ClockThứ Bảy, 16/06/2018 11:16

Khoán & động lực để thực hiện khoán

TTH - Phương thức khoán bao giờ cũng có tính ưu việt. Đơn giản là nếu khoán hợp lý sẽ tạo ra động lực để tiết kiệm, tăng hiệu suất công việc. Nói cách khác là vừa tiết kiệm được chi phí (có thể là tiền bạc, thời gian, nguồn nhân lực…) và vừa được lợi.

"Đây là thời điểm để tìm ra động lực mới"Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chungTiếp tục đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

 

Có lẽ ai cũng biết khoán 10 trong nông nghiệp. Cũng là đồng ruộng ấy, con người ấy khi làm ăn tập thể thì èo uột nhưng khi khoán cho từng hộ gia đình là ngay lập tức năng suất và sản lượng tăng lên. Đơn giản là quyền lợi của người nông dân gắn chặt hơn với hiệu quả trồng trọt.

Đó là câu chuyện cách đây hơn 30 năm. Còn bây giờ, rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất, đặc biệt là trong các doanh nghiệp đã được tính toán rất kỹ và khoán cho từng bộ phận lao động, cho đến từng người quản lý và người lao động.

Ở khu vực tư, việc sử dụng nguồn nhân lực và vật lực thường tiết kiệm hơn rất nhiều đối với khu vực công. Vì sao vậy? Vì ít nhất là ở hai vấn đề sau: tính chất sở hữu và quyền lợi. Đối với khu vực tư, sở hữu là sở hữu tư, nói nôm na là “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên họ phải tính toán sử dụng một cách hiệu quả nhất. Một trong những phương thức quản lý hiệu quả là khoán sản phẩm. Ví dụ một người thợ nề, một ngày anh phải xây dựng được bao nhiêu m2 tường cho một công trình nào đó. Với định mức này, anh sẽ được trả tiền công 300 ngàn đồng (chẳng hạn). Nếu làm vượt định mức thì anh sẽ được hưởng thêm phần vượt và về lâu dài sẽ được tăng lương, bởi người quản lý lao động cần những người làm việc hiệu quả như vậy. Ngoài người lao động có lợi thì năng suất xây dựng đạt được như vậy thì nhà thầu (người quản lý) cũng có lợi (không để thất thoát ngày công). Chính vì ai cũng có lợi nên họ mới có động lực khoán.

Đối với lĩnh vực công, do cung cách quản lý, tính chất sở hữu, quyền lợi được hưởng, có vẻ như ít hấp dẫn nên người ta ít có động lực để tiết kiệm. Từ đó dẫn đến ít đề ra phương thức khoán triệt để và thực hiện khoán. Đề án Vị trí việc làm mà Bộ Nội vụ đã ban hành cách đây mấy năm, thực chất là hướng đến khoán công việc và chi phí cho công việc (gồm cả nhân lực và vật lực) nhưng cuối cùng vẫn chưa thực hiện được. Ở đây có một lý do là độ phức tạp của những công việc công khó có thể lượng hóa được nhưng một phần quan trọng là những người quản lý (ở cấp thực hiện) và người lao động không có động lực. Chẳng hạn như một công việc như vậy, về thực chất chỉ cần 2 người là có thể đảm nhận được. Nhưng khi xây dựng đề án công việc, đơn vị xây dựng đề án công việc mô tả phóng đại độ phức tạp của công việc hơn, và bố trí đến 3 người. Tất nhiên khi làm như vậy, cả kinh phí nhà nước và bộ máy không giảm đi mà lại phình to ra. Vì sao họ lại làm như vậy? Vì họ không có động lực để tiết kiệm, trong khi đó công tác quản lý ở tầm vĩ mô thiếu chặt chẽ.

Công việc trong quản lý Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước có thể một số lĩnh vực có độ phức tạp, song vẫn có thể lượng hóa được. Một khi có đủ quyết tâm chính trị và có đủ quyết tâm thực hiện khoán thì chúng ta sẽ tìm được phương thức tốt nhất để lượng hóa công việc; từ đó sẽ bố trí số lượng và chất lượng (năng lực) con người đủ và phù hợp; bố trí nguồn kinh phí phù hợp.

Mới đây nhất, sau một năm thực hiện khoán xe công tại Sở Tài chính Thừa Thiên Huế, tính toán lại, tổng chi phí cho xe công giảm đến 34,5%. Con số tuyệt đối là giảm gần 170 triệu. (Sẽ khoán xe công đại trà từ 2019 - Báo Thừa Thiên Huế số 7305 ngày 6/6/2018). Cũng theo nguồn tin này, nếu cả tỉnh thực hiện khoán xe công, mỗi năm toàn tỉnh sẽ tiết kiệm được từ 10 – 15 tỷ đồng.

So với hàng ngàn tỷ đồng thu ngân sách hàng năm thì mười mấy tỷ đồng không phải là con số lớn. Nhưng nếu một số lĩnh vực khác cũng được tính toán để khoán thì chắc chắn con số tiết kiệm được là hoàn toàn không hề nhỏ. Nhưng điều có ý nghĩa nhất có lẽ là thực hiện được một phương thức sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội
Return to top