Thế giới

Khủng bố Hồi giáo IS tàn bạo chưa chết dù thủ lĩnh Baghdadi tử vong

ClockThứ Hai, 28/10/2019 18:15
Nhiều khả năng việc thủ lĩnh IS Baghdadi tử vong chưa phải là đòn chí tử đối với tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS khét tiếng.

Mỹ có thể đã tiêu diệt được thủ lĩnh IS Al-BaghdadiThủ lĩnh mới của IS là một giáo sư vật lý

Thủ lĩnh tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS tử vong khiến cho IS mất đi thủ lĩnh tư tưởng vào giai đoạn nó đã đánh mất lãnh thổ vương quốc Hồi giáo của mình và đang phải chật vật giữ cho các ý tưởng cực đoan của mình sống sót.

Tuy nhiên tổ chức này có hệ thống cấp bậc lãnh đạo linh hoạt nên nó có thể dễ dàng nhanh chóng thay thế các thủ lĩnh bị giết.

Thủ lĩnh tối cao IS Baghdadi. Ảnh: Zuma Press.

Cuộc chiến do IS phát động sẽ vẫn tiếp diễn

Cái chết của thủ lĩnh Baghdadi được xem là không đủ để chấm dứt cuộc nổi dậy và hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã sản sinh ra các tổ chức cực đoan ở các nơi từ Afghanistan tới Tây Phi và vẫn là nòng cốt của phong trào thánh chiến toàn cầu.

Một quan chức Mỹ nói: Baghdadi là “một nhân vật có sức lôi cuốn độc đáo và y đã xây dựng một nhà nước khủng bố thu hút các cá nhân có đầu óc tương tự trên khắp thế giới, khai thác khoảng trống quyền lực ở Iraq và Syria”. “Dấu ấn của y có mặt trong mọi quá trình đó”.

Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” dưới thời Baghdadi đã phát triển thành một dạng “nhà nước” đồ sộ sử dụng chính các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây để thúc đẩy ngọn cờ Hồi giáo cực đoan của chúng. Nhưng sau khi bị hàng loạt lực lượng quốc tế tấn công, “vương quốc Hồi giáo” này tan rã và chuyển đổi thành một cuộc nổi dậy ngầm, đẩy mạnh hoạt động đánh bom bằng ô tô và các vụ ám sát ở cả Iraq và Syria.

“Nhà nước Hồi giáo” bị suy yếu có thể tìm kiếm phương án kết hợp với al-Qaeda - nhóm thánh chiến toàn cầu hàng đầu còn lại.

Bruce Hoffman - một vị giáo sư tại Đại học Georgetown, người đã nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố trong hơn 40 năm cho rằng cái chết của một cá nhân như Baghdadi không đủ để làm lệch hướng hoạt động của cả một tổ chức như IS. “Cuộc đấu tranh của chúng sẽ tiếp diễn”.

Charlie Winter, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Cực đoan hóa Quốc tế, cho rằng “Nhà nước Hồi giáo” có thể thu thêm sức mạnh thay vì bị mất tinh thần do cái chết của thủ lĩnh cực đoan Baghdadi.

Ông Winter viết trên mạng Twitter: “Trong các ngày, tuần và tháng tới, tổ chức này sẽ tập trung vào củng cố các tàn tích của mình dưới bất cứ một cơ cấu lãnh đạo nào mới ra đời”.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng phải duy trì áp lực quân sự lên các tàn tích của “Nhà nước Hồi giáo”, nếu không “các điều kiện sẽ chín muồi để chúng tái tập hợp lại”, giống như al-Qaeda ở Iraq.

Điều kiện thuận lợi mới cho IS

Việc quân Mỹ đột ngột rút khỏi Syria vào đầu tháng 10/2019 dự kiến sẽ làm giảm áp lực lên tổ chức IS ở Syria. Trong khi đó Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo – đối tác chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, đang phải lo đối đầu với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu đánh bật họ khỏi vùng lãnh thổ mà họ nắm giữ ở đông bắc Syria thời gian qua.

SDF đang giam giữ khoảng 10.000 tù nhân IS – số phận của những đối tượng này hiện không rõ ràng trong bối cảnh các lãnh đạo người Kurd phải thương lượng với chính phủ Syria và Nga về vị thế trong tương lai của khu vực tự trị của họ.

Đại sứ James Jeffrey – đặc phái viên của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, cho hay hơn 100 tù nhân IS đã trốn ngục.

Trong khi đó, tại các trại tị nạn, các người thân của các chiến binh IS vẫn giữ quan điểm cực đoan và sự trung thành cuồng tín mà đã gây dựng nơi họ.

Um Razan, một thành viên trong gia đình một chiến binh IS, hiện sống ở trại tị nạn al-Hol, Syria, nói: “Tin này khiến lòng tôi tan nát. Nhưng 1.000 Baghdadi sẽ được sinh ra thay thế cho ông ấy”.

Ở nước Iraq láng giềng, các lực lượng an ninh đã phải tăng cường bảo vệ vùng biên giới với Syria, dựng lên tường rào thép gai... để ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh IS.

Các quan chức SDF cho hay, họ sẽ tiếp tục hợp tác với liên minh do Mỹ đứng đầu để chống lại IS bất chấp việc họ cảm thấy bị phản bội bởi quyết định của Tổng thống Mỹ Trump rút quân khỏi Syria.

Việc rút quân đã buộc Lầu Năm Góc phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình. Giới chức quân sự Mỹ cho hay liên minh của họ vẫn tiếp tục sử dụng các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái, thu thập tình báo và các hoạt động khác ở Syria nhưng các chiến dịch chống khủng bố sẽ được giảm quy mô.

Đại tá Myles Caggins, phát ngôn viên của liên quân ở Baghdad nói: “Nhịp độ các chiến dịch của chúng tôi đã chậm lại”.

Quy mô thu hẹp của hoạt động quân sự Mỹ

Các lực lượng của chính quyền Syria đã tiến vào khu vực trước kia nằm dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ. Giờ lực lượng Mỹ không còn phối hợp thường xuyên với đối tác ở Syria để mở các cuộc tiến công; hoạt động chống khủng bố của họ nay được giới hạn vào các dịp thuận lợi như vụ tấn công trừ khử Baghdadi, theo các quan chức và nhà phân tích quân sự Mỹ.

Jennifer Cafarella – Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, nói: “Điều mấu chốt là Mỹ sẽ bị giới hạn vào các cuộc tấn công ít thường xuyên hơn và mạo hiểm hơn nhằm vào các mục tiêu IS có giá trị cao”.

Lầu Năm Góc cũng phải điều chỉnh các kế hoạch theo các yêu cầu thay đổi từ phía Tổng thống Trump. Ban đầu Mỹ định rút 200 quân khỏi miền nam Syria, nhưng giờ Nhà Trắng xem xét rút tới 500 quân khỏi Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng nói rằng binh sĩ Mỹ rút khỏi Syria sẽ được tái triển khai sang tây Iraq và thực hiện các hoạt động chống lại IS từ đó nhưng ông đã rút lại tuyên bố đó sau khi Baghdad từ chối cho phép quân Mỹ hiện diện thêm ở Iraq.

Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Tehran kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã thúc đẩy các đồng minh của Iran vận động chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq. Đồng thời các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Iraq đang đặt ra một thách thức lớn cho chính quyền Iraq, làm xao lãng lực lượng an ninh nước này.

Các chuyên gia về chống khủng bố nhận định toàn bộ tình hình nói trên sẽ cản trở nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) sau cái chết của thủ lĩnh tổ chức này Baghdadi.

Giáo sư Hoffman nói: “Chúng ta đã trừ khử cả các thủ lĩnh khác nữa – đây là bước lùi cho IS nhưng vẫn chưa thể là đòn "chí tử”.

Theo VOV

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hôm nay 16/1, xét xử sơ thẩm vụ án 'khủng bố' tại tỉnh Đắk Lắk

Ngày 16/1/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023.

Hôm nay 16 1, xét xử sơ thẩm vụ án khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk
Châu Âu đón Giáng sinh với lo ngại an ninh kéo dài

Trong bối cảnh các nước châu Âu đang tận hưởng không khí lễ hội với đèn và đồ trang trí tràn ngập sắc màu, mùa Giáng sinh năm nay tại khu vực cũng được nhấn mạnh bằng các biện pháp an ninh tăng cường.

Châu Âu đón Giáng sinh với lo ngại an ninh kéo dài
Paris đối mặt với những thách thức an ninh lớn trong Thế vận hội đầu tiên hậu COVID

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hy vọng Thế vận hội (Olympic) Paris 2024 sẽ là “ánh sáng cuối đường hầm” sau hai kỳ Thế vận hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ban tổ chức phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh trước khi lễ khai mạc độc đáo được ấn định sẽ diễn ra vào ngày 26/7/2024.

Paris đối mặt với những thách thức an ninh lớn trong Thế vận hội đầu tiên hậu COVID
Return to top