ClockThứ Hai, 03/06/2019 06:15

Kiểm soát thí sinh “ảo”

TTH - Mặc dù đã đưa ra nhiều lời khuyên, song số lượng thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng để “dự phòng” khả năng trúng tuyển năm nay vẫn lớn, gây ra tình trạng thí sinh “ảo” và khó khăn cho các cơ sở đào tạo đại học (ĐH) khi xét tuyển.

Lo thí sinh “ảo”3 nguyên nhân dẫn tới thí sinh "ảo"

Thí sinh tìm hiểu ngành nghề của ĐH Huế năm 2019

Không thể tránh

Thống kê của bộ phận tuyển sinh ĐH Huế cho thấy, năm nay, có khoảng 52.000 tổng nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành của ĐH Huế (tổng chỉ tiêu là 12.086); trong đó, nguyện vọng 1 có khoảng 15.500 thí sinh. Trung bình, mỗi thí sinh đăng ký 1 - 6 nguyện vọng, phổ biến nhất là ở mức 3 nguyện vọng.

Theo quy chế, năm nay thí sinh vẫn được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, nhưng đó lại là lý do khiến tình trạng thí sinh “ảo” rất khó kiểm soát. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng nên với các trường hợp đăng ký nhiều nguyện vọng chắc chắn xảy ra tình trạng “ảo”, trong đó từ nguyện vọng 3 trở đi khả năng nhập học của thí sinh rất thấp. Ngay cả nguyện vọng 1 (nguyện vọng được thí sinh ưu tiên lựa chọn nhất) cũng vẫn có “ảo”, bởi hằng năm có tình trạng thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, rẽ sang con đường du học, xuất khẩu lao động, đi học nghề…

Nhìn vào số liệu chung, tuy tổng số nguyện vọng 1 tại một số cơ sở đào tạo lớn hơn so với đặt chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2019, nhưng số lượng đăng ký không trải đều ở tất cả các ngành mà tập trung vào một số ngành, đơn vị. “Năm nay, nhiều đơn vị và ngành có lượng thí sinh đăng ký lớn, điển hình như Khoa Du lịch có 1.150 chỉ tiêu xét kết quả thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia, nhưng có đến 7.451 thí sinh, với 10.113 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó, có 3.186 nguyện vọng 1 (tăng 782 nguyện vọng 1 so với năm 2018); hay Trường ĐH Ngoại ngữ có 5.717 thí sinh đăng ký xét tuyển với 7.854 nguyện vọng trên tổng số 1.410 chỉ tiêu (nguyện vọng 1 là 2.112, tăng 152 nguyện vọng 1 so với 2018)… song khó khẳng định tất cả thí sinh đăng ký sẽ vào học. Hơn thế, tuy số lượng chung vượt chỉ tiêu, nhưng có ngành quá nhiều người chọn, một số ngành lại thiếu thí sinh. Khi xét tuyển phải dựa vào chỉ tiêu từng ngành, không thể lấy quá nhiều, đó là trăn trở của các cơ sở đào tạo”, đại diện ĐH Huế nói.

Không chỉ với các thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, đối với phương thức xét tuyển học bạ cũng có tình trạng “ảo”. Nhiều thí sinh đăng ký nhưng không xác nhận nhập học, một số trường hợp vẫn muốn chờ đợi cơ hội sau kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Lọc "ảo" kỹ

Theo đại diện ĐH Huế, trường hợp thí sinh đăng ký nhiều ngành trong các trường thành viên thì ĐH Huế và các trường có thể nắm được dữ liệu và dễ hơn trong việc kiểm soát "ảo", điều tiết và tính toán điểm chuẩn, song thực tế vẫn có tình trạng thí sinh đăng ký nhiều ngành ở nhiều trường và địa phương khác nhau. Cách đăng ký trên gây khó trong xét tuyển tại các cơ sở đào tạo, nhất là tính toán để đưa ra điểm chuẩn phù hợp cho từng ngành, từng đơn vị.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết, năm nay cả nước có hai nhóm lọc "ảo" và ĐH Huế sẽ tham gia nhóm lọc "ảo" phía nam. Điều thuận lợi là khả năng nhóm lọc "ảo" phía nam sẽ tăng thêm khoảng 30 trường so với năm ngoái. Số lượng trường tham gia lọc "ảo" nhiều thì sẽ hạn chế tốt hơn nguy cơ "ảo".

Việc lọc "ảo" chính thức diễn ra sau khi thí sinh thi THPT Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép và cung cấp dữ liệu. Dự kiến, ĐH Huế cùng các đơn vị trong nhóm lọc "ảo" phía nam sẽ tiến hành khoảng 3 đợt lọc "ảo". Trong giai đoạn hiện nay, ĐH Huế và các cơ sở giáo dục sẽ tiến hành họp bàn, đưa ra những cam kết trong việc lọc "ảo", xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến kỹ thuật, phầm mềm lọc "ảo"…

Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ, năm nay ĐH Huế tổ chức đợt 1 xét học bạ sớm hơn mọi năm và thông báo thông tin trúng tuyển, đồng thời tổ chức cho thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học sớm. Cách làm này sẽ “loại” sớm các thí sinh "ảo" xét tuyển theo phương thức này tại ĐH Huế, đồng thời tiếp tục đưa ra thông tin đợt xét tuyển tiếp theo.

Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh vẫn còn một cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi THPT Quốc gia. Trong giai đoạn này, các cơ sở đào tạo tiếp tục tư vấn, truyền thông mạnh mẽ để thí sinh đưa ra quyết định chính xác nhất trong cơ hội “chốt” ngành nghề đăng ký lần cuối.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top