ClockThứ Bảy, 27/04/2013 13:03

Khôi phục & phát triển những mảng xanh cho Huế

TTH - Thành phố Huế được mệnh danh là một trong những đô thị có mật độ cây xanh cao nhất, với nhiều chủng loại phong phú, đặc trưng riêng gắn với từng tuyến đường.

Cây xanh - kiến trúc cho đô thị Huế

Gắn liền với lịch sử của vùng đất Cố đô, hệ thống cây xanh ở Huế đã “sống cùng” tên tuổi của từng con đường, tuyến phố và trở thành những địa danh quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân xứ Huế. Đường Lê Duẩn xưa nay có tên gọi khác là đường “Phượng bay” bởi hai bên được trồng toàn cây phượng; đường hàng muối (hay còn gọi là cây nhội) trên đường Đoàn Thị Điểm; đường cây nhãn dọc Đinh Tiên Hoàng; bến me bên bờ sông Hương... Những cái tên đó không tự nhiên mà có mà phải qua hàng chục, hàng trăm năm nhờ có sự tác động của bàn tay con người.

Nhiều cô dâu chú rể chọn công viên làm nơi chụp ảnh cưới

Hệ thống cây xanh của thành phố Huế hiện có 64 chủng loại với hơn 62.500 cây xanh do Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý. Trong đó, 410 cây xanh ở các đường phố, công viên, điểm xanh có độ tuổi trên 50 năm như nhạc ngựa, bồ đề, nhội (muối), đoát, me, nhãn, long não... Để chủ động và nhân giống trồng đại trà, Trung tâm hiện có các vườn ươm ở Thủy Xuân, Hương An, Hương Long với diện tích khoảng 16 ha gồm 52 chủng loại.

Ngoài diện tích cây xanh trên từng tuyến phố, trong công viên... được nhân tạo hóa, các khoảng không gian chiếm cứ bởi cỏ cây, sông nước và rừng đồi tồn tại tự nhiên, như chưa hề được quy hoạch cũng đóng góp không nhỏ vào những mảng xanh cảnh quan vô cùng đẹp cho T.P Huế. Ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (CVCX), người gắn bó khá lâu năm với cây xanh của Huế tâm đắc: “Mật độ cây xanh ở T.P Huế được xếp vào hàng nhất nhì của cả nước, đạt tỷ lệ 14,8 m2/người. Nếu tính cả diện tích thảm cỏ, sông nước, rừng cảnh quan thì mật độ cây xanh phải đạt đến tỷ lệ 20 m2/người. So với các thành phố khác, Huế có chủng loại cây xanh phong phú nhất, được trồng không quá hai loài cây trên một tuyến đường, trừ những tuyến đường quá dài”.

Cùng với hệ thống cây cổ thụ như nhạc ngựa, thốt nốt, bồ đề, me, nhãn, xà cừ... đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay, những năm trở lại đây, Trung tâm CVCX đã đưa vào trồng nhiều chủng loại cây mới, có sắc hoa đẹp, hương thơm trên nhiều đường phố Huế. Dọc hai bên đường Lý Thường Kiệt nay đã được thay bằng loài cây mới có tên gọi so đo cam với màu hoa khá đẹp, gây hiếu kỳ cho người qua đường. Nhiều tuyến đường cũng đã nở rộ những nhành hoa “bói” được du nhập cả trong và ngoài nước. Đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng điệp màu hồng phấn, màu vàng của cây muồng hoa đào, ô môi, muồng xiêm. Các điểm nhấn của cầu Dã Viên có hoa gạo miền Bắc. Công viên Phú Xuân có chuông vàng. Đường Trịnh Công Sơn có cây đuôi công hoa vàng... Đặc biệt là giống cây mưa cầu vồng được đưa từ Hawai: về cũng đã được trồng thử nghiệm tại một số điểm ở đường Lê Lợi, Trần Cao Vân. Sắp tới, trung tâm sẽ quy hoạch trồng đặc trưng cho một tuyến đường chính. Ngoài ra, những giống cây có tên gọi lạ khác như lâm phượng vỹ, osaka... cũng đang được các vườn ươm của Trung tâm nhân giống để đưa ra đường phố trong nay mai.

Tôn trọng tính lịch sử, hoàn cảnh môi trường

Không phải ngẫu nhiên mà từ thời Pháp thuộc, cây long não được đưa vào trồng trên tuyến đường Lê Lợi, nơi có Bệnh viện Trung ương Huế đóng đô. Bởi đặc trưng của giống cây này là có chức năng hút mùi, xử lý khí độc. Hay tuyến đường Đoàn Thị Điểm chạy dọc Đại Nội Huế được trồng giống cây nhội có chức năng hút bụi rất cao. Hai bờ sông Đông Ba với những cây bồ đề cổ thụ có độ tuổi trên 60 năm. Dọc đường Đinh Tiên Hoàng là những gốc cây nhãn được trồng để phục vụ ẩm thực cho vua chúa ngày xưa. Ở công viên Thương Bạc - Phu Văn Lâu nay vẫn còn những cây thốt nốt trồng từ thời Pháp, cây nhạc ngựa có độ tuổi trên 100 năm.

Sau một thời gian ươm trồng đủ độ tuổi, kích thước, cây giống được đưa đi trồng đại trà ở các đường phố

Để phục hồi những giống cây đã “đi cùng năm tháng” với Huế, thay thế những cây tạp không đúng chủng loại, Trung tâm CVCX trồng phục hồi nguyên trạng một số giống cũ như cây nhội ở đường Đoàn Thị Điểm, đường Hùng Vương; cây đoát ở đường Đống Đa, công viên Kim Đồng; cây long não ở đường Lê Lợi, cây phượng vàng, phượng đỏ ở đường Lê Duẩn, gội tía ở đường Xuân 68, Phạm Hồng Thái...

Trung tâm CVCX đang tích cực đánh thứ tự số cây, lập dữ liệu, để tạo thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý. Trên cơ sở đó phục vụ cho việc xây dựng bản đồ GIS quản lý hệ thống cây xanh, kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa qua mạng trong thời gian tới.

Nhiều thành phố, diện tích mảng xanh đang “teo” dần, phá vỡ sự cân bằng sinh thái, nhưng Huế thì khác, những công trình luôn bị che phủ bởi hệ thống những hàng cây cổ thụ. Nhưng một điều lạ là hiện nay, một số gia đình, học sinh, sinh viên không những không trân trọng, quan tâm bảo vệ cây xanh mà còn cố tình chặt phá, đóng đinh, dán giấy rao vặt, treo am thờ lên cây xanh, vừa làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Một số đơn vị thi công các công trình hạ tầng dưới đất cũng như trên không vẫn chưa có sự phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh, gây hư hại, làm cho cây mất cân đối... Đây cũng là mối trăn trở, lo lắng của những người trong cuộc.

Một bất cập chi phối đến việc bảo tồn và phát triển cây xanh ở một số khu vực hiện nay là do quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng mọc lên, quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ và việc người dân, chủ đầu tư ở các khu đô thị mới trồng cây xanh không tuân thủ quy hoạch, đúng kích thước cây và thời gian bảo hành ngắn. Điều này làm ảnh hưởng đến tổng thể chung của hệ thống cây xanh và gây khó khăn cho công tác chăm sóc, bảo dưỡng. Theo ông Phan Đình Ngôn, cây muốn đẹp đòi hỏi hạ tầng phải đẹp, đồng bộ, có lề đường, bó vỉa, có quy hoạch ô trồng cây xanh hẳn hoi. Việc chọn giống cây trồng cũng rất quan trọng, phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, bố trí các loại cây xanh phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, hệ thống hạ tầng, tính chất đặc trưng của từng đường và phải tuân thủ theo quy định Nghị định 64 của Thủ tướng Chính phủ về kích thước, chủng loại cây.

Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

TIN MỚI

Return to top