ClockChủ Nhật, 08/01/2017 07:33

Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư

TTH - “Quan điểm của tỉnh là tạo môi trường tốt nhất để kêu gọi đầu tư, càng có nhiều nhà đầu tư đến Huế càng tốt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đánh đổi mọi thứ mà phải lựa chọn, cân nhắc kỹ trước khi trao quyết định đầu tư”, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi đề cập đến chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Đối với các khu vực như Bạch Mã, hồ Thủy Tiên, cồn Dã Viên…, quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường, thiên nhiên để có nhà đầu tư. Tất nhiên việc đầu tư khó tránh khỏi những tác động đến môi trường, song với những khu vực này điều đó phải được hạn chế đến mức thấp nhất.

Ông Phan Thiên Định

Nhiều người hỏi tại sao Bạch Mã đẹp như thế, vị trí thuận lợi như thế nhưng mãi chưa có nhà đầu tư? Thật ra, Bạch Mã có khá nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, song tỉnh xác định, Bạch Mã không còn là tầm địa phương mà mang tầm quốc tế, do đó, nhà đầu tư muốn đến Bạch Mã cũng phải tương xứng.

Vẻ đẹp của Bạch Mã có lẽ không cần phải nói nhiều. Ai đã từng đến hoặc xem qua các video, tranh ảnh giới thiệu cũng phần nào cảm nhận được. Thế nên, chúng ta không nóng vội kêu gọi đầu tư. Ở một số nước tiên tiến, thường người ta thích các mô hình du lịch sinh thái tự nhiên ít bị tác động bởi bàn tay con người như ở Bạch Mã.

Cũng không thể phủ nhận việc kêu gọi đầu tư vừa góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, vừa giải quyết việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội?

Hẳn là thế, song chúng ta không thể bất chấp mọi thứ để kêu gọi đầu tư, nếu không con cháu chúng ta sau này sẽ oán trách các thế hệ cha ông vì không biết gìn giữ những di sản, vốn quý mà thiên nhiên ban tặng. Hệ sinh thái Bạch Mã có giá trị rất lớn trong việc điều hòa không khí, cân bằng sinh học..., giúp môi trường sống trong lành hơn.

Điều đó cũng được áp dụng cho việc kêu gọi vào khu du lịch hồ Thủy Tiên, cồn Dã Viên?

Khu du lịch hồ Thủy Tiên vị trí khá đẹp, sau khi tỉnh có quyết định thu hồi đã có nhà đầu tư đến tìm hiểu song tỉnh chưa đồng ý do chưa đáp ứng được các yêu cầu phải gắn kết khu vui chơi cộng đồng, trong khi đó nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư các dự án liên quan đến du lịch dịch vụ. Do đó, đến nay khu du lịch hồ Thủy Tiên vẫn tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Cồn Dã Viên cũng tương tự. Chỉ khác là nơi đây chưa từng có dự án đầu tư và tỉnh đang tìm kiếm nhà đầu tư với dự án phù hợp. Trước đó, có nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án, báo cáo mười mấy lần nhưng vẫn chưa được tỉnh chấp thuận và một nhà đầu tư khác cũng bị tỉnh từ chối đầu tư vào khu vực này.

Như ông đã nói, tỉnh đang tập trung mọi chính sách để thu hút đầu tư, song với việc từ chối một số nhà đầu tư như ông đã đề cập ở phần trên liệu có đi ngược chủ trương, làm nản lòng các nhà đầu tư?

Từ chối là cần thiết để giữ cho Huế những giá trị riêng có. Như tôi đã nói, với những vị trí không nhạy cảm, tỉnh có thể xem xét với bất kỳ nhà đầu tư nào nếu xét thấy đem lại nhiều lợi ích cho tỉnh, người dân. Song, với những vị trí chỉ Huế mới có và còn có các yếu tố liên quan đến văn hóa, tâm linh, an ninh quốc phòng, cần thiết phải có những đầu tư phù hợp, không thể đầu tư bừa bãi.

Vậy theo ông, những địa điểm vừa nêu nên đầu tư dự án gì, mức đầu tư như thế nào cho phù hợp?

Tùy từng địa điểm, vị trí. Tuy nhiên, những vị trí này tỉnh ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ, song mức đầu tư như thế nào cũng còn phải xem xét, chưa hẳn nhiều đã tốt và ngược lại.

Dự án Tổ hợp thương mại và khách sạn 5 sao Hùng Vương do Vincom làm chủ đầu tư đang triển khai khá tốt

Cũng liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, một số ý kiến cho rằng, trong lúc tỉnh đang tập trung các chính sách để kêu gọi đầu tư, song cũng có một vài “gia tài” đang có như bia Huda và gần đây là một loạt các khách sạn, khu du lịch như Hương Giang, Mỹ An đã “được bán”… Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Tôi cho rằng đó là ý kiến chưa thấu đáo, chưa hiểu hết các vấn đề về đầu tư, kêu gọi đầu tư hiện nay. Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, tất cả các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải thoái vốn. Nếu chúng ta không bán bia Huda, chắc chắn sẽ phải chuyển ra Trung ương để bán. Và khi đó, chưa chắc đã “được giá” như vừa qua. Có thể nói việc bán bia Huda là quyết định đúng và thành công của tỉnh. Thực tế cũng đã chứng minh điều này khi doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh, công suất không ngừng nâng lên, thị trường mở rộng và đóng góp cho ngân sách tỉnh số tiền lớn nhất trong tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 1/3 số thu ngân sách.

Tương tự, với một số khách sạn, khu du lịch hiện nay cũng đang đi theo con đường này, chỉ khác là bán cho doanh nghiệp trong nước. Trong đầu tư, kinh doanh không có chuyện phân biệt doanh nghiệp của Huế, của Việt Nam hay nước ngoài. Rõ ràng, việc kêu gọi đầu tư hay thoái vốn Nhà nước chỉ được xem xét ở mức độ doanh nghiệp đó đem lại lợi ích gì cho tỉnh, người dân, những tác động khác đến môi trường, xã hội. Doanh nghiệp nào đáp ứng tất cả những yêu cầu đó đều có thể được lựa chọn.

Qua bài học thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, việc bán cho đối tác lớn, là doanh nghiệp chiến lược sẽ giúp những doanh nghiệp  sau khi cổ phần hoạt động ổn định, hiệu quả hơn. Những doanh nghiệp được tỉnh chọn mặt gửi vàng đều là những tập đoàn lớn, có thương hiệu như Bitexco, Carlsberg. Điều đó khẳng định tỉnh đã cân nhắc, lựa chọn trong việc bán cổ phần Nhà nước. Nếu không, khi cổ phần, doanh nghiệp này mua một ít, cá nhân mua một ít, những công ty có vốn Nhà nước sẽ bị “xé lẻ” rất khó hoạt động và kém hiệu quả.

Để thu hút doanh nghiệp đến Huế, tỉnh đã và đang có những cơ chế, ưu đãi gì, thưa ông?

Việc kêu gọi đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều chính sách, cơ chế được ban hành theo hướng phục vụ doanh nghiệp mà chúng tôi thường đùa là “vừa cõng, vừa đấm lưng” chứ không chỉ là “trải thảm”, như ưu đãi về thuế sử dụng đất, thuế doanh nghiệp, mặt bằng sạch, làm thay thủ tục… Tuy thế, không phải nhà đầu tư nào, dự án nào cũng được chào đón. Như tôi đã nêu, quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để có nhà đầu tư. Ở những vị trí càng nhạy cảm càng phải cân nhắc để làm thế nào giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động đến thiên nhiên, môi trường.

Xin cảm ơn ông!

TÂM HUỆ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

TIN MỚI

Return to top