Thể thao trong nước

Kỳ tích bắn cung

ClockThứ Tư, 02/10/2019 10:05
TTH.VN - Chỉ trong năm 2019, bên cạnh những tấm huy chương giành được, bắn cung Huế đã thiết lập thành tích ngang bằng kỷ lục quốc gia và lập nên kỷ lục quốc gia mới sau 12 năm tồn tại...

Nữ cung thủ Cố đô phá kỷ lục quốc gia tồn tại từ năm 2007

“Địa chấn” đến từ nữ cung thủ


Nữ cung thủ Thanh Nhi - VĐV tạo nên "địa chấn" ở nội dung cung 1 dây chỉ sau hơn 4 năm tập luyện

Đầu tiên là tấm HCV cung 1 dây cự ly 30m nữ tại giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc tổ chức vào tháng 4 ở Hà Nội. Tiếp đó, là tấm HCV 60m nữ tại giải vô địch bắn cung trẻ toàn quốc vào tháng 7 ở Vĩnh Long. Và, với 336 điểm có được ở nội dung cung 1 dây 60m nữ, Nguyễn Thị Thanh Nhi - tuyển bắn cung Huế đã vươn lên ngang bằng kỷ lục quốc gia do cung thủ Nguyễn Thị Phương (Phú Thọ) thiết lập vào năm 2017 và tồn tại cho đến nay.

Sau đó 1 tháng ở Hà Nội, nữ cung thủ Cố đô gây nên cơn “địa chấn” trong làng bắn cung Việt Nam khi tại giải vô địch các đội mạnh quốc gia, ngoài tấm HCB nội dung đồng đội nữ cự ly 70m cùng với Nguyễn Thị Thanh Thảo và Phùng Thị Bích Phương, một mình Thanh Nhi đã thể hiện phong độ tuyệt vời giành trọn số huy chương còn lại của đoàn Thừa Thiên Huế với 1 HCV (cự ly 30m), 1 HCB (cự ly 60m) và 1 HCĐ (cự ly 70m), đồng nghĩa, là chủ nhân của tổng số huy chương bắn cung Huế giành được tại giải đấu này.

Đáng nói hơn, với tấm HCV cá nhân cự ly 30m cùng 352 điểm đạt được, Thanh Nhi đã phá kỷ lục cũ tồn tại cách đây 12 năm của VĐV Nguyễn Thị Hương (Bắc Kạn, 351 điểm) và thiết lập nên kỷ lục quốc gia mới.

Đến với bắn cung từ cuối năm 2015, khi đó, cô gái sinh năm 2001 đang là học sinh lớp 8 Trường THCS Đặng Văn Ngữ và “như tờ giấy trắng” với môn thể thao này. Sau khi qua vòng sơ tuyển, phải đến cuối tháng 6/2016, Thanh Nhi mới có tên trong danh sách tuyển năng khiếu của bộ môn bắn cung Huế. “Thời điểm qua sơ tuyển nhưng chưa được vào năng khiếu, tôi cứ lo em bỏ ngang do tập luyện nhưng không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Mừng là hơn nửa năm trời tập luyện, Thanh Nhi vẫn nhiệt tâm với niềm đam mê của mình không một lời than trách”, HLV trưởng bắn cung Huế - Lại Đăng Quang chia sẻ.

Chính thức vào năng khiếu, tài năng của Thanh Nhi nhanh chóng bộc lộ khi chưa đầy 1 năm, Thanh Nhi đã khoác áo tuyển trẻ quốc gia với sự vượt trội về khả năng giữ thăng bằng, sự tập trung và dẻo dai của tay, vai. Không chỉ vậy, qua những lần thi đấu ở cự ly sở trường 30m, Thanh Nhi còn khiến nhiều đối thủ và chuyên gia phải ngạc nhiên trước khả năng bắn chụm hồng tâm khi những mũi tên cách nhau chỉ trong khoảng 8mm, thậm chí không ít lần bắn chẻ tên (tên sau bắn trúng đuôi tên trước). Với tài năng của mình, hiện, Thanh Nhi trở thành tay cung chủ lực của tuyển bắn cung Huế ở mọi đấu trường chỉ sau hơn 4 năm đến với bộ môn này.

Lộ trình phía trước

Thành lập từ năm 2014, đến nay, bộ môn bắn cung Huế với 8 VĐV vẫn đang tập nhờ sân của Đoàn bóng đá Huế. Thật ra trước đó, khó khăn của bộ môn bắn cung không chỉ ở sân bãi mà còn ở dụng cụ tập luyện khi mà không ít lần, nữ cung thủ Thanh Nhi cùng đồng đội phải mượn cung tên của đơn vị bạn để tập luyện, thi đấu do cung tên được trang bị đã xuống cấp, không đảm bảo lực kéo và độ chính xác. "Hiện bộ môn đã được trang bị 1 bộ cung tên mới, và đến cuối năm nay sẽ tiếp nhận thêm một bộ nên vấn đề về dụng cụ tập luyện, thi đấu xem như được giải quyết", HLV Lại Đăng Quang thông tin.


Tuyển bắn cung hiện vẫn đang tập nhờ sân của Đoàn bóng đá Huế

Trước sự quan tâm kịp thời của tỉnh, của ngành cũng như tiềm năng có tính dự báo của bộ môn bắn cung, bên cạnh giải quyết vấn đề sân bãi thì thể thao Huế nên cân nhắc đưa cung 1 dây vào nhóm môn đầu tư trọng điểm, cũng như phát triển thêm nội dung cung 3 dây. Bởi, cũng như cung 1 dây, cung 3 dây có 18 bộ huy chương - số lượng khả quan để làm “dày” thêm thành tích thể thao Huế trên bản đồ thể thao quốc gia hằng năm. Thứ nữa, với độ ổn định hơn cung 1 dây, VĐV cung 3 dây dễ đạt thành tích cao trong thời gian ngắn.

Trong thời điểm đang sở hữu một dàn VĐV trẻ triển vọng cùng tay cung tài năng Thanh Nhi với nhiều khả năng được khoác áo tuyển quốc gia thì đề xuất trên có tính khả thi, bởi, “độ chín” của cung thủ thường trong giai đoạn 25 - 30 tuổi và có tuổi nghề rất dài (vẫn có những nhà vô địch thế giới ở độ tuổi 40-45). Và đó là nền tảng để thể thao Huế nói chung, bắn cung nói riêng gặt hái những thành tích cao hơn, nhiều hơn, cũng như xây cho mình nền tảng vững chắc trong lộ trình phát triển phía trước.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắn cung Huế xếp thứ 7/15 đoàn thi đấu

Giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia năm 2024 diễn ra tại Thừa Thiên Huế vừa kết thúc. Các cung thủ của đội chủ nhà đạt 2 HCB, 1 HCĐ xếp vị trí thứ 7/15 đoàn thi đấu.

Bắn cung Huế xếp thứ 7 15 đoàn thi đấu
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Sôi nổi các hoạt động thể thao ngày 10/3

Lễ phát động “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải việt dã truyền thống lần thứ 22 - 2024 do TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra sáng 10/3. Hoạt động lần này chứng kiến số lượng VĐV tham dự tăng đột biến.

Sôi nổi các hoạt động thể thao ngày 10 3
Giấc mơ Huế của cung thủ Thanh Nhi

Công dân tiêu biểu Nguyễn Thị Thanh Nhi trong màu áo đội tuyển quốc gia đang khát khao chinh phục những đỉnh cao và mong ước sau này góp phần đưa môn thể thao bắn cung Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới.

Giấc mơ Huế của cung thủ Thanh Nhi
Hơn 1.300 VĐV tham gia giải chạy gây quỹ vì người nghèo

Giải chạy “Thủy Lương Jogging 2024” – giải chạy gây quỹ "Vì người nghèo" trên địa bàn P. Thủy Lương diễn ra sáng 28/1. Đây là lần đầu tiên TX. Hương Thủy nói chung, P. Thủy Lương nói riêng gây quỹ hỗ trợ người nghèo thông qua hình thức này.

Hơn 1 300 VĐV tham gia giải chạy gây quỹ vì người nghèo
Return to top