ClockThứ Ba, 12/09/2017 09:09

Kiệt rộng, đường tốt mà... lo

TTH - Ngồi đợi bạn ở một quán nước trên đường Lê Ngô Cát (TP. Huế), ở bàn kế bên có 2 người đàn ông cũng đang thong dong cà phê và trò chuyện đủ thứ trên đời dưới đất. Chuyện đông chuyện tây hết, họ chuyển sang chuyện đường kiệt mới được mở rộng, đổ bê tông và đưa vào sử dụng chưa lâu.

Đó là kiệt 65 Lê Ngô Cát. Đường kiệt này dẫn vào cổ tự Đông Thuyền, nhà hàng Chân Đồi và thông ra đường Minh Mạng. Cách đây chưa lâu, đây là con kiệt nhỏ hẹp, quanh co. Nay được mở rộng đến 5-7 m, các khúc cua đều được nắn lại cho thẳng thớm, điểm tiếp giáp với đường Lê Ngô Cát được bù đất, đá, bê tông hạ đáng kể độ cao của con dốc vốn trước kia rất ngược và nguy hiểm. Kiệt 65 sau ngày được nâng cấp đã trở thành một đường kiệt đẹp, dẫn qua những khu vườn, những biệt thự, những đồng rau mát xanh, yên bình. Cảnh sắc không phải dễ kiếm ở đô thị.

- Đường đẹp rứa, đất đai chắc chẳng mấy chốc mà lên giá. Trước mắt bà con mình ăn ở, đi lại cũng sướng- một người có lẽ không phải dân sở tại lên tiếng.

- Sướng chi anh ơi, chưa mừng đã lo đây này.

- Cha ni nói lạ. Đường to đẹp, ngon ơ như rứa, phải mừng chứ mắc mớ chi lo. Cũng chưa nghe tăng thuế đất thuế đai chi. Mà thuế đất tăng thì giá đất tăng, nước nổi bèo nổi...

- Không phải lo chuyện nớ. Tui nói lo đây là lo tai nạn kia.

- Ừ hè, đường ngon thì tụi choai choai xe máy cũng chạy rật rật. Có tình trạng đó thiệt. Ở nông thôn sau bê tông hóa bà con cũng la làng chuyện nớ ghê lắm.

- Xe máy chạy rật rật đã đành, ở con kiệt ni còn thêm cái nạn xe ben chở cát sạn đua nhau chạy. Đường ngon, mát mẻ, quan trọng là “thoát” được chốt CSGT thường đứng ở đầu đường Minh Mạng, cho nên xe ben cứ kiệt ni mà chạy. Dân trong xóm kêu trời không thấu. Đó thấy chưa, lại một “thằng” quẹo vô nữa rồi đó.- vừa nói, người đàn ông đưa tay chỉ chiếc xe ben loại 4 khối từ hướng Huyền Trân Công Chúa về và đang phăm phăm đánh tay lái đổ dốc kiệt 65.

- Rứa địa phương không có ý kiến à, sao không lên phường mà báo?

- Chẳng rõ. Nhưng báo chi, trong xóm có cán bộ tổ dân phố sống sờ sờ ra đó...

Câu chuyện đến đây thì bạn tôi đến và chúng tôi có việc phải rời đi. Sau này, tôi thử quay lại một vài lần xem “sự thể” nó thế nào thì chuyện quả như người đàn ông đã than vãn. Nhưng biết làm sao, đường làm ra thì để người đi xe chạy. Không có biển cấm thì xe ben hay xe tải người ta vẫn cứ lưu thông. Và nỗi lo lắng của người đàn ông kia hẳn sẽ còn dài dài.

Hy Khả

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên… “bế mạc”

Công trình đã không đeo được thì tấm biển gắn tên đơn vị chịu trách nhiệm cũng nên… “bế mạc”, chứ cứ để vậy, ông đi qua bà đi lại nhìn vào, trông rất phản cảm.

Nên… “bế mạc”
Cần một giải pháp căn cơ cho điểm giao thông Lê Ngô Cát-Trần Thái Tông

Ngã ba đường Lê Ngô Cát - Trần Thái Tông thuộc giáp giới địa phận 2 phường Trường An và Thủy Xuân (Tp Huế) là điểm mà mặt đường thường xuyên bị phá hỏng trong mỗi mùa mưa bão. Chỉ cần hôm nào đó mưa to, hãy đến đây bạn sẽ thấy điều này hết sức dễ hiểu.

Cần một giải pháp căn cơ cho điểm giao thông Lê Ngô Cát-Trần Thái Tông
Những cây thông ở đường Lê Ngô Cát

Trong quy hoạch cây xanh đô thị Huế từng được thông tin trên báo chí, cây thông là loài cây được chọn trồng cho tuyến đường Lê Ngô Cát. Sở dĩ như vậy là bởi đây là tuyến đường dẫn lên các di tích, danh thắng quan trọng của Huế như Đàn Nam Giao (ở đầu đường) rồi chùa Đông Thuyền, chùa Từ Hiếu, lăng mộ Thái Phiên, Trần Cao Vân, Trần Thúc Nhẫn. Lên chút nữa là Vạn Niên- Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh... Cả một không gian cổ kính, hoài niệm như thế, cây thông là một lựa chọn hợp lý và thông minh. Hãy thử tưởng tượng, cung đường đẹp và mềm như lụa ấy được viền đôi bên bởi đôi hàng thông cổ thụ, rồi hòa vào với rừng thông của những di tích danh thắng thì sẽ đẹp và lãng mạng đến nhường nào?

Những cây thông ở đường Lê Ngô Cát
Return to top