ClockThứ Bảy, 10/02/2018 13:06

Khoảnh khắc hào hùng

TTH - Trong bộ phim tài liệu lịch sử “Những hình ảnh chiến thắng Tết Mậu Thân 1968” có cảnh quay cờ Mặt trận liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình bay trên đỉnh cột cờ Kỳ đài Huế vào sáng ngày mồng Hai Tết. Ai đã có mặt kịp thời để quay được những thước phim quý giá đó? Người ấy là chiến sĩ Đặng Xuân Hải, phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của Quân khu Trị Thiên.

Phóng viên Báo Cờ Giải Phóng trong Tết Mậu Thân 1968Cần có cái nhìn khách quan về Mậu Thân 1968 ở HuếNgười nổ phát súng đầu tiên trong Tết Mậu Thân 1968 ở Phong ĐiềnMùa xuân quật khởi hào hùng

Những người từng tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại mặt trận Trị - Thiên Huế trong ngày hội ngộ. Ảnh: Phan Thành

Sau khi được học lớp quay phim, chụp ảnh do Ủy ban Thống nhất Trung ương tổ chức năm 1966, Đặng Xuân Hải trở thành phóng viên của Quân khu Trị Thiên. Đầu năm 1968, Đặng Xuân Hải được giao nhiệm vụ đi với một tiểu đoàn bộ binh chủ lực của quân khu, tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, tiến vào TP. Huế. Ngoài quân trang, quân dụng của một chiến sĩ ra trận, Đặng Xuân Hải còn có “vũ khí” là máy ảnh, máy quay phim cùng 600 mét phim nhựa. 

Chiều mồng Một Tết, quân ta được thông báo giờ G nổ súng tiến vào TP. Huế, ai cũng phấn chấn. Giờ G được ấn định là 2 giờ 30 phút ngày mồng Hai Tết, tức ngày 31/1/1968. Chập tối ngày mồng Một Tết, các đơn vị của ta rời vị trí tập kết, hành quân trong đêm.

Trời đổ mưa nhỏ. Đến nửa đêm, quân chủ lực đã áp sát vùng ven TP. Huế. Đúng giờ quy định, tất cả các hướng, quân ta đồng loạt nổ súng. Mũi xung kích dùng bộc phá mở cửa Chánh Tây của kinh thành Huế, các đơn vị ào ạt xung phong, tấn công vào Thành nội. Chiến sĩ trẻ, phóng viên Đặng Xuân Hải tiến lên theo đội hình đơn vị bộ binh, đã ghi lại kịp thời những cảnh hào hùng, sống động của những phút đầu tiên quân ta tiến công vào TP. Huế. Tiếp đó Đặng Xuân Hải được chiến sĩ Vấn là liên lạc của tiểu đoàn dẫn đường theo một mũi tiến công đến sân bay Tây Lộc. Ở đây, Đặng Xuân Hải đã quay được cảnh quân ta bắn cháy máy bay trinh sát địch ở sân bay, cảnh bắt tù binh… Một mũi tấn công của quân ta đã chiếm được Kỳ đài Huế. Được tin, Đặng Xuân Hải kịp thời có mặt ở Kỳ đài đúng vào lúc các chiến sĩ ta đang khẩn trương chuẩn bị kéo lá cờ lên đỉnh cột cờ. Đây quả là thời cơ hiếm có của người phóng viên chiến trường. Đặng Xuân Hải đã quay trực tiếp cảnh từ người chiến sĩ buộc cờ, kéo cờ đến cảnh cờ tung bay trên Kỳ đài giữa bầu trời xuân vào sáng ngày mồng Hai Tết Mậu Thân 1968.

Người chiến sĩ- phóng viên Đặng Xuân Hải còn bám trụ ở thành nội Huế để làm nhiệm vụ người quay phim, nhiếp ảnh chiến trường. Tuy nhiên, sau một thời gian choáng váng, kẻ địch tổ chức phản kích. Chiến sự ngày càng ác liệt. Khoảng một tuần sau khi có mặt ở TP. Huế, Đặng Xuân Hải bị thương nặng. Đạn pháo địch làm anh gãy một tay và một chân. Chiếc máy ảnh cũng bị vỡ nát. Rất may là chiếc máy quay phim và những thước phim anh quay được còn nguyên vẹn. Đặng Xuân Hải được những thanh niên tình nguyện Huế cáng về trạm quân y ở chiến khu để chữa trị vết thương.

Những thước phim mà Đặng Xuân Hải cùng với các thước phim của các đồng nghiệp ở Sài Gòn và các chiến trường khác ở miền Nam trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 đã gửi ra miền Bắc và đã dựng thành phim tài liệu quí giá. Đó là bộ phim tài liệu “Những hình ảnh chiến thắng Tết Mậu Thân1968”. Một trong những hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ đó là cờ Mặt trận hiên ngang tung bay trên đỉnh cột cờ Kỳ đài Huế. Về sự kiện này, tướng Oét-mô-len (Mỹ) đã viết: “Đây là lần đầu tiên cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên Kỳ đài Cố đô trong cuộc chiến tranh”. Trong Liên hoan phim quốc gia được tổ chức sau đó, những  tác giả  quay  bộ phim tài liệu quý giá ấy đã được tặng giải thưởng Đặc biệt.

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Đặng Xuân Hải được vào học ở Trường Điện ảnh Việt Nam. Sau khóa học, anh lại vào chiến trường miền Nam, làm phim trong các chiến dịch lớn như: Đường Chín- Nam Lào, Khe Sanh- Quảng Trị 1972 và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975. Đặng Xuân Hải nổi tiếng ở nhiều bộ phim quay ở chiến trường trước 1975. Sau năm 1975, anh tiếp tục thành công trong nhiều bộ phim tài liệu khác với những đề tài rộng mở hơn.

Năm 1989, Đặng Xuân Hải  được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, đại tá, Giám đốc Xưởng phim Quân đội.

MINH KHIÊM 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ

Trải qua nhiều năm tháng, những người đã sống và dấn thân trong phong trào học sinh - sinh viên (HSSV), phong trào đấu tranh đô thị ở Huế thập niên 60, 70 như nhà thơ Võ Quê vẫn nhớ như in những hồi ức hào hùng. Đó là những năm tháng xuống đường “đấu tranh không ngủ”.

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ
Ký ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sử

Mỗi dịp kỷ niệm đại thắng mùa Xuân năm 1975, thế hệ cha ông lại bồi hồi nhớ về những năm tháng chiến đấu giành độc lập. Trong những trang vàng lịch sử dân tộc đó, không thể không kể đến lực lượng thanh niên, sinh viên và học sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Ký ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sử
Hào hùng "Giai điệu Tổ quốc"

Tối 29/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc".

Hào hùng Giai điệu Tổ quốc
Trung Quốc và ASEAN chung tay thúc đẩy “khoảnh khắc châu Á” trong quản trị toàn cầu

Từ ngày 14 - 19/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 diễn ra tại Bali (Indonesia) và Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).

Trung Quốc và ASEAN chung tay thúc đẩy “khoảnh khắc châu Á” trong quản trị toàn cầu
Return to top