ClockThứ Hai, 13/11/2017 05:46

Khu công nghiệp Phú Đa: Hạ tầng chưa đồng bộ, khó thu hút đầu tư

TTH - Sau 8 năm thành lập, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất quy hoạch tại Khu công nghiệp Phú Đa chỉ mới đạt khoảng 15%.

Hạ tầng ngổn ngang khiến công tác thu hút đầu tư gặp khó

Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa chỉ cách Quốc lộ 1A và Sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 6 km, cách ga đường sắt Hương Thủy 10 km, nằm cạnh Tỉnh lộ 10A và 10C, cách cảng Chân Mây 35 km và cảng Thuận An chỉ 10 km. Đây là địa điểm khá thuận lợi cho việc giao thương vận chuyển hàng hóa thông qua các trục đường thủy, hàng không và đường bộ. Tuy nhiên, do hạ tầng trong và ngoài KCN chưa được đầu tư đúng mức, nguồn lao động chưa đáp ứng nên ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào KCN.

  Nhiều dự án được cấp phép khá lâu nhưng do chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đến nay vẫn đang trong giai đoạn khởi động và chuẩn bị đầu tư. Trong đó, DA nhà máy may của Công ty Sơn Hà, vốn đầu tư 150 tỷ đồng đang tiến hành xây dựng giai đoạn 1; nhà máy may của Công ty Vương Thy đang triển khai xây dựng nhà xưởng, Công ty Dệt may Hương Phú mới xây dựng xong nhà xưởng và đang lắp đặt máy móc, thiết bị. Một số DN đã và đang ngưng hoạt động để chuyển địa điểm.

Quản lý Công ty TNHH Trường An, ông Nguyễn Thanh Việt khẳng định, hiện công ty đang ngưng hoạt động và sẽ chuyển địa điểm sản xuất khỏi KCN Phú Đa. Có hai nguyên nhân khiến DN dừng sản xuất là thị trường tiêu thụ đang gặp khó và hệ thống giao thông trong và ngoài KCN chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa cũng như giao dịch. “Do không có điện đường, hệ thống cấp thoát nước nên ban đêm, xe vào KCN vận chuyển hàng hóa rất khó khăn; mùa mưa nước ngập đường nên hoạt động sản xuất luôn bị đình trệ”, ông Việt chia sẻ.

Hiện, KCN Phú Đa có 5 DA sản xuất hàng dệt may được cấp phép với nhu cầu lao động gần 5.000 người. Mặc dù mới có 2 nhà máy may đi vào hoạt động, song việc tuyển dụng lao động luôn gặp khó khăn khi lực lượng lao động trẻ tập trung làm việc tại các nhà máy ở KCN Phú Bài.

Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, ông Phạm Gia Định cho rằng, sau 4 năm đi vào hoạt động, DN triển khai khá nhiều chương trình tuyển dụng để thu hút và giữ chân người lao động mới tuyển dụng đủ gần 1.000 lao động làm việc tại nhà máy. Một số nhà máy may như Sơn Hà, Hương Phú sắp đi vào hoạt động song không tuyển dụng đủ lực lượng lao động nên DN chưa thể đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của DA.

Theo quy hoạch, KCN Phú Đa định hướng là KCN tổng hợp, đa ngành, bao gồm gia công sửa chữa cơ khí phục vụ nông- ngư nghiệp và dân dụng, chế biến khoáng sản; chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, hải sản và chăn nuôi gia súc gia cầm; may mặc, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử và sản phẩm gia dụng; công nghiệp gia công, in ấn bao bì, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, chế biến cát, nông lâm sản... Song, do diện tích đất ở KCN Phú Bài còn rộng với nhiều ưu điểm vượt trội nên các nhà đầu tư không đến KCN Phú Đa, KCN này chỉ thu hút được các DN sản xuất hàng dệt may.

Phó Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Hoàng Việt Cường cho rằng, do chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, trong khi quỹ đất ở KCN Phú Bài và Phong Điền còn rộng nên rất khó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy tại KCN Phú Đa.

Với mục tiêu nâng tỷ lệ lấp đầy lên trên 25%, hiện công tác xúc tiến đầu tư đang được đẩy mạnh, tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA, đồng thời giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình thi công xây dựng nhà máy. Sắp tới, Ban sẽ hình thành các tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư có các DA lớn đầu tư tại các KCN, đặc biệt là các KCN còn ít DA như Phú Đa và Quảng Vinh.

Đến nay KCN Phú Đa thu hút 9 DA sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký gần 600 tỷ đồng, trong đó có 3 DA đang hoạt động, 1 DA chuẩn bị chuyển địa điểm và 5 DA đã và đang triển khai xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai DA, kể cả khi đi vào hoạt động, các DN gặp không ít khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, hệ thống điện, nước, cáp viễn thông chưa có, cộng với đường giao thông dẫn vào KCN không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top