ClockThứ Hai, 13/08/2018 14:34

Không là phép cộng đơn thuần

TTH - Dôi dư, thiếu trong thừa là những vấn đề lâu nay vẫn được đề cập tới trong nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. Sự trì trệ trong vận hành bộ máy công quyền, từ cấp cơ sở trở lên đương nhiên là hệ quả của thực trạng này. Đồng thời, đây cũng là căn bệnh xã hội trầm kha mà việc giải quyết nó, cũng trầm kha không kém.

Không đơn giản như mối quan hệ mang tính thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động mà ở đó, năng suất và chất lượng công việc là tiêu chí hàng đầu để quyết định vị trí việc làm, một tồn tại khá dai dẳng lâu nay trong các cơ quan nhà nước là có vào (gần như) sẽ không có ra. Đây cũng là căn nguyên của bệnh “cơm vua ngày trời”, là sự ì ạch của những bộ máy vận hành kém cỏi; là khi những người biết làm việc và làm việc được trở thành số ít. Đó cũng là môi trường trì hoãn, níu kéo và không tạo được động lực cho những người có chí tiến thủ, muốn làm việc một cách thực sự để tạo nên những sản phẩm tốt và tốt hơn. Việc tìm một môi trường làm việc năng động, có thu nhập tốt hơn cũng là điều xảy ra một cách phổ biến ở cơ quan này, đơn vị nọ. Cũng do sự chồng chéo và phức tạp của cơ chế, nhiều lãnh đạo ở các cơ quan đơn vị đó buộc phải chấp nhận để nhân viên của mình rời đi trong tiếc nuối.

Cải thiện vấn đề này không phải là điều dễ dàng. Dựa trên thể chế chung, mỗi một cơ quan, đơn vị đều có nguyên tắc, nội quy và những chế tài kèm theo, tuy nhiên việc cho thôi việc, buộc thôi việc hay nhẹ hơn là xếp những nhân sự nào đó vào diện tinh giản cũng là điều khó khăn. Khi nói về tổ chức và quy trình, tôi lại nhớ đến phát biểu tại một diễn đàn của ông Tô Phán, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội khi cho hay, có đến 40% trong tổng số 719 người tại cơ quan ông thuộc diện yếu kém nhưng đều là “con ông này, cháu bà kia”, những cán bộ này không vi phạm kỷ luật, làm việc thì làng nhàng. “Họ cứ đi ra đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”. Đấy là chưa kể cuối năm ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua…

Chuyện của cơ quan ông Tô Phán chắc chắn không phải là điều cá biệt. Nó chỉ khác ở quy mô. Ai cũng biết, lãnh đạo nào cũng hiểu, nhưng buồn thay là giải quyết nó đâu có dễ khi không phải chỉ là những mối quan hệ chằng chéo, mà còn thuộc về những vấn đề tế nhị khác thuộc về chính lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị đó. Có lẽ, khi điều hành một bộ máy mà mình không phải hoặc không quá lo chuyện tiền bạc, người ta dễ chấp nhận và tặc lưỡi cho qua, cốt để không phát sinh vấn đề từ nội bộ và trong nội bộ. Tôi nghĩ, có lẽ điều này cũng là một khía cạnh của tư duy nhiệm kỳ.

Dù không phải là ngay, nhưng một điều chắc chắn là hiện trạng này đã có thuốc trị với chủ trương, Nghị quyết TW6 và TW7 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cùng với các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị trong cả nước, Thừa Thiên Huế cũng sẽ có những chuyển động lớn trong việc sắp xếp đội ngũ, tinh giản bộ máy để nâng cao tính hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công ích. Theo đó, giảm 2 sở, sắp xếp lại 65 phòng chuyên môn, 52 phòng thuộc các chi cục được đưa vào diện sắp xếp, giải thể 16 tổ chức phối hợp liên ngành; trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2018 và năm 2019 sẽ giảm 41 trong tổng số 739 đơn vị sự nghiệp công lập…

Điều cơ bản là đây không chỉ là những phép cộng đơn thuần về nhân lực mà sẽ có những phép trừ, trên cơ sở đạt lý và thấu tình để hướng đến một bộ máy vận hành thực sự hiệu quả.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số

Tiếp cận với internet và sử dụng một số thao tác trên nền tảng này đối với 2/3 dân số cả nước có lẽ đã là điều bình thường.

Rút ngắn khoảng cách công nghệ số
Salmonella và gì nữa?

Hôm qua 22/11, Sở Y tế Khánh Hòa đã có kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm...

Salmonella và gì nữa
Giảm thiểu tổn thất

Cơn mưa rạng sáng ngày 22/3 mang đi cái nắng và sự oi bức của những ngày đang xuân – một hiện tượng mà nhiều người cho rằng thuộc diện cực đoan sớm của thời tiết.

Giảm thiểu tổn thất
Return to top