ClockThứ Hai, 30/07/2018 08:23

Ký ức mưa giông

TTH - Những ánh chớp lóe sáng trên bầu trời. Tia sáng xẹt nhanh vạch những đường mảnh như sợi chỉ trên bầu trời mây đen đã phủ kín. Rồi tiếng sấm ì oàm từ xa vọng lại.

Tiếng sấm mỗi lúc một gần và bầu trời như sắp vỡ ra với những tiếng “đùng, đoàng” mạnh mẽ. Dấu hiệu của một cơn mưa giông thật dữ dội!

Rồi những giọt mưa to thật là to rơi lộp bộp trên mái nhà. Trên chiếc sân rộng, những hạt mưa là những chấm tròn như đang chơi trò xếp chữ hay tô màu. Chỉ một thoáng chiếc sân gạch đã kín một màn nước. Đất trời như giãn ra để đón những hạt mưa mát lành của mùa hạ nóng bức. Em bỗng nhớ đến lời nhỏ bạn ngồi kề bên: “Mưa giông mùa hạ giá trị như vàng!”. Em bỗng nhớ lần cả nhóm về thăm nhà nhỏ. Con đường làng kín đầy rơm vàng. Nắng tháng năm như cháy trên đầu, hương thơm của mùi rơm mới quấn quýt lấy những bàn chân, nhỏ Nguyện nghịch nhất lớp bỗng bần thần cất giữ những sợi rơm vương vào chân, giọng chùng xuống: “Bữa ni thi xong tụi mình về nhà nhỏ Quyên chơi chứ ít bữa nữa lo thi đại học có thời gian mô mà đi, sang năm mỗi đứa mỗi nơi nên có thể thiệt lâu nữa mới về nhà Quyên, khi nớ chắc chi còn cảnh ngồi gỡ rơm này”, câu nói của nhỏ Nguyện tự nhiên làm cả bọn bỗng quý mấy sợi rơm lạ, thế là đứa nào cũng cất một vài sợi trong cặp, có đứa kẹp trong vở…

Ngồi chơi chưa ráo mồ hôi bỗng bầu trời tối sầm lại rồi tiếng sấm ầm ào dội đến. Ba, mạ và chị của Quyên chạy vội ra sân cuống cuồng hốt lúa phơi trên sân vào bao, cả bọn cũng ào ra phụ giúp. Lúa phơi được nắng thơm nồng và có màu vàng óng. Những hạt lúa vàng chích nhẹ vào tay, chân. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ cái cảm xúc ấy, cái cảm xúc em bỗng nhận ra một điều đơn giản là hạt gạo em ăn hàng ngày, những hạt gạo mềm mại khi em vo gạo nấu cơm ấy, trước đó là những hạt lúa có lớp vỏ mỏng vàng óng, có hai đầu nhòn nhọn và có dáng hình của giọt mồ hôi trên trán ba, mạ, chị của nhỏ Quyên khi xốc lúa vào bao…

Trong mái nhà yên ấm của mình, em nhìn bầu trời và bỗng nhiên cảm thấy sợ hãi. Tiếng sấm nghe thật gần… Em nhớ đến bài học mạ dặn mấy anh em: Đang đi ngoài đường mà gặp sấm sét đừng đứng núp dưới cây cao giữa đồng, đừng đưa những vật kim loại chĩa lên trời… mạ dặn thế và em chỉ cần nhớ thế.

Mưa giông cũng là những cơn mưa… tiêu trừ rôm, sảy. Tuổi nhỏ chúng em chẳng biết ở đâu ra mà nhiều rôm sảy thế không biết. Tắm nước mưa là rôm sảy lặn nhanh, da thịt mát mẻ nên cứ có mưa giông, chờ “sấm sét” qua đi là cả bọn rủ nhau đi tắm mưa. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa giòn giã, một bầy trẻ nhỏ làm rộn rả cái xóm. Có lẽ nhờ thế mà với tụi em, mưa giông không hề buồn.

Bây giờ thì cô bé là em ấy đã có con cũng là những cô bé tuổi 14 -15 ngày nào. Nhưng bây giờ “ai mà tắm mưa mẹ, mà nhà mình có máng xối đâu, mà cũng có vườn đâu, chật chội quá hà!”. Em bỗng ngớ ra và thấy mình là một bà mẹ già cỗi đang cố khuyến khích con mình hãy thử niềm vui thơ bé mà mình đã tận hưởng. Đôi khi trong câu chuyện kể cho con của mình bây giờ, em thường mở đầu với câu: Hồi ấy thế hệ mẹ cực lắm, phải gánh nước, mót củi, đi chợ, nấu cơm... thế mà học vẫn giỏi.

Cuộc sống đã đổi thay, trẻ em bây giờ không biết thú tắm mưa, không cần chờ cơn mưa giông, em biết vậy nhưng em biết chắc rằng đất đai, cây cối, mùa màng vẫn rất cần những cơn mưa giông, vẫn rất cần những cơn “mưa vàng, mưa bạc” để cứu ruộng đồng, cây trái trong những tháng hè nắng hạn.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top