ClockThứ Hai, 24/06/2019 15:00

Khởi nghiệp trong sinh viên: Hướng đến thực tiễn và khả thi

TTH - Không chạy theo phong trào, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (KN) của sinh viên (SV) Huế dần chú trọng hơn tính thực tiễn và khả thi, nhờ thế tăng cơ hội thành công.

Tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệpKhởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Quan trọng là nhu cầu tự thânKhởi nghiệp từ những “đại sứ”… sinh viên

Việc liên kết thành viên có chuyên môn khác nhau giúp các dự án khởi nghiệp của sinh viên được đầu tư kỹ hơn

Đổi thay cách làm

Đại học (ĐH) Huế vừa liên tiếp tổ chức hai cuộc thi về KN là “Business Innovation Hackathon” và “Ý tưởng KN đổi mới sáng tạo ĐH Huế năm 2019”. Đáng chú ý, các ý tưởng, dự án ở cả hai cuộc thi được chuyên gia về KN trong toàn quốc đánh giá cao; một số dự án như “Healthy Drink”, “Cơm niêu Phước Tích” còn được doanh nghiệp cam kết đầu tư. Ngay cả dự án “Save Blood - kết nối và lưu trữ thông tin ngân hàng máu sống”của SV ĐH Huế tham gia cuộc thi Ý tưởng kinh doanh - Business Ideas 2019 tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh cũng được doanh nghiệp trong nước cam kết đầu tư 200 triệu đồng.

Chuyện SV khởi nghiệp không mới, nhưng để lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư là điều đáng để chia sẻ. Lâu nay, do chú trọng học tập chuyên môn và thiếu môi trường rèn luyện kỹ năng KN nên không ít ý tưởng, dự án của SV dừng lại ở mức tham gia các cuộc thi, khó bước ra thị trường. Thậm chí, không ít ý tưởng, dự án KN của SV tham gia các cuộc thi còn mang tính hình thức, phong trào.

Tại sao có thành công? TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN và đổi mới sáng tạo ĐH Huế lý giải, ngoài sự hướng dẫn, tập huấn của trung tâm thì việc liên kết thành viên, xây dựng nhóm KN là sự thay đổi tích cực. Khác với giai đoạn trước, SV thường kết nối thành viên cùng trường hay quen biết nhau để thực hiện dự án KN thì hiện nay họ biết cách tận dụng lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐH Huế, kết nối thành viên từ ít nhất là 3 cơ sở đào tạo trở lên.

Điển hình như dự án “Save Blood - kết nối và lưu trữ thông tin ngân hàng máu sống” có thành viên từ nhiều trường như y dược, khoa học, sư phạm, kinh tế, đáp ứng các mảng liên quan để xây dựng một dự án KN. “Nhiều thành viên giỏi, có thế mạnh, chuyên môn khác nhau sẽ phụ trách, đảm nhận các mảng khác nhau và cùng nghiên cứu, thảo luận. Dự án KN không chỉ cần có ý tưởng tốt mà phải biết cách marketing, thậm chí ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển”, Trương Quốc Huynh, thành viên nhóm Save Blood nói.

Điều đáng mừng là SV biết cách tránh “giẫm chân cùng chỗ”. Trước đây nhiều nhóm SV có thói quen lựa chọn hướng KN tập trung vào du lịch và công nghệ thông tin vì đây là hướng KN phổ biến, có các mô hình KN tương tự để học hỏi. Song, chính vì cùng “chen chân” vào cùng một lĩnh vực nên tính cạnh tranh rất lớn và với kinh nghiệm còn hạn chế, SV rất khó để sáng tạo, nghiên cứu ra những ý tưởng mang tính đột phá. Hiện nay, với sự hình thành các nhóm KN khá chất lượng, SV đã thoát được “lối mòn” trong tư duy lựa chọn ý tưởng dự án. Đơn cử năm nay có khá nhiều dự án của SV khởi nghiệp về y tế, giáo dục, ẩm thực, công nghệ… như “Cơm niêu Phước Tích”, “Gender – giáo dục kỹ năng thông qua trò chơi”, Thiết bị lọc nước ngầm bị nhiễm vôi”, “Healthy Drink – Thức uống cho sức khỏe”…

Trình bày ý tưởng khởi nghiệp tại cuộc thi do Đại học Huế tổ chức

Tiếp tục định hướng

Có ý tưởng tốt, dự án khả thi, được nhà đầu tư “để mắt” mới chỉ là tín hiệu vui ban đầu trong phong trào KN của SV. Khởi nghiệp không dễ thành công. Đối với lực lượng SV, cơ hội đi đến đích khó hơn, do họ thiếu kinh nghiệm, hạn chế kỹ năng và thiếu sự kiên trì, bản lĩnh mỗi lần gặp thất bại. Minh chứng là các năm trước, có một số ý tưởng, dự án KN của SV khá tốt, đạt giải cao song sau khi kết thúc các cuộc thi, đáng tiếc là SV không theo đuổi đến cùng hoặc gặp một vài thất bại rồi bỏ cuộc.

ĐH Huế đã thành lập Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo, đồng thời có những hoạt động ươm tạo các dự án. Ngoài ra, thường xuyên kết nối các doanh nghiệp, chuyên gia KN và nhà đầu tư. Đó là môi trường tốt để các nhóm SV với các dự án KN phát triển. Vấn đề là trong KN, các ý tưởng, dự án dù tốt khi bước ra thị trường cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, vì vậy rất cần những định hướng về cả chuyên môn lẫn tâm lý, thậm chí có thể nghiên cứu, tập huấn cách đối mặt, giải quyết những khó khăn, thất bại để SV có thể đưa dự án của mình đi đến đích.

Với sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phong trào KN tại các trường học với Đề án “Hỗ trợ học sinh, SV khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sự hình thành hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo mạnh mẽ của Huế và ĐH Huế, thời gian tới sẽ có thêm nhiều cuộc thi KN lớn. Điều cần chú ý là bên cạnh những dự án KN đã có “hình hài” và đang ươm tạo, cũng cần tiếp tục có định hướng cho các nhóm, dự án KN mới, chú trọng tính thực tiễn và khả thi để KN trong SV không chạy theo hình thức, phong trào mà thực sự có hiệu quả.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho vụ trồng rừng năm 2024, với mục tiêu cùng cả nước hoàn thành chương trình “Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Hướng đến mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh
Return to top