ClockThứ Năm, 23/10/2014 13:12

Kinh doanh kiểu cơm muối

TTH - Câu chuyện Nhà hàng Ý Thảo với bữa cơm muối quý phái ở Huế nhiều người biết. Nó lạ, gây tò mò và rồi đông khách ở chỗ chỉ là muối thôi mà chủ nhân của nhà hàng này đã sáng tạo nên cả chục món ăn và xem ra nhiều trong số đó mới nghe thôi cũng đã thèm, kiểu như tôm rang muối ăn với muối ớt xanh, cháo ngũ sắc ăn với muối trắng được ủ trong ché; xôi 3 màu phượng hoàng ăn với muối mè; hành muối, kiệu muối nhâm nhi với rượu làng Chuồn...Lại nữa, thức uống hỗ trợ rượu Chuồn là nước chanh muối.

Chuyện cơm muối ở Nhà hàng Ý Thảo tăng thêm độ tò mò và hấp dẫn khi được biết, nó được khéo léo gắn liền với một tài danh là cụ Nguyễn Tuân. Nghe đâu thuở ấy, Nguyễn Tuân theo thân sinh vào Huế. Có lần hai cha con ông được một người bạn ở miệt Kim Long mời một bữa cơm muối nhớ đời. Bữa cơm muối cứ mãi ám ảnh và ông đã tái hiện lại trong tác phẩm nổi tiếng “Vang bóng một thời”. Tôi nghe chuyện rằng, bà chủ nhà hàng Ý Thảo khi tổ chức kinh doanh “cơm muối” kia trước đó đã bày tỏ ý tưởng sẽ phục hiện bữa cơm muối quý phái dựa theo khảo tả của cụ Nguyễn Tuân. Ghê thật, nghe thôi cũng muốn một lần thử tý xem sao.

Tiếc rằng, kinh doanh mà tạm gọi là “kiểu cơm muối” kia tỏ ra quá hiếm hoi ở Huế. Làm chi bây giờ tại đây cũng nghe than nghèo và kể khổ. Ví như chuyện kinh doanh tranh. Huế có hẳn cả một trường đại học mỹ thuật, với cả một đội ngũ họa sĩ yêu nghề và thừa nhiệt huyết, là thành phố du lịch. Thiết tưởng, đó là điều kiện lý tưởng cho họat động kinh doanh này phát triển, vậy nhưng rồi mọi thứ đều khó khăn và Huế vẫn chưa có một thị trường tranh đúng nghĩa. Hay như nói rộng ra là chuyện kinh doanh du lịch. Đụng vào đâu cũng thấy khó và bế tắc, từ hàng lưu niệm đến nhà hàng, khách sạn hay điểm biểu diễn nghệ thuật...

Trong kinh doanh, mỗi thứ và mỗi lĩnh vực đều có thuận lợi hay khó khăn riêng. Bên cạnh những nguyên tắc chung lại có những vấn đề riêng. Vậy nên, nó đòi hỏi ở người kinh doanh một khả năng đặc biệt và trong thời đại hiện nay cần thiết phải trải qua sự đào tạo khổ luyện. Điều kiện của Thừa Thiên Huế khiến cho vùng đất này gặp khó trong phát triển công nghiệp hay nhiều ngành kinh tế đòi hỏi về thị trường, nguồn vốn huy động hay nguồn nhân lực...Tuy nhiên, có những lĩnh vực như văn hóa và du lịch chẳng hạn thì lại là thế mạnh. Không biết cách hái ra tiền từ đó cũng đồng nghĩa với sự kém cỏi.

Còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, thế nhưng với kiểu “cơm muối” đặt ra suy nghĩ về việc cần có và phải biết cách khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh. Nó phải bắt đầu từ những con người tâm huyết, có sự hiểu biết về đối tượng khách hàng hướng tới, dám làm và dám chịu thách thức. Không thể đòi hỏi người họa sĩ về khả năng kinh doanh tranh vẽ. Công việc đó thuộc về các nhà kinh doanh. Họa sĩ và những sản phẩm của anh mới chỉ là “muối”. Ở đây còn thiếu những con người như bà chủ nhà hàng Ý Thảo.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top