ClockThứ Sáu, 01/04/2016 05:21

Không tác động đến người có thẻ bảo hiểm y tế

TTH - Bắt đầu từ tháng 3/2016, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được điều chỉnh giúp ngành y tế có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và các địa phương phủ sóng được BHYT toàn dân. Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết.

Thông tuyến khám chữa bệnh: Bệnh nhân là khách hàng

Giá dịch vụ y tế từ trước đến nay quy định tại Thông tư liên bộ số 3/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT mới chỉ tính 3/7 yếu tố, gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, là những yếu tố sử dụng trực tiếp cho người bệnh khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Lần này, Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính đã kết cấu thêm tiền phụ cấp đặc thù (gồm tiền phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực) từ 01/3/2016 và kết cấu thêm chi phí tiền lương được áp dụng từ 01/7/2016, theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá DVYT nên giá viện phí gia tăng rất lớn tại tất cả các tuyến.

Ông Hoàng Trọng Chính 

Thông tư quy định hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật. Ngoài những giá quy định dịch vụ kỹ thuật có tên cụ thể, còn có một số giá dùng chung cho các dịch vụ kỹ thuật thủ thuật, phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, II, III. Như vậy có thể nói, hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh tăng giá so sánh với giá hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ví dụ một số dịch vụ y tế thông thường, như: Tiền khám trạm y tế, các phòng khám gia tăng gấp 1,4 - 1,8 lần (từ 01/3/2016) và tăng từ 5,8 đến 7,3 lần (từ 01/7/2016). Tiền giường bệnh cũng gia tăng rất lớn, tiền giường bệnh nội, ngoại khoa tuyến huyện tăng gấp 1,7 lần (từ 01/3/2016) và tăng gấp 5 lần (từ 01/7/2016). Tiền giường bệnh viện hạng đặc biệt gia tăng 1,3 lần (từ 01/3/2016) và tăng gấp 2,9 lần (từ 01/7/2016). Rất nhiều dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật, thủ thuật, xét nghiệm gia tăng, đặc biệt mốc thời gian từ 01/7 (tính thêm tiền lương) tăng từ 1,3 đến hơn 3 lần.

Riêng giá thuốc (kể cả vật tư y tế) được quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn luật nên không điều chỉnh thời gian này.

Việc tăng giá sẽ áp dụng cho những bệnh viện nào? Cả công và tư, tuyến trên và tuyến dưới?

Giá viện phí đồng hạng tại tất cả các tuyến, đơn vị khám chữa bệnh công lập và tư nhân tạo nên sự canh tranh lành mạnh giữa các đơn vị khám chữa bệnh, các đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, quyền lợi người bệnh ngày càng được đảm bảo theo đúng quy định

Đối với hệ thống khám chữa bệnh BHYT công lập (tại tất cả các bệnh viện, các phòng khám, trạm y tế trong toàn hệ thống y tế công lập có tổ chức khám chữa bệnh BHYT): áp dụng giá viện phí đã kết cấu thêm tiền phụ cấp đặc thù (gồm tiền phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực) được áp dụng từ 01/3/2016 và kết cấu thêm chi phí tiền lương được áp dụng từ 01/7/2016.  Còn hệ thống khám, chữa bệnh BHYT ngoài công lập (các bệnh viện, phòng khám tư nhân có tổ chức hợp đồng khám chữa bệnh BHYT): Được áp dụng giá viện phí đã được tính thêm tiền phụ cấp đặc thù (gồm tiền phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực) và chi phí tiền lương kể  từ 01/3/2016.

Người bệnh được điều trị các dịch vụ kỹ thuật cao 

Theo ông, tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế lần này bệnh nhân như thế nào?

Đối với nhóm người nghèo và các đối tượng có công cách mạng, cựu chiến binh, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dước 6 tuổi, người nghèo, dân tộc thiểu số thì không bị tác động vì đây là những nhóm đối tượng được Ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được chi trả 100% chi phí trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Đối với người cận nghèo (đối tượng đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, tại Thừa Thiên Huế, ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHYT, đối tượng chỉ nộp 5% mức đóng tương đương nộp 2.587 đồng/tháng): Chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này được cơ quan BHXH thanh toán 95% chi phí, người bệnh chỉ đóng phần cùng chi trả là 5%. Do đó, mức độ tác động cũng có ảnh hưởng một phần.

Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT là nhóm có tác động lớn nhất. Theo quy định của Luật BHYT, điểm mới là đối với những trường hợp tham gia BHYT 5 năm liên tục, khi chi phí cùng chi trả trong năm vượt quá 6 tháng lương theo mức lương cơ sở thì cơ quan BHXH sẽ cấp giấy xác nhận miễn cùng chi trả trong năm đó, và người bệnh được hưởng 100% chi phí KCB BHYT.

Nói như vậy, những người không có thẻ BHYT thì sao?

Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với người có thẻ BHYT được cơ quan BHXH chi trả chi phí cho cơ sở KCB BHYT. Người chưa có thẻ BHYT trước mắt chưa áp dụng thêm một khoảng thời gian cân nhắc, để thấy được lợi ích, tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội cũng như của việc tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Đối với người không có thẻ BHYT, vẫn tiếp tục áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện theo quy định Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT (như trước ngày 01/3/2016) và sẽ áp dụng khi Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành thời điểm áp dụng.

Người bệnh có phải chi trả thêm chi phí chưa kết cấu vào giá như trước đây không thưa ông?

Lần này, Liên Bộ điều chỉnh giá không chỉ là kết cấu thêm chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, mà còn điều chỉnh đầy đủ chi phí của 3 yếu tố trực tiếp đối với một số dịch vụ kỹ thuật có mức giá thấp quy định tại Thông tư liên tịch số 03 từ năm 2006, đồng thời, việc tính đủ các chi phí sẽ giúp minh bạch hơn trong thanh toán chi phí KCB, hạn chế được việc bệnh viện thu thêm, thu ngoài của người bệnh. Vì vậy, người bệnh sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình

Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Các đơn vị KCB BHYT sẽ có nguồn kinh phí và nâng cao chất lượng các kỹ thuật y tế tại đơn vị của mình

Khi viện phí hướng đến tính đúng, tính đủ, tấm thẻ BHYT sẽ ngày càng trở nên giá trị bởi nó chi trả cho người bệnh số tiền rất lớn mà những người không có thẻ sẽ khó có thể kham nổi việc điều trị nếu không có thẻ BHYT hỗ trợ.

Vậy ngành BHXH sẽ làm gì để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh ?

Vấn đề tăng giá viện phí cũng là thời cơ lẫn thách thức cho ngành chúng tôi. Sắp đến, BHXH phải chủ động phối hợp với ngành y tế, thật sự có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT tại cơ sở KCB BHYT, không để cơ sở KCB thu thêm người bệnh không đúng quy định, thực hiện tốt vấn đề KCB thông tuyến, chuyển tuyến, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.... Chúng tôi phải làm tốt công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, để thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn.

Xin cám ơn ông!

HUẾ THU (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ, một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và bổ sung…

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế
Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn

Các cộng đồng nông thôn trên toàn thế giới đang phải vật lộn với những thách thức ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Khi thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, các điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt hơn, gánh nặng đối với những cộng đồng này càng tăng lên. Tuy nhiên, phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nặng nề nhất từ những tác động này, bao gồm cả những tổn thất đáng kể về tài chính.

Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn

TIN MỚI

Return to top