ClockThứ Ba, 28/10/2014 11:42

Không còn thời “mỗi nơi, mỗi giá”

TTH - Việc đấu thầu thuốc ở các cơ sở y tế công lập theo hướng tập trung đã chấm dứt tình trạng mỗi nơi, mỗi giá.

Bảo đảm nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân ở BV thị xã Hương Thuỷ

Quy về một mối

Hiện trên địa bàn có 21 đơn vị cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế thầu thuốc tập trung thông qua một Hội đồng do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Trong năm 2014, có 40/70 đơn vị trúng thầu đã hợp đồng cung ứng thuốc các loại với giá trị 135 tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế, trước đây, đấu thầu thuốc vào các bệnh viện (BV) công lập một nơi làm một phách. Thông thường, mỗi BV là một chủ đầu tư đấu thầu một kiểu dẫn đến tình trạng cùng một loại thuốc, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp nhưng giá thầu vào mỗi BV lại vênh nhau. Thậm chí, có loại thuốc cùng hoạt chất, hàm lượng nhưng do 2 công ty trong nước sản xuất đều trúng thầu vào một BV nhưng giá chênh lệch rất lớn. Điều này cho thấy, không chỉ người dân phải mất những khoản tiền vô lý mà chính quỹ bảo hiểm y tế cũng không thể cáng đáng khi thanh toán một cách vô lý cho cùng loại thuốc, hàm lượng với giá chênh lệch ở các BV.
Từ năm 2006, Thừa Thiên Huế chuyển hướng thuốc tập trung thông qua một chủ đầu tư tại Sở Y tế. Theo ông Võ Đức Bảo, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế, hàng năm sở mời các ban, ngành liên quan tham gia hội đồng thẩm định kế hoạch thuốc. Từ việc căn cứ giá công bố của Cục Quản lý dược, bảng báo giá của các công ty dược, hội đồng tiến hành thẩm định danh mục trên cơ sở kế hoạch sử dụng thuốc khám chữa bệnh (KCB) ở các BV gởi đến, thống nhất kế hoạch trình tỉnh duyệt chọn thầu. “Ưu điểm của phương thức đấu thầu này là thống nhất được thời gian tổ chức thầu, lựa chọn được danh mục và đơn giá sử dụng chung. Về cơ bản, đã có đủ các thuốc thiết yếu dùng trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Việc đấu thầu thuốc đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Bảo nói.
Bà Lê Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho rằng, phương thức đấu thầu tập trung được hội đồng thực hiện khá chuyên nghiệp từ việc thẩm định, xét và chọn nhà thầu. Trong thời gian tổ chức thầu, các hãng dược, đơn vị tham gia dự thầu có mặt hàng vượt qua điểm kỹ thuật quy định và có giá thành mềm nhất sẽ trúng thầu. Phương thức này đã khắc phục được tình trạng chênh lệch giá trên cùng một địa bàn. Cũng theo bà Chi, qua xét thầu hàng năm, giá thuốc của các đơn vị trúng thầu tại Thừa Thiên Huế đưa ra thường thấp hơn, hoặc bằng giá của Cục Quản lý dược công bố. Đây là điều quan trọng, góp phần giảm gánh nặng KCB cho bệnh nhân.
Bệnh viện “nhẹ gánh”
Bác sĩ CKII Hoàng Văn Thám, Giám đốc BV Đa khoa Chân Mây (Phú Lộc) cho rằng, phương thức thầu thuốc tập trung đã thể hiện nhiều ưu điểm. Trước hết, hàng năm Sở Y tế thành lập hội đồng thẩm định, phê duyệt thầu với những người có chuyên môn, có tầm quản lý đã hạn chế được nhiều tiêu cực trước đây. Sự ra đời một hội đồng, phát huy hiệu quả trong thống nhất về giá. Ngoài ra, hội đồng này có trách nhiệm kiểm duyệt, loại trừ thuốc kém chất lượng và không làm “hớ” giá cho các BV, không thiệt cho bệnh nhân và bảo hiểm y tế...
Bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy đưa ra quan điểm, đấu thầu thuốc tập trung đã khiến BV “khỏe” hơn vì không phải mất công “lần mò” từng hồ sơ mời thầu như trước đây mà chỉ cần xây dựng kế hoạch mua thuốc và trình Sở Y tế là xong. Sau đó, sở công bố kết quả trúng thầu, BV cứ thế mà ký hợp đồng mua thuốc. Theo bác sĩ Vỹ, trong phương thức đấu thầu tập trung có lưu ý trường hợp khi một công ty dược trúng thầu cung ứng thuốc cho nhiều BV có thể dẫn đến cạn nguồn. Nếu như vậy sẽ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho các BV. Với kinh nghiệm đó, hàng năm ngoài việc xây dựng kế hoạch nhu cầu KCB thực tế, đơn vị thường “nhích lên” vượt kế hoạch từ 20-30%, nhằm đảm bảo tính ổn định trong KCB cho bệnh nhân.
Bà Lê Thị Kim Chi khẳng định, thời gian qua, vấn đề đấu thầu thuốc trên địa bàn chưa bộc lộ những bất cập, hạn chế. Hầu hết các công ty, đơn vị dược khi trúng thầu đã cung ứng đủ thuốc cho các cơ sở y tế. Về ý kiến boăn khoăn tình trạng thiếu hụt thuốc trong đấu thầu, hiện nay theo thông tư liên tịch số 01 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn cho phép các BV được áp giá mua thêm 20% lượng thuốc trúng thầu. Nếu vượt trên 20%, phải xây dựng kế hoạch gởi lên Hội đồng thẩm định (Sở Y tế) xem xét thầu lần 2. Vì thế, rất khó xảy ra tình trạng thiếu thuốc ở các cơ sở y tế.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Return to top