ClockThứ Năm, 14/09/2017 06:01

“Không tiếng còi xe” không có nghĩa là không bấm còi

TTH - Đơn vị chủ trì thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Huế-không tiếng còi xe”- Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) không tham vọng sẽ hoàn toàn không có tiếng còi xe trên đường phố Huế mà là bấm còi một cách hợp lý, có văn hóa khi tham gia giao thông.

Một số hãng taxi như Mai Linh, Thành Công đã dán logo “Huế không tiếng còi xe”

Nhiều đơn vị tham gia

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hoàng Việt Trung thông tin, sau khi triển khai, CVĐ “Huế- không tiếng còi xe” đã nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp (DN), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong đó đa số các ý kiến đồng tình, ủng hộ bằng việc tuyên truyền các nội dung của CVĐ, đồng thời tiến hành dán lô gô của CVĐ trên phương tiện cá nhân và công cộng, bao gồm ô tô và xe máy. Theo đó, đã có gần 5.000 logo được phát và dán cho phương tiện, đó là chưa kể số logo do DN tự in.

Một số hãng taxi dán lô gô của cuộc vận động

Trong số các DN tiên phong ủng hộ CVĐ, Công ty TNHH Mai Linh là đơn vị đi đầu kể cả việc dán logo cũng như tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền các nội dung của CVĐ cho tài xế, CBCNV của công ty. Đến nay, hơn 170 phương tiện của DN này đã dán logo “Huế- không tiếng còi xe”. Một số hãng taxi khác cũng tiến hành dán logo và hưởng ứng như Thành Công, Taxi Vàng. Ngoài ra, một số phương tiện cá nhân, gồm cả ô tô và xe máy cũng hưởng ứng CVĐ.

Sở KH&ĐT còn làm việc với một số cơ quan, đơn vị để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thời đẩy sức lan toả của CVĐ đến với nhiều đối tượng, người dân. Theo đó, các đơn vị như Tỉnh đoàn, Sở Giao thông và Vận tải, Công an TP. Huế, Hiệp hội DN... đã có những hoạt động thiết thực để đưa CVĐ vào cuộc sống như tổ chức cho các đơn vị hoạt động trong ngành vận tải cam kết hưởng ứng CVĐ, dán logo của chương trình, Hiệp hội DN triển khai cho hội viên dán logo lên phương tiện cá nhân và cả phương tiện của công ty, Tỉnh đoàn triển khai cho đoàn viên các cấp...

Lãnh đạo Công ty TNHH Mai Linh Huế cho biết, sau khi tiến hành tập huấn, tài xế của đơn vị đã dần thay đổi việc bấm còi xe theo hướng giảm và hợp lý hơn. Tất nhiên, ban đầu chưa thể loại bỏ hoàn toàn việc bấm còi, song chỉ cần tài xế không bấm còi vô cớ, không lạm dụng việc bấm còi đã là thành công.

Thay đổi hành vi, thói quen

Thực tế, nhiều người tham gia giao thông bấm còi vì thói quen dù không ở tình huống cần bấm còi. Việc bấm còi bất ngờ, quá lớn ảnh hưởng đến môi trường giao thông và mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

CVĐ “Huế- không tiếng còi xe” được triển khai nhằm mong muốn hướng đến xây dựng ý thức, văn hoá giao thông bằng việc bóp còi đúng lúc, dần dần hình thành thói quen, ý thức, để người tham gia giao thông có trách nhiệm hơn với hành vi bấm còi xe.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT cho rằng, so với một số CVĐ khác, “Huế- không tiếng còi xe” vừa dễ thực hiện và nếu thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó, lợi ích lớn nhất mà người dân được hưởng là sự yên bình, không ô nhiễm tiếng ồn và lớn hơn là ngành du lịch Huế sẽ có thêm một đặc trưng, có thể gây được ấn tượng không chỉ với cả nước mà với khu vực, thế giới.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT giải thích, lý do dễ triển khai CVĐ “Huế- không tiếng còi xe” là ít tốn kinh phí và quyết định bởi hành vi, thói quen của con người, mà điều này nếu có quyết tâm, chắc chắn sẽ thay đổi được. Là một trong số những người tiên phong thực hiện CVĐ, ông Hoàng Việt Trung bày tỏ:

“Ban đầu vẫn còn thói quen nhưng dần dần sẽ hạn chế được. Để không bấm còi xe, người điều khiển phương tiện phải quan sát kỹ hơn, cẩn trọng hơn mỗi khi ra đường”.

Một số tài xế hưởng ứng CVĐ bày tỏ, họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, lịch sự hơn khi tham gia giao thông mà không bấm còi. Theo ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, khi điều tiết được hành vi bấm còi, người lái xe sẽ đi cẩn thận hơn, quan sát kỹ hơn, nhường nhịn hơn, không phóng nhanh vượt ẩu. Như thế tai nạn sẽ ít hơn và đó chắc chắn là điều tốt đẹp mà CVĐ mang lại.

Sở KH&ĐT đang từng bước đẩy mạnh triển khai CVĐ và đối tượng được nhắm tới kế tiếp là các trường học trên địa bàn. Ngoài lực lượng sinh viên, các trường THCS, THPT và thậm chí là cấp TH cũng được đưa vào kế hoạch triển khai vì chính các em sẽ là người trực tiếp (sau này) tham gia giao thông hoặc gián tiếp khi được bố mẹ chở.

Tiếng nói của các em có khi còn có trọng lượng hơn cả những buổi tuyên truyền khô khan.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Return to top