ClockThứ Bảy, 30/01/2016 09:08

Không “lãnh sẹo” mới lạ

TTH - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần Huế nửa đùa, nửa thật: “Đi đâu, ai hỏi mình cũng dè dặt... Bạn tôi đứa làm bác sĩ khoa này, khoa kia kể ra nghe thật hãnh diện. Còn mình, giới thiệu làm bác sĩ tâm thần, nhiều người lại cười”.

Dặn mình phải cẩn trọng

Khoảng 9 giờ sáng, bệnh nhân đã ngồi kín ghế tại khu khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần Huế. Đang chuẩn bị vào phòng để gặp bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt, Trưởng khoa Khám bệnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế, một bệnh nhân không quen, cũng chẳng biết vỗ vào vai cười cười, nói nói khiến tôi bất ngờ. Cố thản nhiên, tôi cười: “Bạn khỏe không”. Câu chuyện với người bạn “mới quen” bắt đầu thú vị thì ở hành lang Khu điều trị 1 bên kia nổi lên la hét ầm ầm. Một cảnh giằng co diễn ra như phim, với lời la mắng chát chúa của người con trai liên tiếp ném vào mặt bố cụm từ. “Tao không tâm thần sao đưa vào đây. Mấy thằng ở đây biết gì mà khám. Về nhà biết tay tau”... Bất chấp những lời con trai bổ báng, ông bố tên Trần Ngọc H. xã P, huyện Quảng Điền níu đẩy người con vào phòng điều trị cầu cứu bác sĩ can thiệp. Biết là “người mới”, hai hộ lý nam vóc dáng to khỏe, khoác tay bồng nổi bệnh nhân vào phòng, chốt cửa, trong khi bệnh nhân vẫy vùng đạp đẩy. Lúc này, bác Trần Ngọc H. cứ dõi mắt nhìn con trai qua cửa sổ vừa thương vừa xót. Ông H. thổ lộ: “Không chịu nổi chú ơi. Ở nhà nó chửi, hét, phá ném đồ đạc. Ai cản, nó bảo là đang đi làm từ thiện”...

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt tư vấn, điều trị bệnh nhân tại khoa Điều trị 1, Bệnh viện Tâm thần Huế

Sau khi mời bác sĩ đến kiểm tra tâm lý cho bệnh nhân mới (con trai ông H.), anh Lê Thống Nhất, 40 tuổi, hộ lý Khu điều trị 1, cho biết, chuyện vật vã, xung đột với con trai ông H. là một trong những tình huống xảy ra như cơm bữa ở đây. Bình thường, những người bị rối loạn tâm thần rất hiền nhưng khi bị khích động họ liều lắm, chẳng sợ gì. Đa số khi người thân cưỡng ép tới bệnh viện thì mức độ bệnh nặng. Những bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác, trong đầu luôn nghĩ có người tấn công mình nên họ có những hành động mạnh mẽ thường gây thương tích cho đối phương. Do vậy cán bộ y tế ở đây khi tiếp cận bệnh nhân phải biết bảo vệ bản thân để tránh hậu quả đáng tiếc... Vừa dứt lời, anh Nhất lại cười: “Kinh nghiệm đầy mình rồi, nhưng gần 10 năm theo nghề, tui không dưới 10 lần “lãnh sẹo” ở vai, cổ do bệnh nhân lên cơn kích động bất ngờ”.

Theo lời anh Nhất, cách đây hai năm bác sĩ Đào trong khoa đang khám, tư vấn bị bệnh nhân Tuấn ở huyện Quảng Điền đánh túi bụi vào mặt. May phòng khám có cửa hậu nên bác sĩ Đào chạy ra ngoài. Đáng buồn vào tháng 9/2014, hộ lý Nguyễn Văn Hải bị một bệnh nhân nam dùng đùi gỗ đánh gãy chân phải nằm bệnh viện gần 2 tháng vì đến can thiệp, bảo vệ cho bác sĩ khám bệnh ở khoa. Từ vụ đó, chân phải của anh Hải không còn khỏe như trước, giờ được lãnh đạo đặc cách không bố trí anh trực vào ca đêm.

Nghe chúng tôi trao đổi, anh Nguyễn Văn Hải (nạn nhân bị bệnh nhân tâm thần đánh vào tháng 9/2014) từ phòng bên bước sang góp chuyện: “Xấp xỉ gần 10 năm làm việc ở Bệnh viện Tâm thần Huế, chuyện bị trầy xước nhẹ, bầm tím do bệnh nhân nổi hứng kẹp cổ, ghìm xuống nền nhà và bạt tai là thường lắm. Còn chuyện tai nạn do đồng nghiệp Nhất kể, mình phải nhận lỗi - bệnh nhân lúc ấy lên cơn sao mà kiềm chế được. Lỗi là do… mình không cẩn trọng khi xử lý tình huống”.

Đồng cảm

Gần hết ca khám bệnh buổi sáng, tôi có dịp trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hiền, Khoa Nội 1. Bác sĩ Hiền nhẹ nhàng chia sẻ cái nghề không ít vất vả của mình. Chị nói, làm việc ở bệnh viện 8 năm là thời gian chị đã chăm sóc tư vấn điều trị hàng nghìn bệnh nhân tâm thần. Bất kể lúc nào, hoàn cảnh nào, bác sĩ Hiền luôn đồng cảm với nỗi bất hạnh của bệnh nhân và buồn khổ của thân nhân người bệnh. Bác sĩ Hiền cho rằng, khi điều trị bệnh nhân tâm thần, bác sĩ hay điều dưỡng phải đặt mình vào tâm trí của người bị bệnh mới hiểu được. Chính quan điểm đó mà bác sĩ Hiền luôn dễ dàng nhận ra các biểu hiện bệnh lý của bệnh nhân để đồng cảm, chia sẻ.

Tò mò về chuyện bệnh nhân tâm thần thường hay hành hung khi có người tiếp cận, bác sĩ Hiền kết luận: “Chuyện bị bệnh nhân chửi mắng, hành hung không có gì phải trách móc vì họ là người không tỉnh táo. Đã theo nghề thì phải chấp nhận. Nhưng để an toàn, gắn bó lâu dài với nghề, phải biết giữ mình. Tôi luôn cảnh giác, khi bệnh nhân kích động phải biết đường mà né chớ”

Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế - bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt cho biết, hiện cơ sở vật chất ở bệnh viện khang trang sạch sẽ, đầy đủ các khoa phòng chức năng của bệnh viện tâm thần. Hiện, bệnh viện có 70 cán bộ nhân viên y tế; trong đó có 10 bác sĩ, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám điều trị bệnh tâm thần không chỉ ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Bình quân mỗi ngày có 100-150 bệnh nhân đến khám, điều trị. Ngoài ra, có khoảng 100 bệnh nhân nội trú và hàng quý lại đón 30-40 trường hợp bệnh nặng ở các trung tâm xã hội gởi về theo dõi, điều trị. Kinh nghiệm của bác sĩ Thượt, muốn chữa, điều trị cho bệnh nhân tâm thần phải hiểu ngôn ngữ, tâm lý của người bệnh. Điều đó trở thành “phản xạ có điều kiện” của bác sĩ, và nhân viên y tế. Tuy nhiên, dần dần, những ngôn ngữ đó đã “thấm” vào cuộc sống đời thường, khiến trong mắt người thân, bạn bè có phần “dị nghị” về những người làm ở bệnh viện tâm thần.

Bác sĩ Thượt nửa đùa, nửa thật: “Chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần chúng tôi có chút mặc cảm về tinh thần. Đi đâu, ai hỏi mình cũng dè dặt... Bạn tôi, đứa làm bác sĩ khoa này, khoa kia kể ra nghe thật hãnh diện. Còn mình, giới thiệu làm bác sĩ tâm thần, nhiều người lại cười”. Anh em ở đây đã có những lúc phải chạnh lòng khi người thân, bạn bè hỏi về chế độ, hay phụ cấp cho nghề gọi là có tính “đặc thù” này.

Lời của bác sĩ Thượt, tôi đã hiểu, những ai yêu nghề, có trái tim đồng cảm với người bệnh mới bám trụ được ở bệnh viện tâm thần. Với những người như bác sĩ Thượt, bác sĩ Hiền hay hộ lý Lê Thống Nhất, Nguyễn Văn Hải... tôi gặp, họ đã hội tụ được những điều cao cả ấy.

Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Chăm lo đời sống cho lao động nữ

Lao động nữ (LĐN) chiếm hơn 72% công nhân lao động trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Việc chăm lo đời sống cho LĐN luôn được các cấp công đoàn tập trung thực hiện.

Chăm lo đời sống cho lao động nữ
Tập tàng mà nấu canh tôm

Trời nắng hanh hao, tần ngần một hồi trước quầy rau củ và lời mời chào của dì bán rau, ánh mắt tôi dừng lại trước mớ rau tập tàng non xanh nằm lẫn giữa đám xà lách và tần ô. Trời này mà húp một ngụm canh rau tập tàng nấu tôm thì cứ phải gọi là mát lòng mát dạ.

Tập tàng mà nấu canh tôm
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Người muôn năm cũ

Sinh thời, ba tôi rất hay nhắc về ông, và mỗi lần như vậy, nét mặt ba tôi bỗng rạng rỡ, phấn khích hẳn lên, bởi ngoài mối quan hệ thân thích, ông có “nhân thân đặc biệt” - bị mù từ bé nhưng trí tuệ, độ mẫn cảm hơn người. Tiếc thay, nghe đâu bỏ đó, bây giờ muốn tìm hiểu kỹ hơn về ông thì ba tôi và những người trong cuộc không còn nữa, chỉ biết dựng lại chân dung về một con người khá sơ sài qua những mẩu ký ức rời rạc, đứt quãng cùng thông tin từ một số chứng nhân gián tiếp.

Người muôn năm cũ

TIN MỚI

Return to top