ClockThứ Năm, 27/10/2016 14:27

Không đánh đổi “vàng trắng” với môi trường - kỳ 2: Đừng để “mất bò mới làm chuồng”

TTH - Không thể phủ nhận vai trò của cây cao su, song không vì hiệu quả kinh tế mà đánh đổi môi trường sống bằng mọi giá. Cùng với tư duy vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững, đã đến lúc cần có những giải pháp cả về cơ chế chính sách và kỹ thuật cho quy trình canh tác cây cao su vừa có lợi về kinh tế lẫn môi trường và xã hội.

Không đánh đổi “vàng trắng” với môi trường - kỳ 1: Ẩn họa từ thuốc diệt cỏ

Những “bài học” nhãn tiền     

Qua khảo sát thực tế, vùng trồng cao su trên địa bàn thường có độ dốc, phần lớn khoảng cách giữa các vườn cao su với nơi sinh sống của người dân khá gần, khu vực trồng cao su được xẻ những đường rãnh thoát nước chảy về nơi thấp, lòng suối, nên hóa chất dễ đi theo dòng nước, gây nguy hiểm đời sống của người dân. Cùng với đó là việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc; rửa bình bơm, dụng cụ pha chế không đúng nơi quy định; bao bì, chai lọ chứa thuốc BVTV không được thu gom, xử lý đúng cách, đúng chỗ càng gây nguy cơ cao ô nhiễm nguồn nước, ngộ độc động vật thủy sinh.

Không nhất thiết phải dùng thuốc hóa học, người dân có thể áp dụng các biện pháp thủ công, xen canh để diệt cỏ

Lâu nay, việc đánh giá tác động môi trường chỉ mới thực hiện đối với công ty, doanh nghiệp mà chưa áp dụng đối với các nông hộ. Trong khi, việc trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh đều do hộ cá thể đảm nhận. Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường phân tích, trong qui mô sản xuất nhỏ, cá thể, nông dân hoàn toàn tự lựa chọn và sử dụng thuốc BVTV theo chủ quan, tuỳ tiện. Công tác thanh tra, giám sát và xử phạt đối với người trực tiếp sử dụng mới dừng lại ở biện pháp tuyên truyền giáo dục.

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, để phục vụ nhu cầu sản xuất, đảm bảo cung cấp kịp thời vụ, hầu như mỗi địa phương từ tuyến xã, đến huyện, tỉnh đều có kho lưu giữ thuốc BVTV. Dù đã trải qua hàng chục năm, song hệ quả là lượng tồn dư thuốc BVTV ở các kho chứa gây ô nhiễm đến nguồn nước, đất, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và làm tốn nhiều tiền của để tháo dỡ, xử lý. Tính sơ bộ trên toàn tỉnh, phải đến cả trăm kho lưu giữ lớn, nhỏ, nhưng mới khoảng 35 kho lưu giữ được tháo dỡ, xử lý do mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Còn khi nói đến hệ thống đồng ruộng, từ nhà nông cho đến nhà khoa học, nhà chuyên môn đều cho rằng môi trường gần như đã bị “chai sạn”, hệ sinh thái “què quặt” do thuốc BVTV đầu độc. Ngày trước, nhiều người nông dân phải bôi vôi ở chân để tránh bị đỉa đeo bám. Nhưng bây giờ, đỉa gần như tuyệt chủng, nhiều loại cá, tôm, cua đồng, ếch nhái... cũng hầu như vắng bóng. Hậu quả rõ nhất của việc lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp là mới đây, hàng trăm tấn gạo của Việt Nam xuất sang Mỹ bị trả về nước do tồn dư thuốc BVTV. Đó là những bài học đắt giá cần tránh tái lặp.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững       

Để hạn chế sử dụng phân vô cơ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã từng khuyến cáo người trồng đào hố tích mùn từ các loại rác, phân hữu cơ xen giữa khoảng cách cây. Mô hình này cũng từng được thí điểm tại Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc). Tuy nhiên, đến nay, hình thức này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Tìm hiểu nguyên nhân, hầu hết vì lợi ích kinh tế trước mắt, đồng thời do không có sự ràng buộc, hay nói đúng hơn là cơ quan chuyên môn chưa “mạnh tay” hướng người dân đi theo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường mà thả nổi để người dân độc lập sản xuất.

Ông Nguyễn Việt Hùng cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm quản lý nhà nước về thuốc BVTV, song chủ yếu dừng lại ở hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do thuốc BVTV. Còn việc sử dụng thuốc của người dân như thế nào vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Kế hoạch của tỉnh sẽ tăng diện tích cây cao su lên 11.000ha đến năm 2020. Đây là diện tích không nhỏ, vừa góp phần phát triển kinh tế, đồng thời nâng tỷ lệ độ che phủ rừng. Để có được “vàng trắng”, đồng thời ngăn suy thoái về môi trường, cơ quan chuyên trách cần xây dựng kế hoạch trang bị tốt hơn về kiến thức, kỹ năng và thái độ trong sản xuất cho người dân; khuyến khích phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón sinh học phục vụ cho việc phát triển nền nông nghiệp sinh thái.

hoạt chất glyphosate có trong thuốc diệt cỏ đang được dùng, trong khi giữa các tổ chức quốc tế vẫn còn tranh cãi về tính độc hại của hoạt chất này có thể gây ung thư, tốt hơn hết, người dân nên hạn chế sử dụng loại thuốc này mà thay bằng áp dụng phương pháp thủ công để diệt cỏ. Ngành chức năng cũng cần sớm có những giải pháp cả về cơ chế chính sách và kỹ thuật, khuyến khích người dân trồng cao su theo hướng bền vững đi kèm những nguyên tắc, tiêu chí để cho ra sản phẩm mủ cao su được gắn mác “xanh” tương tự gỗ rừng trồng theo tiêu chí chứng chỉ rừng bền vững FSC mà ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh. Đó cũng là cách hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững, không đánh đổi giữa phát triển kinh tế với môi trường.

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hiếu, với khoảng cách cây trồng khá rộng, bình quân 1 cây có đến 18m2 diện tích dinh dưỡng, nên trong thời kỳ KTCB, người dân nên trồng xen các giống cây ngắn ngày, vừa hạn chế cỏ dại mọc, vừa cho sản phẩm nông nghiệp lấy ngắn nuôi dài. Hết thời kỳ KTCB, đến kỳ cây giao tán, lượng cỏ dại sẽ giảm nhưng vẫn còn. Lúc này, người dân chỉ cần dùng máy cắt cỏ kết hợp phương pháp diệt cỏ thủ công, hạn chế dùng các loại hóa chất. Nếu lượng cỏ nhiều thì nên thả nuôi thêm bò, dê…

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Return to top