ClockThứ Năm, 05/05/2016 05:57

Kinh tế châu Á duy trì đà tăng trưởng tích cực

TTH - Theo Báo cáo “Triển vọng Kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong hai năm 2016 và 2017 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, bất chấp sự sụt giảm của một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản.

Báo cáo của IMF vừa được công bố ngày 3/5 dự báo, tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ vẫn mạnh mẽ ở mức 5,3% trong năm nay và năm tới, mặc dù có giảm nhẹ so với mức dự báo 5,4% đưa ra trước đó những vẫn chiếm gần 2/3 tăng trưởng toàn cầu, nhờ nhu cầu nội địa bù đắp cho suy giảm kinh tế do hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút gây ra.

Kinh tế châu Á được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2016-2017. Ảnh: Eaber

Tại cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) một ngày trước đó, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cũng cho rằng, kinh tế châu Á đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2016, trong đó Ấn Độ và Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế toàn châu lục.

Triển vọng khác nhau

Có sự khác biệt trong triển vọng phát triển của từng nước trong khu vực. Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo ở mức 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017, tiếp tục giảm so với tốc độ tăng trưởng 6,9% của năm 2015 - mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua tại nước này.

Đối với nền kinh tế Nhật Bản, IMF hạ sự báo tăng trưởng xuống mức 0,5% trong năm 2016, trước khi giảm xuống -0,1% vào năm 2017 do ảnh hưởng của việc tăng thuế tiêu dùng theo kế hoạch. Thêm vào đó, vấn đề dân số lão hóa và nợ công cao vẫn tiếp tục gây tác động lớn đến tăng trưởng dài hạn của Nhật Bản.

Ngược lại, một số nền kinh tế khác trong khu vực lại được dự báo sẽ phát triển tích cực. Ấn Độ đang được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và vẫn là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới, với GDP dự kiến ​​sẽ tăng 7,5% trong năm nay và năm sau.

Đáng chú ý, ở Đông Nam Á, Việt Nam được IMF đánh giá là nước dẫn đầu các nền kinh tế đang phát triển nhanh trong khu vực, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng trong xuất khẩu của các thiết bị điện tử và sản xuất may mặc. Đối với Philippines và Malaysia, tăng trưởng dự kiến ​​sẽ vẫn đạt mức cao, được củng cố bởi nhu cầu trong nước ổn định.

Thách thức tiềm ẩn

Tuy nhiên, khu vực này cũng phải đối mặt với một số thách thức bên ngoài, bao gồm tăng trưởng chậm ở các nền kinh tế tiên tiến, suy thoái ở các thị trường mới nổi, thương mại toàn cầu yếu, giá cả hàng hóa liên tục ở mức thấp, và các thị trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động. Những rủi ro này hòa trộn với các lỗ hổng trong nước, chẳng hạn như nợ cao phát sinh trong những năm gần đây. Trong ngắn hạn, quá trình chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc sẽ phá vỡ quan hệ với các đối tác trong khu vực, theo nhận định của IMF.

Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị và các chính sách trong nước không chắc chắn làm tăng thêm nguy cơ phá vỡ các cơ hội thương mại tiềm năng hoặc làm nhu cầu nội địa sụt giảm. Thiên tai cũng có thể làm đảo ngược lợi ích kinh tế, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và các quốc gia nhỏ (bao gồm cả các đảo Thái Bình Dương).

Tuy nhiên, báo cáo của IMF cũng lưu ý rằng, kết quả thực tế có thể sẽ tích cực hơn dự báo. Giá hàng hóa thấp có thể là một động lực lớn để đẩy mạnh sự phát triển các nền kinh tế trong khu vực hơn dự kiến; các hiệp định thương mại khu vực và đa phương, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể có lợi cho châu Á-Thái Bình Dương ngay cả trước khi được phê duyệt.

Tăng cường khả năng phục hồi và tăng trưởng

Trong khi các nền kinh tế châu Á có vùng đệm vững chắc và đang có vị trí tương đối tốt để đối mặt với những thách thức phía trước, các nước vẫn cần phải áp dụng các chính sách kinh tế phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng và giảm nguy cơ tiếp xúc với rủi ro toàn cầu và khu vực. Ví dụ như, nhờ vào việc thiết lập các chính sách tiền tệ thích hợp và lạm phát vẫn ở mức thấp, các nước có khả năng cắt giảm lãi suất nếu cần thiết để đẩy mạnh nhu cầu trong nước.

Về mặt tài chính, củng cố từng bước là mong muốn chung để xây dựng lại không gian chính sách, nhưng các quốc gia có thể điều chỉnh thành phần chi tiêu trong cơ sở hạ tầng và các chi tiêu xã hội của các nền kinh tế theo hướng phát triển thân thiệt và tập trung vào những mặt cần thiết trước.

Theo nhận định của IMF, tỷ giá hối đoái linh hoạt nên tiếp tục là phương pháp đầu tiên để chống lại những cú sốc bên ngoài. Đồng thời, ngoại hối và các biện pháp can thiệp lưu lượng vốn cũng có thể được triển khai trong các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi điều kiện thị trường bất ổn. IMF cũng lưu ý, khu vực đã sử dụng rộng rãi các chính sách vĩ mô để đối phó với biến động, với rủi ro tài chính và nên tiếp tục duy trì như một biện pháp bổ sung cho chính sách tiền tệ và tài khóa.

Bloomberg trích dẫn báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh rằng, cải cách cơ cấu là việc cần thiết để giúp thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng và tạo điều kiện cho sự tái cân bằng. Đánh giá cao những cải cách trước đây của khu vực, IMF cho rằng chúng đã phát huy tốt hiệu quả và tạo điều kiện cho nền kinh tế châu Á hội nhập vào thị trường toàn cầu.

Giải quyết vấn đề bất bình đẳng ngày càng tăng

Nghiên cứu thứ ba trong báo cáo của IMF cho rằng, sự bất bình đẳng gần đây đã gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Á, với mức tăng trưởng ít có lợi cho người nghèo hơn so với quá khứ. Theo kết luận của báo cáo, việc cải cách cơ cấu, cùng với chính sách tài khóa, có thể giúp giảm bớt sự bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hơn. Các quốc gia sẽ cần phải giải quyết sự bất bình đẳng về cơ hội, đặc biệt là sự cần thiết phải mở rộng tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ tài chính, cũng như giải quyết tính hai mặt của thị trường lao động.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ IMF, Bloomberg & Businesstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top