ClockThứ Ba, 17/09/2019 09:09

Kỹ thuật mới cứu chữa nhiều bệnh tim nguy hiểm

TTH - Bên cạnh dấu ấn thành công những ca ghép tim "xuyên Việt", gần đây, Trung tâm Tim mạch (TTTM), Bệnh viện (BV) Trung ương Huế chủ động cứu chữa những ca bệnh tim khó, nguy hiểm nhờ nghiên cứu, tiếp cận các kỹ thuật mới.

Nghiên cứu thành công kỹ thuật mới trong điều trị động mạch vànhMột kỹ thuật mới trong điều trị ung thư vú

Nhiều trẻ mới sinh ra mắc bệnh lý tim mạch được TTTM, BV Trung ương Huế cứu chữa thành công

Đầu tháng 8, TTTM, BV Trung ương Huế tiếp nhận một bé gái 6 tháng tuổi (thị trấn Phú Thiện, Gia Lai) bị bệnh lý tim bất thường trong quá trình tạo hình trái tim lúc phôi thai dẫn đến động mạch phổi và động mạch chủ “đổi chỗ”. Từ ngày sinh ra, cháu được người thân cứu chữa nhiều nơi. Khi đến BV Trung ương Huế, cháu ở trạng thái suy hô hấp cấp nên được các bác sĩ hội chẩn, tiến hành xử lý chuyển vị đại động mạch để chấm dứt tình trạng suy tim.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ, các bác sĩ phải cho tim ngừng đập, sử dụng máy tim phổi nhân tạo hoạt động thay cho chức năng của tim và phổi. Các phẫu thuật viên (PTV) cắt rời 2 động mạch lớn ra khỏi 2 tâm thất, nối lại động mạch vành và nối 2 động mạch lớn lại về đúng vị trí giải phẫu bình thường, đó là động mạch chủ nối với tâm thất trái, động mạch phổi nối với tâm thất phải. Sau một tháng theo dõi hồi sức, sức khỏe cháu ổn định, da hồng hào, bú sữa mẹ và tăng cân so với trước.

Bác sĩ Trần Hoài Ân, Giám đốc TTTM, BV Trung ương Huế chia sẻ, trường hợp các bệnh tim bẩm sinh như trên, các y, bác sĩ ở TTTM đã thực hiện thường quy trong nhiều năm qua; trong đó có trường hợp phức tạp như chuyển vị động mạch chủ bị xoắn, phẫu thuật nối động mạch phổi khá phức tạp cho các trẻ mới sinh ra trọng lượng chưa đến 2kg nhưng được cứu sống một cách "kỳ diệu".

Bên cạnh phẫu thuật các trường hợp bệnh lý tim bẩm sinh nói trên, TTTM triển khai kỹ thuật tiên tiến thông tim can thiệp, đóng ống động mạch qua da bằng dụng cụ y khoa (hay còn gọi kỹ thuật bít dù), như nong hẹp van động mạch phổi, động mạch chủ, thông liên thất, thông liên nhĩ cho trẻ bị mắc bệnh lý tim bẩm sinh. Trước đây với những bệnh này, phải tiến hành mổ tim hở để vá nhưng hiện với kỹ thuật mới, các bác sĩ chỉ đưa một dụng cụ nhỏ chứa một chiếc dù dạng thu gọn, qua tĩnh mạch bẹn lên thất trái. Khi đến vị trí cần can thiệp, dù sẽ mở bung ra để bịt lỗ thông. So với phương pháp mổ hở, phương pháp này có tỷ lệ thành công đạt gần100%, không để lại sẹo. Sau mổ 1, 2 ngày bệnh nhân có thể xuất viện, giảm được nhiều chi phí.

Mới đây, nhờ nghiên cứu, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến thế giới, TTTM, BV Trung ương Huế đã cứu chữa nhiều bệnh suy tim nặng, bằng cách tái tạo van động mạch chủ màng tim tự thân; kỹ thuật điều trị phình động mạch chủ bằng phương pháp đặt Stent Graft; kỹ thuật ECMO (phương pháp oxy hóa qua mang ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ, duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng)...

Đặc biệt, với phương pháp tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân, các bác sĩ ở đây nhận xét là kỹ thuật khá phức tạp. Ngoài tính cẩn trọng tiên lượng ê kíp bác sĩ gây mê, trọng trách đặt lên vai người PTV nặng nề. PTV sẽ cưa xương ức, bộc lộ màng tim, dùng kéo hoặc dao điện lấy tổ chức mỡ ở bề mặt màng tim, sau đó dùng màng tim để tạo hình van động mạch chủ. Từ đó, van động mạch chủ bằng màng tim được sắp xếp thích ứng, đảm bảo các chức năng hoạt động tốt, giảm biến chứng và đào thải van động mạch được thay thế. Tính ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là do van động mạch chủ được làm từ “nguyên liệu” là màng tim của bệnh nhân nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Bên cạnh đó, chi phí điều trị cho bệnh nhân thay van động mạch chủ giảm, vì bệnh nhân không phải mua van tim nhân tạo nhưng nó lại bền hơn.

Bác sĩ Trần Hoài Ân thông tin thêm, nhờ triển khai các kỹ thuật tiên tiến, hiện mỗi năm đơn vị tiến hành điều trị phẫu thuật khoảng 1 nghìn trường hợp bệnh lý tim khó, nguy hiểm đến từ các vùng, miền trong cả nước vốn lâu nay phải ra nước ngoài chữa trị; trong đó gần 100% ca bệnh được phục hồi, đảm bảo sức khỏe; tăng gấp 1,5 lần so với thời gian trước. Mỗi năm TTTM còn tiếp nhận hơn 5 nghìn trường hợp chụp, can thiệp bằng kỹ thuật Stent Graft... liên quan đến các bệnh lý tim mạch.

Không chỉ chủ động triển khai thường quy các kỹ thuật nói trên, TTTM phối hợp với các tổ chức từ thiện trong, ngoài nước khám sàng lọc tim bẩm sinh ở các địa phương và tiến hành mổ miễn phí cho các trường hợp có chỉ định. Qua đó, chuyển giao các kỹ thuật mới cho các bác sĩ chuyên khoa ở BV vệ tinh ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, góp phần cứu chữa những trường hợp bệnh tim khó, nguy hiểm để giảm tải tuyến trên.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm

Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng, sắp trổ đại trà, một số diện tích gieo cấy sớm đã trổ. Đây là giai đoạn quan trọng trong các thời kỳ sinh trưởng của lúa, gần như quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm tốt của vụ mùa với điều kiện không bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại.

Lúa đang làm đòng, trổ bị sâu bệnh gây nguy hiểm
ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Cảnh báo bỏng do pháo tự chế

Chỉ trong vài ngày, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 4 ca bị bỏng do pháo tự chế mua trên mạng internet. Trong số này, một trường hợp bỏng nghiêm trọng đang được lên kế hoạch phẫu thuật.

Cảnh báo bỏng do pháo tự chế

TIN MỚI

Return to top