ClockThứ Bảy, 19/09/2015 16:45

Khống chế dịch sốt xuất huyết

TTH - Dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát ở các tỉnh, thành phía nam và ở Thừa Thiên Huế cũng đang xuất hiện bệnh dịch này. Nhờ chủ động phòng chống kịp thời, đến thời điểm này, dịch đã được khống chế.

Diễn biến phức tạp

Ở Vinh Hưng (Phú Lộc), địa bàn ven đầm Cầu Hai từ đầu tháng 8 đến nay đã phát hiện 8 trường hợp mắc dịch SXH; trong đó, có 3 trường hợp dương tính. Đầu tiên là bà Huỳnh Thị Vang 55 tuổi, thôn Phụng Chánh. Sau khi thăm người thân ở Đồng Nai trở về, bà Vang bị sốt cao, ói mửa được gia đình đưa đến Phòng khám Đa khoa khu 3 (Phú Lộc). Khi khám, xét nghiệm, cán bộ y tế xác định bà mắc dịch SXH nên tích cực điều trị. Sau một tuần, sức khỏe bà Vang ổn định. Bác sĩ Trần Đình Ánh, Trưởng Trạm y tế Vinh Hưng cho biết, tại thời điểm bà Vang điều trị bệnh, trên địa bàn phát hiện nhiều ca bệnh SXH nên trạm phối hợp với ban ngành chức năng chủ động phun hóa chất, khoanh vùng dập dịch; đồng thời mở chiến dịch thau vét bọ gậy, lăng quăng, ruồi muỗi khắp các thôn. Đến nay, trên địa bàn chưa phát hiện thêm ca bệnh mới.
Các địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch SXH, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo phun hóa chất, dập dịch kịp thời
Cùng thời điểm dịch SXH xảy ra ở Vinh Hưng, rải rác một số địa phương, như thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Bổn... có nhiều trường hợp nhập viện với triệu chứng sốt cao kéo dài, người đờ đẫn, khó thở... Qua xét nghiệm đã có 6 trường hợp mắc dịch SXH dương tính. Bác sĩ Nguyễn Văn Huynh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc cho biết, thống kê từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn xảy ra 16 ca SXH. Hầu hết đều được phát hiện sớm, nhập viện kịp thời nên được điều trị ổn định sức khỏe. Từ ngày 11/9 đến nay, Bệnh viện Phú Lộc chưa tiếp nhận thêm trường hợp mắc bệnh SXH.
Tại huyện miền núi Nam Đông, gần đây lại xuất hiện dịch SXH, với gần 10 trường hợp phải nhập viện. Trung tâm Y tế huyện Nam Đông phối hợp các ban ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống SXH trên các địa bàn xã, thị trấn, như phun hóa chất, tiến hành thau vét bọ gậy, loăng quăng, muỗi nhằm tránh nguy cơ dịch SXH bùng phát trên diện rộng.
Tích cực phòng chống
Bác sĩ Nguyễn Văn Huynh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, người có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch cho rằng, với SXH, cần lưu ý cơ chế bệnh sinh và phòng chống dịch. Để giải quyết điều trên, nhân viên y tế địa phương phải bám sát tình hình cụ thể để không chỉ xử lý, cấp cứu khi có bệnh nhân mà còn lượng đoán được tình huống, cùng với người dân địa phương phòng chống dập dịch. Điều thành công nhất, sau khi có thông tin SXH xuất hiện ở Vinh Hưng, lãnh đạo huyện đã mở hội nghị chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các xã thị trấn, người dân địa phương vào cuộc phòng chống dịch SXH như, phun hóa chất, khoanh vùng dập dịch, tuyên truyền vệ sinh ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường... Bác sĩ Huynh nhận định: “Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo huyện, các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai, hy vọng dịch SXH sẽ không lan rộng trong thời gian đến”.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn xảy ra hơn 25 ca SXH, chủ yếu ở huyện Phú Lộc, Nam Đông. Con số này tăng gần 4 lần so với 7 tháng đầu năm 2015 và cao nhất so với từ trước đến nay ở Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân chính do vào thời điểm giao mùa, thời tiết nắng mưa thất thường; một số bà con đi thăm người thân, hoặc làm ăn ở các tỉnh phía nam, từ nước ngoài mang bệnh về làm lây lan trong cộng đồng.
Ngay khi bệnh SXH xuất hiện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo các trung tâm y tế tăng cường giám sát ở bệnh viện và cộng đồng. Cán bộ trung tâm trong quá trình giám sát cơ sở trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn tuyến huyện, tuyến xã theo hình thức “xoá trắng ổ dịch”. Đặc biệt, chỉ đạo các cơ sở chủ động phun hoá chất phòng dịch ở địa bàn có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ và đã xảy ra SXH để kiểm soát khoanh vùng, xử lý khống chế triệt để.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, đáng mừng là những cơn mưa lớn gần đây phần nào đã rửa trôi các mầm mống nẩy sinh dịch SXH. Tuy nhiên vẫn không chủ quan, các ban, ngành chức năng và người dân địa phương hiện nay cần triển khai chiến dịch mới ra quân vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, ao mương cống rãnh; các vật dụng chứa nước sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng để loại trừ loăng quăng, ruồi muỗi phát sinh dịch SXH...
Các biện pháp phòng chống bệnh SXH (theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh)
- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, mương thoát nước, máng gia súc, gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt loăng quăng vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
- Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top