ClockThứ Ba, 16/10/2018 17:57

Không bao giờ cũ...

Nội tôiNhớ bà

Thằng bé cứ vùng vằng nhăn nhó không chịu mặc áo, chiếc nào mẹ nó mang ra nó cũng chê xấu, chê cũ. Vợ chồng anh chị vừa dỗ dành con, vừa cười ra vẻ hài lòng. Thằng bé như vậy là đã bắt đầu khôn ra, biết mới biết cũ, biết xấu biết đẹp... Là người chứng kiến, tôi cũng cười... đối ngoại, nhưng lòng lại vẩn vơ nhớ về ba tôi.

Lúc sinh thời, thỉnh thoảng ông vẫn dạy mấy chị em tôi phải biết “mặc áo cũ, áo vá cho quen”, cho dù chúng tôi có người mẹ tảo tần lại có tay buôn bán, nên mấy chị em tôi chưa phải chịu cảnh thiếu thốn bao giờ. Ba tôi bảo, chính ông, thuở nhỏ vẫn thường được ông nội dạy như vậy. Thế hệ của ba tôi phải trải qua rất nhiều biến động, bãi bể nương dâu chỉ là trong thoáng chốc. Nạn đói 1945, rồi “thời kỳ chín năm” hễ có Tây đi càn là nhà cửa, áo quần bị đốt sạch, ba tôi và mấy người em phải nắm triêng gióng của mẹ chạy loạn hết làng này sang làng khác. Cái ăn thì có lúc có khoai với sắn cũng đã là quý lắm rồi. Lớn một chút, ba tôi được cha mẹ gửi lên phố học nghề. Tiếng học nghề, nhưng kiêm luôn cả người giúp việc cho nhà thầy. Mà hồi ấy ai đi học nghề cũng thế cả. Nhà thầy cũng nghèo, cũng thiếu trước hụt sau, phận học trò dĩ nhiên làm sao đầy đủ. Ba tôi luôn chờ mong đến tết, để được thăm nhà, và để được mạ mua cho chiếc quần đùi dài hơn, dày hơn một tí mặc cho đỡ lạnh trong tháng giá ngày đông. Những năm ấy, ông tôi theo kháng chiến đi biền biệt, không có cha bên cạnh, trong nhọc nhằn khốn khó, ba tôi chợt hiểu và càng thấy thấm thía lời dạy của cha mình. Cũng từ lời dạy đó, chuyện ăn mặc của ba tôi không bao giờ cầu kỳ, sang cũng được mà tuềnh toàng cũng chẳng sao, miễn rằng phù hợp. Ba tôi cũng làm đủ mọi việc, không nề hà nặng nhọc, khó khăn. “Ăn mặc cũng vậy mà công việc cũng thế, phải trải hết, phải quen hết thì mới không hụt hẫng, không buông xuôi gục ngã, ở đâu cũng sống được, trước bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sống được.”- Ba tôi vẫn thường tỉ tê khi tôi phụ giúp ông cùng làm việc này việc khác.

Bây giờ nếu khuyên như thế, không chừng có người, nhất là các bạn trẻ sẽ cho rằng... hâm. Ừ, thì có thể rằng hâm, nhưng với riêng tôi, đó mãi mãi vẫn là một triết lý sống không bao giờ cũ.

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top