ClockThứ Ba, 22/03/2016 17:59

Không khó điều chỉnh chiếu sáng công cộng

TTH.VN - Gần đây, người đi đường phản ánh, việc tắt chiếu sáng công cộng lúc 5h sáng, khi trời còn tối mịt, gây mất an toàn giao thông.

Ảnh hưởng hoạt động kinh doanh mua bán, đi lại

Theo phản ánh của người dân, khoảng đầu tháng 3, lúc 5h sáng hàng ngày, điện chiếu sáng công cộng tại rất nhiều tuyến đường bị cắt khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Thời điểm này trên tất cả các tuyến đường bắt đầu sôi động người đi bộ, đạp xe, tập thể dục.

Điện tắt sớm nên người dân chờ trời sáng để tập thể dục

Bà Phan Thị Thu thường đến Trung tâm Thi đấu thể thao tỉnh ở đường Hà Huy Tập (Huế) để tập thể dục mỗi sớm. Ở đây, hội thể dục của bà có chừng 20 người đều lớn tuổi, thường bắt đầu các bài tập thể dục sau 5 giờ sáng. Các bà chủ động đến trước 5 giờ để khởi động, tranh thủ chuyện trò. Mấy ngày nay do điện cắt sớm nên ngoài hành trang quen thuộc là chai nước lọc, còn kèm theo cây đèn pin để soi đường đi.

Hoạt động kinh doanh, mua bán của người dân cũng ảnh hưởng không kém. Đa số là người bán hàng ăn buổi sáng phải thức đêm, dậy sớm để dọn hàng cho kịp giờ phục vụ khách. Nhiều hộ phải câu điện hoặc sử dụng bình ắc quy để chiếu sáng thay vì tận dụng ánh sáng công cộng như trước.

Song, nguy hiểm nhất vẫn là nguy cơ tai nạn giao thông đối với người đi bộ, đi xe đạp, xe mô tô, gắn máy…

Một người đi bộ trên đường Tố Hữu kể, anh suýt rơi xuống hố ga do bị mất nắp đậy khi đi bộ buổi sáng mới đây. Một số trường hợp khác, nhất là người đi xe đạp, xe mô tô khá vất vả để tránh người đi bộ và ngược lại. Do đó, người điểu khiển phương tiện dùng giải pháp bấm còi khi đi qua các ngã tư, thậm chí là bấm còi liên tục gây ô nhiễm tiếng ồn, khiến người đi đường khó chịu.

Chẳng lẽ vì thiếu kinh phí?

Cắt điện sớm, khi trời chưa sáng và nhất là hiện Huế chưa thật sự bước sang mùa hè có thể đem lại nhiều rủi ro. Nếu không may xảy ra sự cố, người tham gia giao thông gặp tai nạn, lỗi một phần không thể không kể đến trách nhiệm của những người làm công tác quản lý vận hành chiếu sáng công cộng. Đây là phân tích của nhiều người tham gia giao thông khi chúng tôi thực hiện khảo sát lúc 5 giờ sáng một ngày đầu tháng 3.

HEPCO hiện đang quản lý, vận hành 373km tổng chiều dài tuyến điện chiếu sáng công cộng, với 12.406 bóng đèn các loại, 229 tủ điều khiển chiếu sáng, tổng công suất 1.747kw. HEPCO cũng là đơn vị chịu trách nhiệm chiếu sáng công cộng chính không chỉ trên địa bàn TP Huế, mà cả ở một số huyện, thị xã. Toàn bộ các tuyến chiếu sáng có 200 tổ vận hành, trong đó có 90 tổ đã kết nối với hệ thống điều khiển tại công ty, còn lại là tắt mở tự động.

Về mong muốn này, chúng tôi đã trao đổi với đơn vị thực hiện công tác quản lý, vận hành điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP Huế là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO). Ông Hùng Hữu Danh, Trưởng phòng Kỹ thuật HEPCO cho chúng tôi xem bảng thống kê chi phí tiền điện trong hai tháng đầu năm. Theo đó, tháng 1/2016, tiêu tốn hết khoảng hơn 868 triệu đồng cho chiếu sáng công cộng, tháng 2 hết gần 930 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí TP Huế cấp cho doanh nghiệp để vận hành, quản lý chiếu sáng trong năm 2016 chưa tới 9 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 750 triệu đồng. “Mới hai tháng đã âm gần 300 triệu đồng. Nếu cứ vận hành như cũ thì đến cuối năm chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để bù lỗ”, ông Danh lo lắng.

“Tại sao doanh nghiệp không điều chỉnh cắt, giảm hợp lý hơn thay vì cắt vào lúc 5 giờ sáng?”

“Chúng tôi đã lựa chọn, bàn bạc phương án và thống nhất chọn tiết giảm chiếu sáng chế độ 2. Tức là giảm giờ chiếu sáng vào buổi sáng. Thay vì 5 giờ 30 phút như trước xuống 5 giờ 15 phút và bây giờ là 5 giờ. Sắp tới có nhiều sự kiện lớn, nhất là Festival Huế 2016. Khi đó, chúng tôi phải đóng điện suốt đêm một tuần trước khi diễn ra lễ hội và sau đó thêm một thời gian nữa để phục vụ du khách. Ngoài ra, chiếu sáng nghệ thuật cũng được tăng cường nên phải tiết kiệm từ thời điểm này để có kinh phí chiếu sáng các dịp lễ quan trọng”, lãnh đạo HEPCO phân tích.

Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với lý do mà doanh nghiệp nêu, song, việc chiếu sáng công cộng là hoạt động an sinh xã hội, do đó, đơn vị chịu trách nhiệm điều hành, quản lý cần có kế hoạch điều chỉnh hợp lý để đảm bảo cho người dân được hưởng lợi. Nguồn kinh phí này được lấy hoàn toàn từ ngân sách, từ việc nộp thuế của người dân. Nếu vượt kinh phí, doanh nghiệp có thể làm đề xuất với lãnh đạo tỉnh, TP Huế để tăng kinh phí. Hoặc từ đầu năm, có thể tính toán, dự ước thời gian chiếu sáng, sản lượng điện tiêu thụ để xây dựng kế hoạch xin bố trí kinh phí phù hợp.

Về giải pháp này, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo TP Huế, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, mong muốn của người dân là chính đáng, TP Huế sẽ có chỉ đạo để HEPCO điều chỉnh giờ chiếu sáng hợp lý. Đối với việc vượt kinh phí chiếu sáng, ông Thành khẳng định, hiện ngân sách tỉnh, TP Huế còn nhiều khó khăn, song vẫn ưu tiên đầu tư vì các mục tiêu an sinh xã hội.

Còn nhiều cách

Một đơn vị khác vừa được giao nhiệm vụ quản lý chiếu sáng công cộng trên địa bàn là Ban quản lý Khu vực Phát triển đô thị. Dù chỉ quản lý khoảng 13 tuyến đường và khu tái định cư với hàng trăm bóng đèn các loại, song kinh nghiệm chiếu sáng năm trước cho thấy, nếu tiết giảm hợp lý vẫn đảm bảo ánh sáng cần thiết cho người đi đường.

Theo ông Hoàng Tiến Minh, Trưởng Ban quản lý Khu vực Phát triển đô thị, giải pháp mà đơn vị áp dụng là cắt giảm số bóng đèn hoặc giờ chiếu sáng ở một số ngã tư, tuyến đường ít người qua lại hoặc cắt giảm vào giờ thấp điểm để dành kinh phí chiếu sáng cho những tuyến đường nhiều người qua lại vào giờ cao điểm và kéo dài đến 5 giờ 30 phút hàng sáng mỗi ngày. Nếu là mùa đông, kéo dài chiếu sáng đến 6 giờ. Việc này không quá khó khi mà việc điều hành chiếu sáng hiện nay đều đã tự động. Chỉ cần một thao tác nhấp chuột trên máy tính là có thể thực hiện.

Cũng theo ông Hoàng Tiến Minh, nhờ áp dụng biện pháp này nên trong tổng kinh phí cấp khoảng 300 triệu đồng cho chiếu sáng năm 2015, đơn vị chưa sử dụng hết.

Cũng liên quan đến kinh phí chiếu sáng, theo số liệu của HEPCO, chưa năm nào đơn vị phải bù lỗ kinh phí cho chiếu sáng công cộng. Có chăng chỉ là đề xuất tăng kinh phí đối với một số tuyến đường bàn giao sau kế hoạch. Điều đó càng cho thấy, nếu tiết giảm mọi cách vẫn vượt kinh phí chiếu sáng, thì đơn vị hoàn toàn có quyền đề nghị tăng kinh phí chiếu sáng để phục vụ người dân, nhất là khi Huế đang ngày càng hướng tới xây dựng trở thành đô thị văn minh, thành phố du lịch, để không là thành phố tắt đèn đi ngủ sớm.

Thế nên, điều chỉnh giờ chiếu sáng là việc cần thiết và không quá khó, khi mà việc làm đó đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần giảm thiểu rủi ro về tai nạn giao thông, đảm bảo an sinh xã hội.

Linh Đan

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công

Giao kế hoạch vốn sớm, song song hỗ trợ các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn ngay từ đầu năm đã tạo nên tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, từ đây tạo thế và lực trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công

TIN MỚI

Return to top