ClockThứ Năm, 03/01/2019 06:30

Không dễ tăng học phí dù... “có quyền”

TTH - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV quy định cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí khiến nhiều người lo lắng việc tăng học phí thời gian tới. Thực tế, đó là vấn đề không dễ đối với các trường ĐH ở Huế.

Luật Giáo dục đại học phải phù hợp với quan điểm hội nhậpGóp ý hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục đại học

Cán bộ Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế làm thủ tục thu học phí đầu năm khi sinh viên nhập học

Chưa dễ tăng ngay

PGS. TS. Hà Văn Hành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế nhận định, quy định của luật ra đời phù hợp với bối cảnh tự chủ ĐH, “cởi trói” và giao quyền cho các trường, trong đó có vấn đề tự chủ tài chính, song nếu không biết vận dụng, các trường sẽ “tự hại” mình. Hiện nay diễn ra cạnh tranh gây gắt giữa các cơ sở giáo dục. Các trường “hot” dễ dàng tăng học phí hơn bởi họ có thương hiệu tốt, một phần lý do nữa là đầu vào sinh viên có điều kiện tốt hơn. Điển hình như Trường ĐH Ngoại thương nhiều năm nay đã có mức học phí cao hơn nhiều so với các trường ở Huế nhưng vẫn thu hút tốt người học. Trong khi đó, sinh viên các trường ĐH tại Huế chủ yếu sống tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, điều kiện gia đình khó khăn, tăng học phí ảnh hưởng rất nhiều đến họ. “Giữa việc tăng học phí đối mặt nguy cơ mất người học hay ổn định học phí để thu hút số đông sinh viên phải nghiên cứu kỹ, bởi việc tự quyết học phí là “con dao hai lưỡi”, tính toán sai sẽ không bù đắp được”, PGS. TS. Hà Văn Hành nói.

Hiện nay, có quá nhiều cơ sở đào tạo cùng ngành, nghề, không chỉ các ĐH lớn mà có cả các ĐH địa phương. Đây là thuận lợi để thí sinh lựa chọn nhưng cũng là áp lực đối với các cơ sở giáo dục. Ngoài chất lượng đào tạo, phải cạnh tranh được mức học phí. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, thí sinh hiện nay nghiên cứu rất kỹ khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Mức học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, dịch vụ của trường. Bối cảnh giáo dục đòi hỏi cải tiến không ngừng về mọi mặt, rất khó để tăng học phí khi cơ sở vật chất chưa thực sự hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. “Chẳng hạn, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng có những ngành tương đối giống nhau, ngoài so sánh chất lượng đào tạo, thông tin thí sinh tìm hiểu là học phí. Nếu đưa ra quyết định sai, rất khó thu hút thí sinh”, ông Tiến nói.

Vấn đề học phí quan trọng, vì thế ngay trong chiến lược tuyển sinh của các trường, không ít đơn vị đã đưa ra chính sách miễn giảm học phí đối với các thí sinh có điểm số cao, nhất là thủ khoa, á khoa ngành. Điều đó cũng đồng nghĩa các trường biết rõ việc đưa ra chính sách liên quan đến học phí phải có lộ trình, tránh gây sốc và phản tác dụng. Theo PGS. TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế, vấn đề học phí sẽ được các trường nghiên cứu, thảo luận, song khả năng sẽ không dễ tăng ngay.

Thận trọng khi tự chủ

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (vào ngày 19/11/2018). Ngày 3/12/2018, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 13/2018/L-CTN công bố và Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Các trường ĐH tại Huế đang từng bước hướng đến tự chủ ĐH; trong đó một trong những vấn đề quan trọng là tự chủ tài chính. Đáng lo hiện nay, hầu hết các trường đều dựa vào nguồn thu chính là học phí, vì vậy khi nắm trong tay quyền tự xây dựng và quyết định mức học phí, cần phải thận trọng, nhất là các trường đang tuyển sinh khó.

PGS. TS. Hà Văn Hành cho rằng, chưa thể tăng mạnh học phí ngay mà cần triển khai theo lộ trình lâu nay là tăng 10 – 15%/năm. Đây là hướng đi nhiều trường trên toàn quốc áp dụng những năm qua và sinh viên có thể đáp ứng được. Về lâu dài, muốn tăng học phí để đảm bảo nguồn thu, phải nghiên cứu một hướng đi, giải pháp hợp lý.

Lãnh đạo một số trường cho rằng, không nên xây dựng, mở các ngành chất lượng cao để thu học phí cao, bởi thực tế ngay tại Huế và nhiều trường đã chứng minh hướng đi này chưa mang lại hiệu quả khi lượng người học hằng năm ít ỏi.

TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, không xây dựng các ngành mới chất lượng cao, nhưng phải nâng chất lượng các ngành hiện có, đồng thời đầu tư, cải tiến cơ sở vật chất. Phải có một thời gian để chứng minh chất lượng dịch vụ giáo dục đảm bảo thì mới có thể nâng mức học phí. Việc tăng học phí khi điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy đáp ứng cũng không thể vội mà cần có thời gian, tăng dần và đưa ra giải pháp hợp lý tùy ngành, tùy tình hình tuyển sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Return to top