ClockThứ Ba, 21/03/2017 14:00

Không thể đánh bắt thủy sản 'vô tội vạ’

Theo Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh, cần có quy định về việc cấp hạn ngạch để đánh bắt thủy sản chứ không thể “đánh vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được, có khi là đánh hết”.

Tại phiên họp sáng nay (21/3) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về dự án Luật thủy sản (sửa đổi), Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh cho biết, nguồn lợi thủy sản hiện đang suy giảm nghiêm trọng.

Với thâm niên hơn 30 đi biển, mỗi năm vài tháng trên biển, ông Phạm Ngọc Minh nhận thấy, trong 10 năm nay diễn ra tình trạng đánh bắt tận diệt bằng đủ các loại: kích điện, thuốc nổ, hóa chất, đánh bắt ở tất cả các mùa, kể cả mùa sinh sản.

Tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản đã khiến ngư dân đi đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài nhiều. Điều này cũng dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá của ta bị nước ngoài bắt giữ. Ông Minh dẫn ra con số: Trong 3 tháng đầu năm nay, có 16 tàu của ta bị bắt. Năm vừa qua cũng có nhiều tàu cá của ngư dân bị Australia, Malaixia, Thái Lan... bắt giữ.

Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh phát biểu

“Vì vậy tôi đề nghị, cần có quy định cụ thể về quản lý nhà nước (Điều 7) về khu vực nào được bị cấm bắt, khu vực nào bảo tồn.... Thứ 2 là phải cấp hạn ngạch để đánh bắt chứ bây giờ đánh vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được, có khi là đánh hết. Thứ 3, từ đầu năm đến giờ có 92 tàu cá bị tai nạn, trong đó do chìm tàu có, bị đâm va có, bị cướp có ...  vì vậy kiểm định chất lượng tàu cá cần thắt chặt”, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh đề xuất. 

Để thực hiện đồng quản lý trong hoạt động thủy sản, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cần có sự đồng bộ giữa các lực lượng cảnh sát biển, hải quân và kiểm ngư.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, vùng biển ven bờ hiện nay bị khai thác tận diệt. Việc dùng chất nổ để khai thác hiện hết sức phức tạp, ngoài ra còn dùng cả ánh sáng để khai thác khiến cá mù mắt, nổ mắt nổi lên. Hiện lực lượng kiểm ngư quản lý không hết mà cần có cảnh sát biển và biên phòng, nhưng lực lượng biên phòng cũng chỉ giới hạn quản lý trong 12 hải lý.

“Với việc tập trung ngăn cặn tàu thuyền bên ngoài xâm phạm vùng biển thì cần phải tăng cường trang bị cho kiểm ngư. Tàu chậm hơn họ thì làm sao mà đuổi họ được. Việc trang bị cho kiểm ngư phải phù hợp từng bước”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khi trình bày báo cáo thẩm tra cũng khẳng định, thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững. Nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng trên các thủy vực nội địa và vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường sống, biến đổi khí hậu...

Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, việc “đồng quản lý” (Khoản 7 Điều 3, Khoản 3 Điều 5, mục b Khoản 2 Điều 6, Điều 11) và các nội dung liên quan là những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo Luật. Theo đó, chính quyền và cộng đồng đều tham gia vào quá trình ra quyết định, thực hiện và thực thi các quy định pháp luật, cùng thống nhất chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong quản lý tài nguyên.

Tuy nhiên, những quy định như trong dự thảo Luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, khuyến khích. Hơn nữa, qua báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật, báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản và khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy mô hình này chưa thực sự thành công và có hiệu quả, mới chỉ mang tính thí điểm. Do vậy, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn trong Luật.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Ngày 22/3, Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Chính phủ liên quan về công tác hội và phong trào nông dân trong giai đoạn mới.

Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Return to top