ClockThứ Năm, 14/11/2019 06:30

Không nên “mượn gió bẻ măng”

TTH - Nghe tin 39 người Việt chết trong contenner ở Anh, nhiều người đã bàng hoàng, xúc động. Đó không chỉ là đau thương của thân nhân những người thiệt mạng mà còn là nỗi buồn đau của mỗi trái tim người Việt và cả cộng đồng thế giới. Vậy nhưng, có những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng sự kiện này để đưa ra nhận định, bình luận vô lý, hồ đồ, đổ lỗi cho Nhà nước Việt Nam.

Quan chức Anh chia buồn sâu sắc với gia đình 39 nạn nhân vụ containerBộ trưởng Tô Lâm: Việc xác minh danh tính 39 người chết tại Anh rất cấp báchVụ phát hiện 39 thi thể người nhập cư vào Anh: Có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể

Khi thông tin xác định tất cả người chết đều là người Việt thì luận điệu về cái gọi là “thảm họa thuyền nhân” - sự kiện hơn 30 năm trước - lặp lại, đổ lỗi cho chế độ đã đẩy con người phải ra đi, mưu sinh ở nước ngoài do đói nghèo, cùng cực.

Làn sóng di cư ồ ạt đổ về châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều kẻ lợi dụng trả lời các hãng truyền thông nước ngoài tự “thống kê” cách người Việt ra đi, kiểu như: Đi nhờ máy bay Quốc hội, đi du lịch trốn ở lại, chạy đi kiểu Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm… và bây giờ trốn trong contenner. Cũng không rõ họ lấy số liệu từ đâu để nêu ra nhận định Việt Nam là nước có người di cư, tị nạn chính trị đứng đầu thế giới. Tóm lại là đổ lỗi cho chế độ, sự lãnh đạo kém cỏi của Đảng, nạn tham nhũng đã gây nên thảm cảnh và quy kết đó là nguyên nhân của chế độ độc Đảng, của xã hội chủ nghĩa.

Theo thống kê về số người di cư sinh sống ở nước ngoài thì chúng ta thấy nhiều nhất là Ấn Độ với 18 triệu người, Mêhicô 12 triệu người, Trung Quốc 11 triệu người, Nga 10 triệu người, Sirya 8 triệu người… Trong khi đó, Việt Nam chỉ có khoảng 4,5 triệu người. Đa phần dân các nước di cư không phải chế độ xã hội chủ nghĩa, nên cũng không thể nói vì chế độ cộng sản đẩy đến cùng cực mà người ta phải ra đi. Các nước nêu trên giàu hơn, khi thu nhập theo đầu người, tổng GDP cao hơn Việt Nam, nhưng tại sao dân di cư vẫn nhiều hơn?

Di cư có nhiều loại: làm ăn sinh sống, tị nạn chính trị, chạy chiến tranh, xuất khẩu lao động… Trong số hơn 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài thì hầu hết ra đi hợp pháp, đi theo hiệp định ký kết, số đi tự do, số đi bất hợp pháp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.

 Một số nước như Yêmen, Ly bi, I rắc, các nước châu Phi vì nội chiến trong nước, người dân phải bỏ quê hương ra đi là lẽ bình thường. Việt Nam được đánh giá là đất nước hòa bình, ổn định thì không thể nói là vì muốn yên ổn cuộc sống nên phải ra đi. Có ý kiến nói Việt Nam cùng cực về kinh tế thì lại càng vô lý, bởi so sánh với 30 năm về trước từ thu nhập bình quân đầu người 100 USD/năm thì đến nay đã tăng hơn 25 lần. Tốc độ phát triển thuộc tốp cao, dù chưa giàu nhưng không thể coi là “khốn khổ” mà phải bỏ quê hương như nhiều kẻ rêu rao. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách, chủ trương thiết thực hỗ trợ cho người nghèo.

Thử nhìn ra bên ngoài, không hiếm những chuyến tàu di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Bắc Phi lênh đênh giữa biển trên đường đến châu Âu. Hàng chục ngàn người Nam Mỹ bám hàng rào biên giới Mehico tìm sơ hở của cảnh sát để vào Mỹ. Bọn buôn người quốc tế đã hình thành nên đường dây, phương thức đưa người ở các nước xuất cảnh bất hợp pháp trở thành “công nghệ”. Với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt thì chúng có thể dụ dỗ, lôi kéo không ít người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin. Điều đó để thấy rằng, di cư bất hợp pháp không phải chỉ có người Việt Nam mà còn là vấn nạn của nhiều nước trên thế giới.

Trong số nhiều người ra đi không hẳn cùng cực, mưu sinh mà vì họ còn muốn làm giàu thật nhanh, bất chấp nguy hiểm, bất chấp pháp luật. Người ta bỏ bạc tỉ để ra đi chấp nhận đánh cược mạng sống của mình mà không  suy xét về tương lai phía trước, không hề biết rình rập của lừa đảo, nạn buôn người quốc tế. Khi được dụ dỗ là xoay xở tiền  bạc, chạy tìm cách ra đi cho bằng được. Hàng tỉ đồng dù là vay mượn hay vốn tự có thì đó là một khoản cực lớn mà hàng triệu gia đình người Việt mơ cũng khó thấy. Với số vốn đó bỏ ra để kinh doanh hay học nghề, khởi nghiệp ngay trên quê hương đã có thể có cuộc sống không giàu sang nhưng không đến nỗi “cùng kiệt”.

Người ta chỉ thấy hình ảnh bề ngoài của những làng, xã có những ngôi nhà cao tầng, ô tô đắt tiền do con cái nước ngoài chuyển về rồi rỉ tai mách nước cho nhau tìm cách ra đi mong làm giàu nhanh chóng. Đổi đời đâu chưa thấy, nhưng tính mạng bị đe dọa, cuộc sống lầm than nơi “thiên đường” là có thật. 

Xin thắp nén hương lòng cho những người xấu số, cầu mong linh hồn họ được siêu thoát, sớm được trở về với đất mẹ quê hương, nhưng cũng cảnh báo với những người còn mộng ôm ảo vọng. Con đường ra đi bất hợp pháp là bài toán không có đáp số.

Chưa có khi nào từ Thủ tướng Chính phủ gửi thư quan tâm, động viên đến họp Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo giải quyết vụ việc này một cách nhanh chóng trong tình cảm nhân đạo đến vậy. Đó là cả một sự cố gắng, không thể nói Nhà nước không quan tâm, xã hội bỏ rơi. Những kẻ to miệng không thể lấy đó để lên giọng xuyên tạc, dạy đời. Không thể nhận định vô căn cứ, đổ lỗi cho Nhà nước kiểu “mượn gió bẻ măng”một cách hồ đồ.

NGUYỄN  PHƯỚC YÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luồn biền “ăn” măng

Không đến mức trèo đèo lội suối, nhưng những chuyến “ăn” măng dọc biền sông cũng tướt mồ hôi khi phải chui ra luồn vào giữa những bụi tre rậm rịt cùng hàng chục ký măng tươi nặng trịch bên cạnh.

Luồn biền “ăn” măng
Return to top