ClockThứ Năm, 16/02/2017 05:41

Không lơ là trong phòng chống dịch bệnh

TTH - Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế là địa phương không để xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên không thể chủ quan, lơ là khi thời điểm sau tết có nhiều lễ hội và thời tiết mưa nắng thất thường là cơ hội thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.

Phòng ngừa dịch bệnh ngay đầu năm - Kiểm tra công tác tiêm chủng mở rộng đầu năm tại Trạm Y tế Khe Tre, Nam Đông

Chủ động phòng ngừa

Năm 2016, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực. Trong đó, dịch bệnh mới nổi Zika đã xuất hiện tại Việt Nam với gần 136 trường hợp. Dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên cả nước, với 104.365 trường hợp, tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phía nam. Riêng dịch tay chân miệng, đến nay đã xuất hiện ở trên 58 tỉnh, thành.

Ở Thừa Thiên Huế, tình hình dịch bệnh năm 2016 được kiểm soát tốt. Các bệnh truyền nhiễm không đáng kể. Riêng SXH xảy ra 418 trường hợp, giảm 13,5% so với năm 2015, nhưng chỉ xuất hiện rải rác do ngoại lai, không có trường hợp tử vong. Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 trường hợp SXH ở Thủy Dương (TX. Hương Thủy) và Hương Văn (TX. Hương Trà) do đi làm ăn xa quê trở về. Sau khi phát hiện, ngay trong ngày mùng 2 và mùng 4 Tết, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh kịp thời chỉ đạo tuyến cơ sở khoanh vùng, phun hóa chất tại khu vực có bệnh SXH xảy ra để khống chế lây lan.

Nhiều địa phương có nguy cơ cao, như huyện Phú Lộc, Phong Điền, TX. Hương Trà... ngay từ đầu năm đã thực hiện tốt tuyên truyền vận động người dân các xã, thị trấn triển khai phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Cùng với đó là việc duy trì công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Khi dịch bệnh xuất hiện đã kịp thời khống chế, không để ca bệnh thứ phát trong cộng đồng. Các địa phương đã không để xảy ra dịch bệnh lớn. Đây là thành quả, khẳng định Thừa Thiên Huế là một địa phương nằm trong “tốp” đầu của cả nước chủ động phòng ngừa dịch bệnh khá tốt trong nhiều năm nay.

Không lơ là, chủ quan

Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là SXH, tay chân miệng, cúm A/H5N1… Nguy cơ một số dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam có khả năng xảy ra, như: Bệnh do vi rút Ebola, MERS-CoV, Cúm A/H7N9… đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng, ngừa. Tại Thừa Thiên Huế, dù dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng vẫn không lường được khi hiện nay dịch SXH, tay chân miệng, sởi, bạch hầu... đang là thách thức ở các tỉnh, thành trong khu vực. Hơn nữa, sau những ngày Tết Đinh Dậu thời tiết mưa nắng thất thường; các lễ hội diễn ra, nhiều sinh viên từ các nơi trở lại học tập...sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra các dịch bệnh ở trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, đơn vị chủ động dự báo tình hình trên địa bàn để ứng phó hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh, kể cả dịch bệnh mới nổi, dịch có nguy cơ xâm nhập. Tiếp đến là thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát vec tơ, giám sát nơi có dịch cũ…). Giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Thường xuyên cập nhật thông tin về dịch cúm trên gia cầm, trên người, các bệnh dịch mới nổi có nguy cơ, chủ động giám sát không để dịch xâm nhập vào địa bàn. Trung tâm đã đề nghị các huyện, thị, thành phố cam kết, tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, an toàn có chất lượng cho con em với tỷ lệ cao; đẩy mạnh công tác truyền thông ở các khu dân cư, trường học, các bếp ăn tập thể... Bên cạnh đó, nâng cao năng lực hệ thống phòng xét nghiệm chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; làm tốt công tác cấp cứu, điều trị; xây dựng, triển khai phương án phân tuyến điều trị khi có người mắc bệnh dịch, nỗ lực tuyết đối không để xảy ra trường hợp tử vong.

Theo kế hoạch trong tháng 2/2017, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với ban, ngành chức năng tổ chức 10 lớp tập huấn công tác y tế trường học cho tất cả cán bộ y tế  trường học toàn tỉnh với chuyên đề “Chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh học đường”; tiếp tục tổ chức 8 lớp cho cán bộ y tế cơ sở về công tác tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý dịch bệnh. Ngoài ra, phối hợp với bộ đội biên phòng triển khai các hoạt động quân dân y kết hợp để giúp người dân các xã vùng biên chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong năm 2017.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top