ClockThứ Ba, 12/04/2016 06:00

Không chủ quan với dịch bệnh mùa hè

TTH - Hiện nay là lúc giao mùa, nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển; nhất là bệnh cúm, hô hấp, sởi, tiêu chảy, sốt xuất huyết (SXH)...Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cần luôn được quan tâm.

Các tuyến đều ổn định

Bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phong Điền cho biết, sau Tết Bính Thân đến nay, cùng với công tác khám, chữa bệnh cho người dân, BV huyện thực hiện tốt tuyên truyền vận động người dân các xã, thị trấn triển khai phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Cùng với đó, duy trì công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Từ việc chủ động, thời gian qua, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn. Các bệnh thông thường, như đau mắt, cảm cúm đều phát hiện, điều trị kịp thời.

Kiểm tra đo chỉ số muỗi ở giếng khơi trên địa bàn Hương Thủy 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các xã ven phá, biển huyện Phú Lộc, Phú Vang cũng tương đối ổn định. Hàng tháng, chỉ rải rác xuất hiện một vài ca bệnh cúm, SXH. Đơn cử xã Vinh Hưng, năm 2015 có gần 10 ca mắc dịch SXH, nhưng trong 3 tháng đầu năm 2016, chỉ xảy ra 1 ca. Đây là trường hợp ngoại lai từ TP. Hồ Chí Minh về quê ăn tết. Sau khi phát hiện, trường hợp này đã được chuyển tuyến điều trị kịp thời. Theo bác sĩ Trần Đình Ánh, Trạm trưởng Y tế xã Vinh Hưng, tình hình dịch bệnh ở địa phương chưa có dấu hiệu gì phải lo lắng. Tuy nhiên, với địa bàn ven đầm Cầu Hai và hiện nay trong thời điểm giao mùa mưa ẩm sang khô nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh nên chính quyền người dân địa phương không chủ quan. Trạm y tế xã tham mưu lãnh đạo chính quyền lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm; tiến hành phun hóa chất chủ động các khu vực dân cư có nguy cơ phát dịch ở thôn Lương Viện, Trung Hưng; mở các chiến dịch thau vét bọ gậy, tuyên truyền vận động người dân ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Tại 9 huyện, thi, thành phố, trong 3 tháng đầu năm 2016 chỉ xảy ra chưa đến 50 trường hợp SXH, 1 trường hợp bị dịch tay chân miệng. Đây là những con số khẳng định Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chủ động phòng ngừa dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho trẻ khá tốt trong toàn quốc.

Không chủ quan

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, dù đạt kết quả cao trong phòng, chống dịch bệnh nhưng Thừa Thiên Huế vẫn không chủ quan. Hiện, thời tiết đang nóng lên cùng với độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, côn trùng truyền bệnh, vi sinh gây bệnh phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá và một số bệnh như SXH, thuỷ đậu, tay chân miệng…; đặc biệt không chủ quan khi dịch bệnh do vi vút Zika đang diễn biến xâm nhập vào Việt Nam. Do vậy, việc chủ động phòng, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh lây lan thành dịch bệnh là hết sức quan trọng.

Phun hóa chất phòng dịch ở xã Phú Mậu (Phú Vang)

Để phát hiện kịp thời, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo các trung tâm y tế tăng cường giám sát ở bệnh viện và trong cộng đồng. Cán bộ trung tâm trong quá trình giám sát tại cơ sở trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn tuyến huyện, tuyến xã theo hình thức “xoá trắng ổ dịch”. Trung tâm chỉ đạo các cơ sở chủ động phun hoá chất phòng dịch ở 29 xã vùng núi, ven biển đầm phá, nơi có mật độ ruồi muỗi cao và các ổ dịch cũ, khoanh vùng xử lý triệt để

Hiện nay, trang thiết bị máy móc phòng, chống dịch bệnh được trang bị cho hầu hết tại các trạm và Trung tâm y tế huyện, thị xã. Tại trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh luôn chủ động dự trữ vật tư, hoá chất, kịp thời cung ứng cho cơ sở khi xảy ra dịch bệnh. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện chủ động bố trí khu vực cách ly, sẵn sàng về chuyên môn để tiếp nhận bệnh nhân, nhằm hạn chế lây lan khi có ca bệnh nghi ngờ. Phía chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể vào cuộc tuyên truyền vận động mọi người dân phòng chống dịch bệnh, phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, an toàn thực phẩm. Với dịch bệnh Zika, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã phối hợp với Cảng Chân Mây, Cảng Hàng không Phú Bài đặt máy đo thân nhiệt hồng ngoại, bố trí thường trực cán bộ kiểm dịch, đảm bảo việc kiểm soát hành khách nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào địa bàn tỉnh khi Festival Huế đã cận kề.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với ban ngành chức năng tổ chức tập huấn công tác y tế trường học cho 600 cán bộ y tế ở các cấp học với chuyên đề “Chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh học đường..”. Ngoài ra, tăng cường 447 cán bộ y tế thôn bản về công tác vận động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nơi lưu trú.

 

 Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh

Trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành thì chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ là hướng đi tất yếu đối với các tổ chức, hộ cá nhân.

Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh
Return to top