ClockThứ Sáu, 02/12/2016 05:26

Khuyến khích tàu vỏ thép

TTH - Ngư dân sẽ không ngại đầu tư đóng tàu vật liệu mới khi tính khả thi, hiệu quả của những chiếc tàu vỏ thép đầu tiên được hạ thủy phát huy

Ưu điểm

Chiếc tàu vỏ thép với nghề lưới rê, số hiệu TTH.99999 do ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) làm chủ, sau 7 tháng thi công đã chính thức hạ thủy ngày 22/11 và sẽ có chuyến biển đầu tiên trong vài ngày đến. Đây là chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Hạ thủy tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân xã Phú Thuận (Phú Vang)

Ông Trần Văn Chiến tự hào: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề biển từ lâu đời. Thời chưa có ngư dân nào đóng tàu xa bờ, tôi đã mạnh dạn đóng tàu công suất 250 CV, lớn nhất tỉnh. Trước nhu cầu vươn khơi đánh bắt, tôi đóng mới thêm chiếc tàu trên 400 CV. Nhưng, sự hiện đại và ưu điểm của tàu vỏ gỗ không bằng tàu vỏ thép của tôi được hạ thủy, công suất trên 820 CV. Trên tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện nhằm đánh bắt hiệu quả, an toàn trong quá trình vươn khơi bám biển dài ngày”.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, chiếc tàu của ông Chiến được thiết kế và sản xuất theo yêu cầu tàu biển cấp 1, tiêu chuẩn Việt Nam, hoạt động an toàn trong vùng biển xa bờ, tốc độ di chuyển cao, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình vận hành. Kết cấu tàu vững chắc, có khả năng chống chịu va đập, sóng gió lớn, hạn chế thiệt hại khi bị va chạm trên biển. Nhiều tính năng ổn định cao nên việc đánh bắt thuận lợi, mọi sinh hoạt của thuyền viên trên tàu dễ dàng hơn. Tàu được thiết kế “thông minh”, có khoang cá, khoang chứa nhiên liệu lớn, tạo điều kiện vươn khơi bám biển dài ngày. Hệ thống nghi khí, thiết bị định vị, dò cá, ngư cụ hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo vệ lưới, cũng như bảo quản hải sản rất tốt.

Cần khơi thông luồng lạch

Hơn một tháng nữa, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm một chiếc tàu vỏ thép thứ hai được hạ thủy. Chiếc tàu này do ông Nguyễn Hôi ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) làm chủ, đang được đóng mới tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy sản Đông Á (Hải Phòng).

Thu mua cá đánh bắt xa bờ tại Cảng cá Thuận An

Ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An, là chủ nhân chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên của tỉnh đóng mới theo Nghị định 67 cho biết, ban đầu ông đăng ký đóng tàu vỏ thép. Nhưng sau khi cân nhắc, tính toán thì chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ. Ông Chinh cũng nhận thấy rằng, tàu vỏ thép độ an toàn cao trong quá trình đánh bắt, va chạm, khai thác dài ngày nên hiệu quả cao hơn tàu vỏ gỗ. Điều ông Chinh băn khoăn với tàu vỏ thép là kinh phí và hạ tầng chưa đồng bộ.

“Đóng chiếc tàu vỏ gỗ trên 800 CV chỉ 7-8 tỷ đồng, trong khi đó đóng tàu vỏ thép gấp đến ba lần. Đây là điều khó khăn đối với ngư dân trong việc trả nợ gốc, lẫn lãi cho ngân hàng. Hiệu quả đánh bắt tàu vỏ thép có thể cao hơn tàu vỏ gỗ, nhưng người dân vẫn còn chờ đợi xem hiệu quả vì tàu chưa đi vào hoạt động. Các trang thiết bị đều hiện đại, đắt tiền, nếu xảy ra sự cố, hư hỏng sẽ khó có điều kiện sửa chữa, thay thế. Nhiều chủ tàu đang đợi xem tính khả thi và hiệu quả thật sự mới chuyển sang đóng tàu vỏ thép cũng chưa muộn”, ông Phan Văn Chinh chia sẻ.

Trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có cơ sở sửa chữa, đóng tàu vỏ thép nên người dân còn ngại trong việc đóng tàu vật liệu mới. “Nếu đóng tại địa phương thì chắc chắn chi phí sẽ thấp hơn. Tám tháng lặn lội ra vào trông coi việc đóng tàu, vừa mất công, vừa tốn chi phí tàu xe, ăn ở; sau khi đóng xong, còn chi phí nhiên liệu lai dắt tàu về địa phương. Khi tàu gặp sự cố, hư hỏng trong quá trình đánh bắt, thiên tai phải ra tận Hải Phòng, hoặc các tỉnh khác để sửa chữa”, ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận nói.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, cảng biển, âu thuyền bị xuống cấp, hư hỏng, thiết kế lạc hậu cũng là bất cập khiến ngư dân còn e ngại đóng tàu vỏ thép. Luồng lạch, âu thuyền Phú Hải (Phú Vang) bị bồi lắng, chiều sâu chỉ còn 1,5 mét so với thiết kế là 2,5 mét. Hệ thống luồng lạch tại âu thuyền Phú Thuận, cảng Thuận An cũng rơi vào cảnh tương tự. Cửa biển Tư Dung, xã Lộc Bình (Phú Lộc) gần đây bị cạn trơ đáy, tàu thuyền không thể ra vào. Tại cửa biển Tư Hiền vào thời điểm nước lớn, tàu, thuyền mới có thể ra vào. Cửa biển Lạch Giang thuộc xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) bị bồi lắng, thu hẹp khiến hàng trăm tàu, thuyền phải thường xuyên nằm bờ…

“Yêu cầu của tàu vỏ thép là luồng lạch phải được khơi thông, cảng biển hiện đại… mới đảm bảo ra vào, cập cảng; trong khi những bất cập như vừa nêu là điều mà người dân chưa yên tâm”, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận chia sẻ.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình cho rằng, trước yêu cầu đánh bắt hải sản ngày càng hiện đại, bảo vệ chủ quyền biển đảo thì những khó khăn, bất cập hiện nay cần được giải quyết dứt điểm, nhằm động viên ngư dân mạnh dạn đóng tàu vỏ thép. Những nan giải, khó khăn về vốn đóng tàu đối với ngư dân, ông Bình cho biết, các ngân hàng sẵn sàng cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu vật liệu mới. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cần phải đầu tư cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu vỏ thép, vật liệu mới. Hệ thống luồng lạch phải được khơi thông, các cảng biển, âu thuyền trú tránh bão phải được nâng cấp, xây mới đảm bảo ra vào, neo đậu an toàn…

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình thông tin, tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, các ngành Trung ương đầu tư mở rộng Cảng cá Thuận An lên cảng loại 1; nâng cấp các âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận; có phương án nạo vét luồng lạch tại các cửa biển một cách hợp lý. Chủ trương của tỉnh đã được các Bộ, ngành thống nhất, tỉnh đã lập đề án, trình Chính phủ phê duyệt đầu tư, dự kiến bắt đầu triển khai từ đầu năm 2017.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top