ClockThứ Sáu, 04/08/2017 09:58

Không phát triển nóng

TTH - Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được tổ chức ngày 1/8 vừa qua, bên cạnh những kết quả đạt được, một vấn đề được cảnh báo là cần điều chỉnh số lượng tàu cá cả nước, nếu không số lượng tàu sẽ vượt quy hoạch đến năm 2020.

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, đến nay cả nước có hơn 760 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động và 105 tàu cá khác được nâng cấp. Hơn 9 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân để đóng tàu và gần 13 nghìn tàu được hỗ trợ bảo hiểm. Những con số này cho thấy, sau 3 năm thực hiện, Nghị định 67 đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.

Tại Thừa Thiên Huế, đội tàu cá của tỉnh phát triển mạnh với gần 2 nghìn chiếc; trong đó tàu đánh bắt xa bờ khoảng 400 chiếc. Hiện có 40 chủ tàu được phê duyệt danh sách và đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67, với tổng dư nợ cho vay trên 180 tỷ đồng. Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 của UBND tỉnh, sẽ nâng đội tàu đánh bắt xa bờ lên 600 chiếc; tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70%.

Những con “tàu 67” đã giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, vươn ra ngư trường xa hơn; chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn khi về đất liền, thu nhập của chủ tàu và ngư dân cũng nâng cao, góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biển đảo. Tuy nhiên, một thực tế mà  hầu hết các địa phương ven biển đang phải đối mặt là hạ tầng nghề cá không theo kịp tốc độ phát triển của đội tàu.  Ở Thừa Thiên Huế, cảng cá Thuận An, các khu neo đậu tàu thuyền ở Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền… không đáp ứng được yêu cầu ra vào, neo đậu, cung cấp hậu cần cho tàu đánh bắt xa bờ. Không ít chủ tàu phải đưa tàu vào Đà Nẵng neo đậu, tiêu thụ hải sản; một số tàu bị hư hỏng khi ra vào các khu neo đậu do luồng lạch bị bồi lắng.

Một thực tế khác, đa số chủ tàu chỉ đủ tiềm lực đầu tư thân, máy tàu còn việc đầu tư các trang thiết bị, ngư cụ đánh bắt, bảo quản  hiện đại hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả của nghề đánh bắt xa bờ. Điều này phần nào bộc lộ qua việc các tàu hậu cần nghề cá thời gian qua ít khi thu mua đủ lượng hải sản, bị thua lỗ.

Một hệ lụy nữa là mỗi khi vào mùa đánh bắt, các chủ tàu lại vất vả ngược xuôi tìm bạn thuyền. Ở vùng biển nhưng lại thiếu lao động nghề biển. Điều này một phần do thu nhập nghề biển chưa hấp dẫn để giữ chân lực lượng lao động trẻ, phần nữa do đội tàu đánh bắt phát triển nhanh trong khi việc đào tạo nghề biển cho lực lượng lao động chưa được quan tâm đúng mức, nhất là với thuyền trưởng, máy trưởng tàu vỏ thép.

Để khắc phục những bất cập trên, việc “hãm” sự phát triển nóng về số lượng tàu đánh bắt xa bờ là cần thiết. Đi đôi hạn chế phát triển về số lượng, cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển hạ tầng ven bờ; đồng thời có chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư các trang thiết bị hiện đại, áp dụng mô hình khai thác, bảo quản tiên tiến; chú trọng công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản cho ngư dân khai thác…để nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân có thể sống khỏe, sống vui với biển.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Return to top