ClockThứ Bảy, 15/10/2016 18:12

Không có kẻ “thắng”, người “thua”...

TTH - Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người và làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận đến “nảy lửa” trong giới nghiên cứu trong nhiều thập niên qua.

Cách đây gần 30 năm, lũ sinh viên chúng tôi háo hức chờ đến giờ để tham dự buổi thuyết trình về đề tài trên của nhà giáo Trần Viết Điền (TVĐ). Buổi thuyết trình diễn ra ban đêm, đèn đóm tù mù, nhưng vẫn thu hút rất đông người dự khán. Nhà giáo TVĐ đưa ra nhiều luận giải để chứng minh quan điểm của mình rằng lăng Ba Vành (Thủy Bằng- Hương Thủy) là nơi an táng vua Quang Trung. Tuy nhiên, thầy giáo dạy Hán văn của Trường đại học Tổng hợp Huế Nguyễn Đình Thảng lại tỏ ra không đồng tình với luận điểm trên. Ông cho rằng, “chìa khóa” để tìm lăng mộ vua Quang Trung là từ bài thơ Khâm vãn Đan Dương lăng của Ngô Thì Nhậm đã được dịch chưa chuẩn xác. Buổi thuyết trình do vậy khiến những người dự thính như chúng tôi hơi hụt hẫng.

Ra trường rồi về báo công tác, mải chạy theo tin bài nêu câu chuyện Đan Dương lăng cũng nhạt dần trong tôi. Bỗng một hôm, Báo Thừa Thiên Huế (TTH) nhận được bức thư của một bạn đọc từ xa gửi về. Ông tự giới thiệu mình là một sĩ quan của chế độ cũ. Trước năm 1975, trong một cuộc hành quân, trực thăng của đơn vị ông đáp xuống những ngọn núi phía sau điện Hòn Chén. Ông vô tình phát hiện một ngôi lăng mộ rất lạ, và với sở học của mình, ông nghi đó có thể là lăng mộ hoàng đế Quang Trung. Ông gửi thông tin cho báo như bổn phận của người con hướng về quê hương. Chúng tôi đã lập tức làm công văn, đính kèm bức thư gửi đến Sở Văn hóa thông tin (cũ) để đơn vị này xử lý theo thẩm quyền. Tiếc là sau đó, báo không nhận được phản hồi, cũng không nghe một động thái nào từ phía Sở Văn hóa thông tin. Câu chuyện rồi cũng dần rơi vào quên lãng.

Mấy năm gần đây, lăng mộ vua Quang Trung lại chợt nhiên hâm nóng dư luận. Trong đó, nghiên cứu thuộc hàng “nặng ký” nhất là của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NNC NĐX). Theo NNC NĐX, khu vực chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước chính là gò Dương Xuân, ở đó có cung điện Đan Dương, sau này trở thành sơn lăng của Quang Trung hoàng đế. Quan điểm này cũng bị không ít ý kiến bày tỏ hoài nghi, không đồng tình, thậm chí tranh luận gay gắt. Một cuộc thám sát khảo cổ học là điều cần làm và đơn giản nhất để xác tín quan điểm của giới nghiên cứu, chứ cứ mãi tranh luận thì chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết. Những người quan tâm đến câu chuyện đều nghĩ và mong như vậy.  

Cuối cùng thì điều mong mỏi ấy cũng đến, với sự cho phép của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã tiến hành khai quật, thăm dò dấu vết di tích tại 5 vị trí ở gò Dương Xuân. Công việc này kéo dài từ 7 đến 15/10/2016. Với động thái này, hy vọng vấn đề sẽ được giải mã và các cuộc tranh luận vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua sẽ đi đến hồi kết.

Kết quả cho dù có thế nào đi nữa thì cũng sẽ không có kẻ “thắng”, người “thua” ở đây. Dư luận sẽ ghi nhận tấm lòng của các NNC đối với tiền nhân, với lịch sử dân tộc. Còn nếu xác quyết được dấu tích của lăng mộ Quang Trung thì đó sẽ là một phát hiện có ý nghĩa văn hóa - lịch sử vô cùng to lớn. Lịch sử sẽ ghi công tác giả và Huế sẽ có thêm một di tích độc đáo, đầy hấp lực mời gọi du khách, bạn bè bốn phương tựu về tham quan, khám phá những bí ấn của miền Hương Ngự.

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ

Chiều 18/1, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và hội thảo "2 năm thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về xây dựng Trung tâm KHCN, kết quả và giải pháp". Tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Phạm Thị Minh Huệ, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn...

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ
Return to top