng hơn như ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ: “Tôi tin khoai mài Mỹ Lợi có thể được ươm trồng, thậm chí là cho năng suất cao. Như thông tin tôi thu thập được, khoai mài đã được trồng thành công tại một số tỉnh. Đây sẽ là động lực lớn cho bà con nông dân mạnh dạn đổi mới”. Ông Hoàng còn "khoe" đang thử nghiệm trồng khoai mài. Ông cười bảo: “Tôi cũng mê loại củ này lắm!”.

Với danh tiếng sẵn có, nếu khoai mài Mỹ Lợi, loại "củ tiến vua" được trồng và tiêu thụ một cách bài bản, chắc chắn người hưởng lợi không chỉ riêng nông dân.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng làng văn hóa trên giá trị truyền thống riêng có

Sáng 2/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi làm việc nhằm khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.

Xây dựng làng văn hóa trên giá trị truyền thống riêng có
Chuyện khoai mài làng Mỹ Lợi

Từ chi tiết lễ vật dâng cúng đặc biệt ở miếu Bà Trạch Phổ (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, ngày 12-13/2 Âm lịch hàng năm) là cặp cá vược và đọi chè khoai mài, đã giúp chúng tôi gắn kết những biểu tượng văn hóa Đông Nam Á cổ xưa để thấy rõ giá trị độc đáo nó, cô đọng trong tín ngưỡng thờ nữ thần Thiên Y A Na.

Chuyện khoai mài làng Mỹ Lợi
Họ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học

Thành lập Ban Khuyến học khuyến tài từ năm 2000, hơn 20 năm qua dòng họ Đoàn làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) là một điểm sáng trong phong trào xây dựng dòng họ khuyến học của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Họ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học
Trái ngon tiến vua

Dưới chế độ quân chủ phong kiến phương Đông, nhà vua thường được ví là “thiên tử” (con trời), là người thay trời để cai trị thiên hạ, mọi thứ trong thiên hạ đều thuộc nhà vua. Bởi vậy, của ngon vật lạ đều phải dâng tiến lên nhà vua, lệ này đã tồn tại hàng nghìn năm, thậm chí đã được các triều đại luật hóa để ban hành.

Trái ngon tiến vua
Sông núi vẫn như xưa

Sau lưng ngôi chợ quê sầm uất Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) có một ngôi nhà bỏ hoang phế lâu năm. Những mảng tường vỡ nát, trơ các ô, bệ cửa sổ, cửa lớn, những đống gạch ngói nham nhở ngổn ngang khắp gian nhà. Bên cạnh trái là một khối nhà hình tứ giác, cao vọt lên, cũng sập đổ hết mái, nhìn ra một khoảng sân nhỏ có dựng một cái chái trâu, đến hồi xiêu vẹo. Xung quanh sân vườn cỏ dại mọc um tùm, bùn rác lầy lội sau mấy ngày mưa. Thế nhưng, dù trong vẻ đổ nát hoang tàn, người ta vẫn nhìn ra một kiểu nhà đẹp và sang trọng khi xưa, chứng tỏ gia thế vượt trội của chủ nhân. Bên trên cửa chính ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn một bức hoành phi hình cuốn thư đắp nổi cõng trên đôi cánh dơi cùng những nét hoa văn, họa tiết tinh xảo, trên có khắc nổi ba chữ: “Vạn Thế Khang” (Vững mạnh muôn đời). Ngôi nhà mở hướng ra vụng Ông Nghệ, một góc nhỏ Cầu Hai, thu hết mây trời gió nước của cả một vùng mênh mông đầm phá.

Sông núi vẫn như xưa
Return to top